February 18, 2014 | 15:37 GMT+7

Cổ phần hóa hơn 400 doanh nghiệp trong hai năm tới

Bảo Anh

Trong hai năm 2014 - 2015 sẽ có 432 doanh nghiệp nhà nước phải cổ phần hóa

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các đại biểu dự hội nghị sáng 18/2.<br>
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các đại biểu dự hội nghị sáng 18/2.<br>
Theo kế hoạch đã phê duyệt, trong hai năm 2014 - 2015 sẽ có 432 doanh nghiệp nhà nước phải cổ phần hóa và tiến hành bán, giao, giải thể, phá sản 22 doanh nghiệp.

Thông tin được Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn đưa ra tại hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước 2014 - 2015.

Cũng theo ông Muôn, sở dĩ số doanh nghiệp cổ phần hóa trong hai năm tới khá nhiều là do trong ba năm qua (2011-2013) đạt thấp, chỉ 99 doanh nghiệp được cổ phần hóa với giá trị thu về gần 19.000 tỷ đồng. Do đó, trong hai năm tới phải phấn đấu bình quân mỗi năm hơn 200 doanh nghiệp.

Để tháo gỡ khó khăn cho thoái vốn đầu tư ngoài ngành, theo ông Muôn, trong quý 2/2014, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết về thoái vốn nhà nước, trong đó định hướng cho thoái vốn dưới mệnh giá sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất khoản đầu tư tài chính theo quy định; chuyển nhượng các khoản đầu tư tại công ty cổ phần chưa niêm yết có giá trị lớn theo mệnh giá; phương thức thoái vốn, lựa chọn tổ chức tài chính trung gian; thoái vốn đầu tư tại các công ty đại chúng thua lỗ...

Tuy nhiên, bộ trưởng các bộ quản lý ngành, chủ tịch UBND tỉnh, thành, chủ tịch các tập đoàn kinh tế phải chịu trách nhiệm hành chính trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc phạm vi phụ trách. Đồng thời xử lý nghiêm, cách chức, miễn nhiệm, điều chuyển lãnh đạo doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện, thực hiện không có kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp và nhiệm vụ chủ sở hữu giao trong quản lý, điều hành doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết, theo kế hoạch sắp xếp doanh nghiệp nhà nước năm 2014 - 2015 của Bộ thì toàn bộ các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước còn lại sẽ thực hiện cổ phần hóa 100%, trừ 3 tổng công ty công ích về đảm bảo an toàn hàng không và hàng hải.

Trong quý 1/2014 sẽ hoàn thành cổ phần hóa 10 tổng công ty, riêng Vietnam Airlines sẽ hoàn thành trong quý 2/2014, sau đó sẽ cổ phần hóa tiếp khoảng gần 40 doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp…

Cũng theo Bộ trưởng Thăng, trong điều kiện thị trường khó khăn, để cổ phần hóa đạt kết quả cao cần phải tìm được nhà đầu tư chiến lược, thỏa thuận bán cổ phần cho họ trước khi thực hiện IPO.

Kinh nghiệm từ Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, trong 11 tổng công ty mà bộ này cổ phần hóa, trong đó có Vietnam Airlines, thì chỉ có hai tổng công ty chưa chọn được nhà đầu tư chiến lược là Tổng công ty Ôtô và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6, còn lại tất cả các doanh nghiệp khác đều có nhà đầu tư chiến lược, thậm chí là có những doanh nghiệp có nhiều nhà đầu tư chiến lược phải lựa chọn.

“Khi chọn được cổ đông chiến lược thì đã quyết định được 99% cổ phần hóa thành công”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.

Cũng theo ông Thăng, những doanh nghiệp mà nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối thì dứt khoát không giữ chi phối. Vì nếu giữ chi phối sẽ không hấp dẫn.

“Cổ phần hóa mà Nhà nước vẫn giữ chi phối chỉ là thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa đổi mới nửa vời, vì nó vẫn là doanh nghiệp Nhà nước, Nhà nước vẫn chi phối”, ông Thăng nhấn mạnh.

Với quan điểm đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải sẽ đề xuất cổ phần hóa Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) ngay trong năm nay để có vốn đối ứng khoảng 1,4 tỷ USD cho dự án sân bay Long Thành trị giá 7 tỷ USD.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate