May 01, 2019 | 20:46 GMT+7

Cơ hội nào cho "mạng di động ảo" Đông Dương Telecom?

Thủy Diệu

Giữa một thị trường viễn thông di động gần như đã bão hòa, lại "chạy nhờ" trên hạ tầng mạng của một nhà mạng khác, liệu cơ hội cho mạng ảo Đông Dương Telecom có rộng mở?

Mạng di động ảo Đông Dương Telecom đã chính thức góp mặt trên thị trường từ ngày 25/4/2019 sau 10 năm “ẩn tích”.
Mạng di động ảo Đông Dương Telecom đã chính thức góp mặt trên thị trường từ ngày 25/4/2019 sau 10 năm “ẩn tích”.

"Mạng di động ảo" của Công ty Cổ phần Viễn thông Đông Dương Telecom (Indochina Telecom) đã chính thức góp mặt trên thị trường từ ngày 25/4/2019 sau 10 năm "ẩn tích". Giữa một thị trường viễn thông di động gần như đã bão hòa, lại "chạy nhờ" trên hạ tầng mạng lưới của một nhà mạng khác, liệu cơ hội cho nhà mạng ảo này có rộng mở?

Chọn "khe cửa hẹp" sau 10 năm

Đông Dương Telecom không phải là cái tên xa lạ. 10 năm trước, tháng 8/2009, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông di động cho Đông Dương Telecom. Nhưng khác với các mạng di động khác, Đông Dương Telecom không được cấp băng tần, mà chỉ đi thuê hạ tầng mạng cũng như tần số của doanh nghiệp khác để triển khai dịch vụ di động và bán sản phẩm, và vì thế được gọi là mạng ảo (MVNO - Mobile Virtual Network Operator).

Sau hai năm được cấp giấy phép (theo quy định phải cung cấp dịch vụ ra thị trường) nhưng Đông Dương Telecom không có một tín hiệu nào cho thấy sẽ cung cấp dịch vụ. Sau đó Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã gửi "tối hậu thư" yêu cầu doanh nghiệp báo cáo tình hình triển khai thực tế.

Thời điểm đó, trả lời VnEconomy, Phó tổng giám đốc Đông Dương Telecom, ông Nguyễn Minh Khánh cho biết, về mặt chủ trương, doanh nghiệp đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc về dùng chung hạ tầng mạng 3G với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), tuy nhiên, về quan điểm, thỏa thuận chi tiết thì các bên vẫn chưa thống nhất, vì thế vướng mắc của Đông Dương Telecom là ở khâu đàm phán với Viettel.

Cuối cùng, tháng 12/2012, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức ra quyết định rút giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông di động đối với Đông Dương Telecom vì lý do "chưa có động thái gì trong việc triển khai cung cấp dịch vụ".

Trong lần "trở lại" này, Đông Dương Telecom không "chạy" trên hạ tầng của Viettel như ngày đầu kỳ vọng mà hợp tác với VNPT để sử dụng hạ tầng của mạng di động VinaPhone cho việc cung cấp dịch vụ, với đầu số mới 087. Đông Dương Telecom cũng chưa cung cấp dịch vụ ra cả nước mà chỉ có mặt ở 9 tỉnh thành gồm Hà Nội, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Tp.HCM, Long An và Đồng Nai.

Giữa một thị trường đã bão hòa và gần như lấp đầy với hơn 133 triệu thuê bao điện thoại di động (tính đến tháng 3/2019), Đông Dương Telecom đã chọn một "khe cửa hẹp" là nhắm tới đối tượng khách hàng công nhân. Theo lãnh đạo Đông Dương Telecom, mục tiêu của công ty là hướng tới 15 triệu công nhân tại các khu công nghiệp trên cả nước.

Tất nhiên, ở thời điểm hiện tại, tất cả các khu công nghiệp với hàng chục triệu công nhân này đã có sự có mặt của tất cả các mạng di động Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile và cạnh tranh khốc liệt từ hàng chục năm nay, nên phân khúc này cũng không còn là hoang sơ để dành riêng cho mạng ảo Đông Dương nữa.

Do vậy, để lách qua khe cửa hẹp vốn đã rất hẹp, thách thức rất lớn đặt ra cho Đông Dương Telecom là phải tạo ra sự khác biệt hẳn so với các đối thủ, trong đó đầu tiên là về giá, thứ hai là chính sách chăm sóc khách hàng và thứ ba là các tiện ích, dịch vụ giá trị gia tăng, qua đó mới có thể nuôi được hi vọng tồn tại trên thị trường.

Chắc chắn chịu sự ràng buộc

Mô hình kinh doanh của mạng di động ảo như Đông Dương Telecom là hình thức buôn bán sỉ giữa các doanh nghiệp có hạ tầng mạng (MNO) với doanh nghiệp không có hạ tầng mạng (MVNO). Các doanh nghiệp MNO như VNPT, Viettel hay MobiFone chẳng hạn do dư thừa lưu lượng nên bán lại cho các MVNO (có thể xem các MVNO như những đại lý của MNO), để các MVNO này bán dịch vụ viễn thông cho người tiêu dùng.

Lãnh đạo một nhà mạng lớn chia sẻ, đối với các mạng di động ảo, việc có thành công hay không còn phụ thuộc rất chặt vào chính sách mà nhà mạng MVNO liên kết với MNO như chính sách giá cước (giá mua sỉ có tốt hay không), địa bàn cung cấp có rộng khắp hay không,…

Cụ thể hơn, về chính sách giá cước, chẳng hạn các MNO làm ra (giá thành) 10 đồng, bán ra thị trường 15 đồng, và bán sỉ cho các MVNO là 12 đồng, thì các MVNO này thường không được bán bằng hoặc thấp hơn giá thành hoặc quá thấp so với giá bán lẻ của các MNO - nghĩa là có sự ràng buộc nhất định.

Trong khi về chính sách địa bàn cung cấp, theo đó nơi/địa bàn các MNO có thị phần ổn định và vững chắc thì thông thường cũng sẽ không cho hoặc hạn chế các MVNO chạy trên hạ tầng của mình cung cấp dịch vụ ở những địa bàn này - vì các MNO không muốn bị các MVNO chia sẻ hoặc thậm chí "ăn mòn" doanh thu của chính mình.

Ngoài những hạn chế trên, vị lãnh đạo nhà mạng lớn cũng cho rằng, một "rào cản" nữa có thể đến với các MVNO là chất lượng sóng. Vì điều này đã xảy ra trên thực tế. Theo đó, chất lượng sóng của các MVNO có thể sẽ không tốt bằng các MNO (doanh nghiệp cho MVNO thuê hạ tầng).

Ông đơn cử mới đây, nhân viên của mình khi sang Pháp đã sử dụng dịch vụ của một mạng di động ảo (do giá rẻ hơn) nhưng chất lượng sóng lại không tốt và không ổn định nên đã phải chuyển sang mạng (MNO) Orange.

Các MVNO chỉ khác các MNO ở chỗ không có hạ tầng mạng còn lại việc tổ chức kinh doanh thì giống nguyên các "mạng di động thực", tức là cũng phải có kênh phân phối, có chính sách chăm sóc khách hàng, hoạt động marketing…

Điều này đặt ra những áp lực đối với mạng ảo như Đông Dương Telecom trong việc cạnh tranh với các nhà mạng di động lớn, nhỏ vốn đã có thương hiệu và nhiều kinh nghiệm với hàng chục cạnh tranh khốc liệt trên thị trường.

Tóm lại, trong rất nhiều khó khăn chủ quan trên, mấu chốt đầu tiên và quan trọng nhất của các nhà mạng mới, đặc biệt các MVNO như Đông Dương Telecom khi gia nhập thị trường - sẽ là giá bán. Thậm chí cước dịch vụ viễn thông gọi và data (3G/4G) phải thấp hơn hẳn, ưu thế hơn hẳn so với cước của các nhà mạng khác, dù rằng, cước viễn thông di động tại Việt Nam từ lâu đã không còn "nóng bỏng" vì đã xuống thấp đến mức người tiêu dùng không còn nhiều quan tâm.

Lãnh đạo một nhà mạng khác thì cho rằng, mạng ảo Đông Dương Telecom dù sao vẫn có lợi thế là không phải bỏ chi phí đầu tư lớn để xây dựng hạ tầng mạng lưới (phần chi phí lớn nhất của doanh nghiệp viễn thông), nên không bị gánh nặng lớn về tài chính, không bị áp lực lớn về doanh thu, về phát triển thuê bao lớn, do đó vẫn có cơ hội nhất định. Chỉ có điều, theo ông, chắc chắn các MNO (đơn vị cho MVNO thuê hạ tầng) sẽ có những ràng buộc để các MVNO không ảnh hưởng đến doanh thu trực tiếp của các MNO.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate