September 26, 2011 | 23:08 GMT+7

Có Luật Giá, giá đất đai, xăng dầu có ổn hơn?

Nguyên Vũ

Nhiều quy định tại dự thảo Luật Giá được cho là chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Phiên họp thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phiên họp thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp tới, dự thảo Luật Giá đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chiều 26/9.

Theo tờ trình của Chính phủ, sự cần thiết phải ban hành Luật Giá xuất phát từ yêu cầu phải tiếp tục đổi mới phương thức quản lý giá, khắc phục những bất cập hiện tại để quản lý giá phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường, bảo đảm khuyến khích cạnh tranh về giá.

Bởi bất cập của hệ thống pháp luật về giá hiện hành đã dẫn đến tình trạng độc quyền, liên minh độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh về giá nhằm thu lợi nhuận không chính đáng ở một số ngành, lĩnh vực làm phương hại đến lợi ích của người tiêu dùng chưa được kiểm soát một cách thích đáng.

Giá một số hàng hóa, dịch vụ chưa được tính đúng, tính đủ theo mặt bằng giá thị trường, có loại còn bao cấp, bù chéo… làm “méo mó” hệ thống giá trong nước do không phản ánh đúng giá trị hàng hóa, dịch vụ dẫn đến thị trường ngầm, buôn lậu diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết.

Dự thảo luật này, theo Chính phủ, đã sử dụng một cơ chế hỗn hợp cả “bàn tay vô hình và bàn tay hữu hình” trong quản lý giá. Đảm bảo nguyên tắc Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường và thực hiện điều tiết giá thông qua các biện pháp kinh tế, hành chính phù hợp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước.

Tuy nhiên, thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã chỉ ra nhiều quy định tại dự luật mâu thuẫn với yêu cầu đổi mới phương thức quản lý giá.

Nhiều nội dung của dự thảo luật chưa thực sự phù hợp với quy luật thị trường, thể hiện sự can thiệp quá sâu của Nhà nước vào quan hệ cung cầu, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Đi vào các nội dung cụ thể, nhiều ý kiến thảo luận còn băn khoăn về quy định định giá và bình ổn giá.

Từ thực tế quản lý giá với nhiều mặt hàng còn rất yếu kém hiện nay, một số vị ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị phải tính toán bước đi cho thật phù hợp, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, khi thực tế vẫn còn không ít mặt hàng nhà nước vẫn phải can thiệp về giá.

Luật Dược ra đời bao nhiêu năm đến nay vẫn không quản lý được giá thuốc mà chưa biết xử lý như thế nào, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nói.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng “chưa thông” khi giá đất nhà nước cũng quy định giá ban đầu nhưng thị trường biến động tăng gấp nhiều lần… Đất đai là tài sản quốc gia, Nhà nước có bình ổn không, bình ổn như thế nào, ông Phước đặt câu hỏi.

Băn khoăn của ông Ksor Phước còn thể hiện ở chỗ với một số mặt hàng, doanh nghiệp Nhà nước ở thế độc quyền nhưng lại bán theo thị trường thì bình ổn như thế nào? Như điện, than, xăng dầu kêu lỗ, người tiêu dùng cũng kêu, nhà sản xuất kêu, luật ra rồi có ổn hơn không?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, việc nhà nước định giá phải hết sức chặt chẽ, vì nếu nhà nước định giá nhiều quá sẽ bỏ hết cạnh tranh.

Với các mặt hàng như điện, than, xăng dầu, Chủ tịch nhấn mạnh chỉ có độc quyền Nhà nước, mà không độc quyền doanh nghiệp. Và nhà nước chỉ hỗ trợ những mặt hàng này cho người khó khăn, lương thấp chứ không hỗ trợ cho những "anh" đi xe sang...

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng yêu cầu dự án luật phải làm rõ tiêu chí hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá, bình ổn giá, phân định rõ thẩm quyền trong việc xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá, những mặt hàng cần bình ổn giá trong những thời điểm nhất định…
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate