Đề xuất giới hạn giờ làm thêm của học sinh, sinh viên là một trong những nội dung mới lần đầu tiên được đề cập tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang được lấy ý kiến.
CÂN NHẮC TÍNH KHẢ THI
Theo đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất học sinh, sinh viên đủ 15 tuổi trở lên được làm thêm, nhưng không quá 20 giờ trong 1 tuần trong kỳ học, và không quá 48 giờ trong 1 tuần trong kỳ nghỉ.
Tiền công của học sinh, sinh viên được thanh toán trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động, và người sử dụng lao động; căn cứ thời gian thực tế làm việc, khối lượng, chất lượng công việc đã thực hiện.
Các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian.
Góp ý về nội dung này trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Công thương nhận định, quy định cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian không khả thi.
Bởi lẽ, các cơ sở giáo dục này chỉ quản lý học sinh, sinh viên khi tham gia học tập tại đơn vị, chứ không đủ nhân lực quản lý việc làm thêm của nhóm đối tượng này.
Còn theo Bộ Khoa học và Công nghệ, quy định cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp phải có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc trong kỳ nghỉ là khó khả thi, vì kỳ nghỉ thường các em không sinh hoạt tại trường.
Để khả thi khi thực hiện quy định pháp luật trong thực tiễn, Bộ Khoa học và Công nghệ góp ý, điều khoản trên nên được chỉnh sửa như sau: “Học sinh, sinh viên làm việc trong kỳ học phải có xác nhận của cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Học sinh, sinh viên làm việc trong kỳ nghỉ phải có trách nhiệm thông báo với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, ban hành quy chế quản lý học sinh, sinh viên làm việc trong kỳ học và kỳ nghỉ”.
Cho ý kiến về quy định sinh viên làm thêm không quá 20 giờ/tuần, PGS.TS Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam nhìn nhận, đề xuất này là phù hợp. Bởi thực tế đã có những trường hợp sinh viên do điều kiện gia đình hoặc mải mê đi làm thêm, gây ảnh hưởng đến việc học. Bên cạnh đó, được biết một số trường đại học ở nước ngoài cũng quy định sinh viên đến du học được phép làm việc một tuần không quá 20 giờ.
Tuy nhiên, theo TS. Dương Kim Anh, bên cạnh quy định sinh viên làm thêm không quá 20 giờ/tuần, nên có chính sách, biện pháp hỗ trợ tăng thu nhập, hoặc cơ hội khác cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. “Một chính sách sẽ không thể giải quyết được mọi vấn đề”, PGS.TS Dương Kim Anh nói.
ĐẢM BẢO TRẢ CÔNG TƯƠNG XỨNG, KHÔNG THẤP HƠN MỨC LƯƠNG TỐI THIỂU
Còn ở góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Hoàng Giang, Giám sát tuyển dụng và đối tác nhân sự của Công ty TNHH Vòng tròn đỏ, nói quan điểm của doanh nghiệp như công ty đang ký hợp đồng lao động, thì cần thực hiện đúng quy định về thời gian làm việc đối với người lao động theo Bộ luật Lao động.
Song về phía quan điểm của người đi làm, nếu quy định giới hạn giờ làm thêm của sinh viên sẽ hạn chế khả năng muốn kiếm thêm thu nhập, và học hỏi thêm kinh nghiệm trong ngành của các bạn trẻ.
Vì thế, ông Giang cho rằng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nên đề xuất một giải pháp chung, có thể chỉ khuyến khích sinh viên làm việc 20 giờ/tuần, còn việc sử dụng thời gian ra sao hãy để sinh viên và chủ sử dụng lao động tự thỏa thuận.
Về vấn đề này, TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội) cũng lưu ý, quan trọng là cần quy định rõ việc trả lương cho sinh viên khi làm thêm giờ thế nào cho phù hợp với khả năng cống hiến lao động và năng lực của các em.
Hơn hết, cần quản lý thế nào để các cơ sở sử dụng lao động không trả lương cho sinh viên thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đã quy định, thể hiện sự bình đẳng trong thị trường lao động.
Theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ, lương tối thiểu giờ hiện hành đang dao động từ 15.600 – 22.500 đồng/giờ tùy theo vùng. Cùng với lương tối thiểu tháng dự kiến tăng từ 1/7 năm nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đề xuất lương tối thiểu giờ tăng tương ứng 6%, dao động từ 16.600 - 23.800 đồng.
Theo đó, vùng 1 nâng lên 23.800 đồng; vùng 2 lên 21.200 đồng; vùng 3 lên 18.600 đồng; vùng 4 lên 16.600 đồng. Mức lương tối thiểu giờ tiếp tục được xác định dựa trên phương pháp quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng, và thời gian làm việc tiêu chuẩn.