Tại Hồng Kông, nhằm khuyến khích người dân nhanh chóng tiêm vaccine ngừa Covid-19, hàng loạt chương trình “xổ số vaccine” tư nhân đã được đưa ra với nhiều phần thưởng hiện vật hấp dẫn như vàng thỏi, ôtô điện Tesla, thẻ quà tặng mua sắm trị giá 100.000 USD, đồng hồ kim cương Rolex hay thậm chí một căn hộ xa xỉ.
Theo Wall Street Journal, ở Hồng Kông, nguồn cung vaccine đủ để tiêm cho người dân và miễn phí cho người dưới 12 tuổi. Tuy nhiên, chiến dịch tiêm chủng gặp trở ngại do người dân mất niềm tin vào chính quyền và quan ngại về những tác dụng phụ của vaccine. Nhưng giờ đây, chỉ trong 1 tuần, khoảng 1 triệu người (đã tiêm vaccine đầy đủ) đã đăng ký tham gia chương trình bốc thăm trúng thưởng của công ty Sino Group và Chinese Estates để có cơ hội trúng căn hộ một phòng ngủ rộng khoảng 40m2, giá 1,4 triệu USD.
Từ đầu tháng 7, nhiều doanh nhân giàu có tại Hồng Kông cũng tổ chức các chương trình bốc thăm hàng ngày với phần thưởng nhỏ hơn như iPhone, và dự kiến có nhiều phần thưởng lớn hơn trong tháng 8 và tháng 9.
Trên thế giới, nhiều nơi cũng đưa ra các chương trình tặng thưởng tương tự nhằm đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 để sớm đưa nền kinh tế thoát khỏi đại dịch.
Tại Nga, người đi tiêm vaccine có cơ hội nhận được xe máy đi tuyết. Còn ở bang Tây Virginia, Mỹ, người dân có thể được cấp giấy phép săn bắn trọn đời hoặc súng săn khi đi tiêm vaccine. Ở bang Alabama của Mỹ, người tiêm vaccine còn có cơ hội lái xe máy trên đường cao tốc sau khi tiêm vaccine.
Trong bối cảnh biến thể Delta đã xuất hiện trên khắp thế giới, các quốc gia có nguồn vaccine dồi dào càng quyết liệt hơn trong việc kêu gọi người dân đi tiêm chủng. Các chính phủ và doanh nghiệp tư nhân đang triển khai nhiều chiến lược khác nhau, từ quảng cáo với thông điệp từ các nhân vật có uy tín, như bác sĩ, nhân viên bệnh viện, cho tới biện pháp mạnh như hạn chế người chưa tiêm vaccine vào các địa điểm công cộng (như ở Pháp).
Các chương trình tặng thưởng là lựa chọn mang ít áp lực chính trị hơn. Dù các nhà lập pháp cho rằng những chương trình như vậy mang lại nhiều hiệu quả với những người còn đang hoài nghi về vaccine, họ hy vọng chúng có thể là động lực để những người đang do dự đưa ra quyết định.
Trên thực tế, những chương trình này đã mang lại hiệu quả ban đầu tại nhiều nơi. Ví dụ, ở Hồng Kông, số lượng người dân được tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ đã tăng gấp đôi trong 7 tuần qua, lên hơn 2 triệu người, trong khoảng thời gian diễn ra chương trình tặng thưởng của các công ty tư nhân.
Ngược lại, theo một nghiên cứu, không có bằng chứng nào cho thấy chương trình xổ số vaccine của bang Ohio (Mỹ) giúp tăng số lượng người tiêm vaccine.
Mặc dù vậy, hầu hết các chuyên gia đồng tình rằng những chương trình khuyến khích như vậy đáng để thử bởi vì lịch sử cho thấy chỉ đưa ra các thông điệp về sức khỏe không mang lại nhiều hiệu quả.
“Động lực là thứ thay đổi hành vi của mọi người. Còn tuyên truyền về nỗi sợ hay rủi ro thường không hiệu quả”, Noel Brewer, giáo sư chuyên về nghiên cứu tiêm chủng vaccine tại Đại học North Carolina, cho biết.
Theo ông Brewer, việc tặng 25 USD cho những người tiêm mũi vaccine Covid-19 đầu tiên ở North Carolina dù không lớn nhưng có ý nghĩa với người thu nhập thấp tại đây.