Giá cổ phiếu Alibaba tăng vọt trong phiên giao dịch sáng thứ Hai (12/4) tại thị trường Hồng Kông, dù hãng thương mại điện tử khổng lồ này vừa lĩnh án phạt độc quyền 2,8 tỷ USD từ cơ quan chức năng Trung Quốc.
"Đây là một án phạt kỷ lục, nhưng chúng tôi cho rằng nhà đầu tư thở phào vì một vấn đề lớn treo lơ lửng trên Alibaba đã được tháo gỡ. Tâm điểm chú ý của thị trường giờ đây sẽ quay trở lại với những yếu tố nền tảng của công ty", một báo cáo của Morgan Stanley nhận định hôm Chủ nhật, một ngày sau khi án phạt đối với Alibaba được đưa ra.
Nhà chức trách Trung Quốc mở cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào Alibaba vào tháng 12 năm ngoái. Cuộc điều tra chủ yếu nhằm vào việc Alibaba có quy định các nhà bán hàng nếu đã bán sản phẩm trên các nền tảng của Alibaba thì không được bán trên một nền tảng khác, từ là chỉ được "chọn một trong hai".
Trong tuyên bố đưa ra hôm thứ Bảy, Cơ quan Điều tiết thị trường Nhà nước Trung Quốc (SAMR) nói hành vi này của Alibaba bóp nghẹt cạnh tranh trên thị trường bán lẻ trực tuyến ở Trung Quốc và "xâm phạm hoạt động kinh doanh của các nhà bán hàng trên nền tảng của Alibaba, cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng".
CEO Daniel Zhang của Alibaba nói rằng việc công ty phải thay đổi thỏa thuận với các nhà bán hàng theo yêu cầu của cơ quan chức năng sẽ không có ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh. Ông cũng nói Alibaba sẽ đưa ra các quy định mới nhằm hạ thấp rào cản và chi phí gia nhập đối với các doanh nghiệp và người bán hàng trên các nền tảng của công ty.
Trong những năm qua, các công ty công nghệ của Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ, gần như không gặp phải rào cản nào, và đã trở thành những "gã khổng lồ". Gần đây, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang ngày càng trở nên thận trọng hơn với sức mạnh của những công ty này.
Trong đó, Alibaba đang là công ty công nghệ lớn của Trung Quốc bị siết chặt giám sát mạnh tay hơn cả. Trước án phạt 2,8 tỷ USD, nhà chức trách còn đình chỉ vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Ant Group, công ty con về công nghệ tài chính thuộc Alibaba.
Phó chủ tịch điều hành Joe Tsai của Alibaba ngày 12/4 nói rằng hiện không có một cuộc điều tra chống độc quyền nào khác nhằm vào Alibaba. "Chúng tôi hài lòng vì đã có thể vượt qua vấn đề này", ông Tsai phát biểu.
Tuy nhiên, theo ông Tsai, Alibaba và các công ty công nghệ lớn khác của Trung Quốc đang chịu sự giám sát nghiêm ngặt của cơ quan chức năng về các vụ sáp nhập, mua lại và đầu tư chiến lược, như một phần của quy trình rà soát hoạt động của các "ông lớn" này.