June 05, 2009 | 09:53 GMT+7

“Có phải ai về nước cũng có tiền mua nhà đâu!”

Hạnh Liên

Quan điểm của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam về độ mở của chính sách bán nhà cho Việt kiều

Ông Nguyễn Trần Nam.
Ông Nguyễn Trần Nam.
Trước những ý kiến trái chiều về độ mở của chính sách bán nhà cho Việt kiều tác động thế nào đến thị trường nhà đất, quan điểm của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam là chính sách này chủ yếu có ý nghĩa chính trị, không ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản, vì vậy cần phải khuyến khích hơn nữa.

Thưa ông, chính sách cho phép người Việt Nam cư trú ở nước ngoài được mua nhà trong nước đang là vấn đề "nóng" trên nghị trường Quốc hội. Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì tranh cãi về độ mở các đối tượng mua nhà thì nên bàn tới phương án "kéo" được nhiều ngoại tệ về cho đất nước thông qua chính sách này?

Hiện nay có hơn 3 triệu Việt kiều (trong đó khoảng 70% còn duy trì quốc tịch Việt Nam), tuy nhiên sau vài năm thực thi Luật Nhà ở cũng chỉ có khoảng 144 trường hợp mua nhà và chỉ tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM, Con số trên quá nhỏ so với nhu cầu thật.
 
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực tế này là do quy định của điều 126 Luật Nhà ở và điều 121 Luật Đất đai không còn phù hợp.

Vì vậy cần cho phép mở rộng chính sách để tác động tích cực nhất định đến thị trường bất động sản. Năm 2007, theo một thống kê, có khoảng 6 tỉ USD của kiều bào chuyển về nước và khoảng 20% trong số này là nhờ người thân, bạn bè đứng tên mua nhà ở tại Việt Nam.

Rõ ràng việc khuyến khích là cần thiết. Bà con có thể về nước mua nhà nếu họ có tiền, còn những vấn đề liên quan đã có pháp luật khác điều chỉnh, ví dụ thuế bất động sản…

Theo ông thì có cần phải lo ngại về khả năng đầu cơ nhà đất sẽ xảy ra, nếu độ mở của chính sách này được Quốc hội thông qua hay không?

Theo tôi, việc sửa đổi luật sẽ giúp lành mạnh hóa hoạt động mua bán của Việt kiều.

Phải thấy rằng, nếu Việt kiều không mua nhà thì hiện tượng đầu cơ nhà đất vẫn diễn ra trên thị trường. Việt kiều không mua nhà thì vẫn có rửa tiền, người ta vẫn gửi tiền về nước nhờ đứng tiền mua nhà. Vì thế, cần minh bạch hoạt động này, chỉ cần chứng minh nguồn tiền hợp pháp là có thể mua được nhà trong nước. Cần có sự can thiệp của Nhà nước để hạn chế tiêu cực trên thị trường nhà đất, nhưng hạn chế đầu cơ không có nghĩa là "siết", là không khuyến khích.

Chống đầu cơ không chỉ riêng chính sách bán nhà cho Việt kiều mà phải có chính sách chung cho toàn thị trường như đánh thuế sở hữu. Mình không thể chống đầu cơ bằng cách kiểm soát cấm đoán, mà phải dùng các công cụ kinh tế để chống như đẩy mạnh cung thị trường lên thì sẽ hết đầu cơ, hàng hoá nhiều thì sẽ hết đầu cơ.
 
Thị trường đang thiếu hàng thì phải dùng thuế để điều tiết, ai mua nhiều, mỗi lần chuyển nhượng là bị thuế, sở hữu cũng phải dùng thuế. Thuế áp dụng tất cả đối tượng chứ không chỉ riêng Việt kiều, chính sách chống đầu cơ là chính sách chung.

Là quyền công dân, nên không thể cấm họ mua hai ba cái nhà được. Người ta có tiền người ta mua, Nhà nước phải thu thuế tăng ngân sách và dùng tiền đó để đầu tư các chính sách an sinh xã hội khác.

Nhiều ý kiến cũng lo ngại về khả năng "nguồn hàng" cho người cần nhà trong nước sẽ khó khăn hơn, nếu chính sách cho phép Việt kiều mua nhà thoáng hơn khi nguồn cung đang thiếu?

Chúng ta vẫn có những điều kiện ràng buộc, chứ chúng ta đã mở toang hết cửa cho Việt kiều mua nhà đâu.

Chính sách này không gây biến động gì lớn cho thị trường nhà đất, mà chỉ có ý nghĩa chính trị là chủ yếu. Nhà nước muốn động viên bà con Việt kiều làm ăn xa xứ và thể chế hoá chính sách của Nhà nước.

Trong vài năm qua có 144 người mua nhà, giả định số người mua sau khi luật được thông qua tăng lên 100 lần là 14.000 người mua, nếu so với nguồn cung trên thị trường thì chả ăn thua gì. Hầu như Việt kiều đều mua phân khúc nhà ở cao cấp, không ảnh hưởng gì đến phân khúc của người nghèo.
 
Mặt khác, Chính phủ đã ban hành chính sách xây nhà xã hội cho các đối tượng là người nghèo, sinh viên, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, nên việc mở rộng đối tượng sở hữu là Việt kiều cũng sẽ không có tác động nhiều đến chính sách nhà ở của các đối tượng xã hội hoặc người nghèo trong nước.

Không phải Việt kiều nào cũng nhiều tiền, một lượng rất đông Việt kiều sống ở các nước Đông Âu và các nước chủ nghĩa xã hội cũ là những người lao động, nhiều người là đảng viên đi học tập rồi ở lại làm ăn sinh sống, Chính phủ còn can thiệp với các nước sở tại để bà con bên đó được mua nhà, được kinh doanh.

Ở trong nước cũng không thiếu người giầu, Đảng và Chính phủ cũng khuyến khích làm giầu chân chính. Làm giầu chân chính để có tiền mua nhà rất khó khăn và đáng khuyến khích.

Cá nhân ông có cho rằng, người Việt cư trú ở nước ngoài sẽ hào hứng hơn với chính sách mới nếu được Quốc hội thông qua?

Việt kiều mua nhà trong nước vẫn  bị hạn chế một số quyền nhất định, vì không thực một số quyền và nghĩa vụ đối với đất nước giống người Việt sinh sống trong nước, nên quyền bị hạn chế đi một chút.

Có phải ai về nước cũng có tiền mua nhà đâu! Nhiều người có nhà ở nước ngoài nhưng cũng không đủ tiền mua nhà trong nước vì giá nhà đất trong nước quá cao. Hơn nữa, Việt kiều họ cũng chọn lọc lắm, bỏ một đồng vốn đầu tư họ cũng phải tính toán rất kỹ.

Việt kiều có thể mua nhà trả góp, hoặc vay tiền ở ngân hàng nước ngoài với lãi suất thấp để mua nhà trong nước không?

Miễn là chứng minh nguồn tiền hợp pháp thì đều có thể mua nhà trong nước.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate