Những nỗ lực kéo VN-Index lên về cuối phiên cũng đã thành công khi VIC, MSN trụ giá tốt, đặc biệt là MSN được đẩy tăng vọt đợt ATC.
Thị trường diễn biến luẩn quẩn do thanh khoản quá kém và nhất là dòng tiền chạy ra khỏi VN30. Cả nhóm blue-chips này giờ không còn vai trò gì nữa, chỉ sót lại vài trụ đang cố gắng giúp VN-Index không tuột sâu hơn.
MSN là cổ phiếu đáng chú ý nhất hôm nay, cùng với VNM, VCB tạo nên diễn biến phục hồi thoát khỏi vùng giá đỏ nửa sau của phiên chiều của VN-Index. Chỉ số đã giảm từ cuối phiên sáng và đến 1h30 xuống 934,63 điểm, giảm 0,33% so với tham chiếu. Từ đáy này, một số trụ được vớt lên, dẫn VN-Index tăng trở lại.
MSN chưa phát huy tác dụng ở đợt phục hồi này, mà là VNM và VCB. VNM tăng từ 108.000 đồng lên 108.900 đồng, tương đương tăng 0,83%. VCB tăng từ 84.100 đồng lên 85.000 đồng, tương đương 1,07%. Cả hai cổ phiếu này cuối cùng cũng chỉ phục hồi về tham chiếu, nhưng tính theo diễn biến ở một giai đoạn quyết định, đà tăng là khá mạnh, do đó kéo được VN-Index lên.
MSN trong thời điểm VNM, VCB phục hồi thì chủ yếu đi ngang trên tham chiếu xấp xỉ 1%. Riêng đợt ATC, nhiều cổ phiếu yếu đi và dự kiến tụt giá so với cuối đợt khớp lệnh liên tục, duy nhất MSN lại được đẩy vọt từ 88.800 đồng lên 89.900 đồng. Như vậy MSN nhảy giá trong một lần giao dịch khoảng 1,24%, chốt trên tham chiếu cuối ngày 2,28%.
VN-Index phục hồi vất cả cũng chỉ được 0,54 điểm so với tham chiếu thì riêng MSN đã đóng góp gần 0,7 điểm. VIC tăng nhẹ 0,57%, HPG tăng 0,5% là các cổ duy nhất còn lại có ảnh hưởng tương đối rõ lên VN-Index. Cả rổ VN30 cũng chỉ có 9 cổ phiếu tăng giá. Chỉ số của rổ này chốt giảm 0,08% so với tham chiếu.
Giao dịch của MSN lặp đi lặp lại kiểu kéo giá lúc ATC đã nhiều phiên. Trong ngày, thanh khoản của MSN rất kém nhưng đến cuối phiên bắt đầu được nhồi lệnh. Như hôm nay khối lượng giao dịch ATC của MSN chiếm tới 43% tổng khối lượng cả ngày. Mặc dù vậy khối lượng vẫn thấp hơn hôm qua 32%. Trong 6 phiên gần nhất, lượng giao dịch ở MSN đã sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên giá MSN ngày càng cao hơn, đóng cửa hôm nay đạt 89.900 đồng, gần sát mức cao nhất hồi tháng 3 và tháng 5/2019.
Mặc dù vẫn diễn ra nhưng hiện tượng đẩy trụ đã không thể kéo dài như các phiên trước và cũng kém rõ rệt hơn đáng kể. VNM, VHM, VCB, BID, CTG chỉ đến tham chiếu. GAS giảm 0,98%, SAB giảm 0,22% và các mã ngân hàng khác giảm tương đối sâu: MBB giảm 1,64%, TCB giảm 0,92%, VPB giảm 0,84%...
Độ rộng ở sàn HSX có cải thiện nhẹ so với hôm qua, khi ghi nhận 173 mã tăng/224 mã giảm. Giao dịch ổn hơn ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ khi phần lớn số tăng giá thuộc hai nhóm này. Chỉ số Midcap cũng tăng 0,45% lúc đóng cửa, Smallcap tăng 0,54%.
Tuy nhiên độ nóng tại nhóm đầu cơ không cao. FLC, TCM, GIL xuất hiện giá kịch trần với thanh khoản tốt là duy nhất. DGW, PET, NBB, SMC, HSG là các mã hiếm hoi khác tăng trên 4% mà có thanh khoản ổn.
Dòng tiền đang rút khỏi các mã blue-chips ngày càng rõ hơn. Giá trị khớp lệnh của rổ VN30 hôm nay đã giảm hơn 17% so với phiên trước và chỉ đạt 2.391 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 2 tháng. Trong khi đó giao dịch tại nhóm Midcap chỉ giảm chưa tới 5% giá trị, Smallcap giảm chưa tới 4% so với hôm qua. Tổng giá trị khớp của sàn HSX giảm 13%, tổng khớp cả hai sàn giảm gần 14%.
Thanh khoản tụt giảm là nét nổi bật trong tuần này khi bình quân giá trị khớp lệnh chỉ còn gần 5.831 tỷ đồng/phiên, giảm 28% so với mức trung bình tuần trước. Tổng giá trị giao dịch cũng giảm khoảng 26%. Trong khi đó tuần này là tuần đảo chiều phục hồi 1,4% ở VN-Index, so với mức giảm 3,7% trong tuần trước. Nếu tính theo biên độ giảm từ đỉnh 970 thì mức phục hồi của chỉ số tuần này đạt khoảng 50%, tương đương điểm số gần 941 điểm. Đây cũng là mức điểm số thị trường cố gắng chinh phục trong 3 phiên cuối tuần mà không thành công.
Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay lại quay ra bán ròng, làm "cụt hứng" diễn biến mua ròng hôm qua. Tổng giá trị bán ròng ở HSX gần 144 tỷ đồng, trong đó rổ VN30 bị bán ròng 164 tỷ đồng. VRE, MBB, VPB, HPG, KDH, MSN, HDB, POW tiếp tục bị xả mạnh.