February 08, 2023 | 12:03 GMT+7

Cổ phiếu bất động sản lao dốc, VCB gắng sức “gồng” chỉ số

Kim Phong -

VN-Index chốt phiên sáng tăng 1,66 điểm thì riêng VCB đã kéo lại 4,1 điểm với mức tăng giá 3,7%. Điều đó nghĩa là chỉ cần VCB hạ độ cao khoảng 1%, chỉ số sẽ đỏ. Độ rộng sàn HoSE đang có số mã giảm giá gấp 2,8 lần số tăng giá...

Xếp theo thanh khoản,  nhóm bất động sản có nhiều cổ phiếu bị xả mạnh, giá giảm sâu.
Xếp theo thanh khoản, nhóm bất động sản có nhiều cổ phiếu bị xả mạnh, giá giảm sâu.

VN-Index chốt phiên sáng tăng 1,66 điểm thì riêng VCB đã kéo lại 4,1 điểm với mức tăng giá 3,7%. Điều đó nghĩa là chỉ cần VCB hạ độ cao khoảng 1%, chỉ số sẽ đỏ. Độ rộng sàn HoSE đang có số mã giảm giá gấp 2,8 lần số tăng giá.

Thông tin về cuộc họp bàn “giải cứu” bất động sản không đủ sức hỗ trợ nhóm cổ phiếu bất động sản. Hàng loạt mã nhóm này lao dốc nặng, thậm chí lọt Top kéo chìm chỉ số. VNREAL Index trên sàn HoSE đang giảm 2,04%, mạnh nhất trong các chỉ số nhóm vốn hóa.

VHM giảm 3,53%, VIC giảm 2,18%, GVR giảm 1,01%, KBC giảm 3,21% là đại diện bất động sản lọt Top 5 mã khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất. Dĩ nhiên còn nhiều cổ phiếu bất động sản khác giảm sâu hơn, chỉ là vốn hóa chưa đủ để ảnh hưởng lên chỉ số.

Loạt mã rơi đáng chú ý nhất phải kể tới NBB giảm 5,47%, PDR giảm 4,3%, KHG giảm 4,1%, DXS giảm 3,92%, NLG giảm 3,43%, DXG giảm 3,15%, DRH giảm 2,42%... Số khác như NVL, DIG lọt Top 10 thanh khoản thị trường và giá cũng giảm.

HoSE kết phiên sáng chỉ có 93 mã tăng/260 mã giảm, trong đó 122 cổ phiếu giảm trên 1%. Nhóm tăng ngoài VCB, cũng còn thêm vài trụ đáng chú ý là BID tăng 1,83%, SAB tăng 3,14%, GAS tăng 0,85%. Không có nhóm cổ phiếu nào nổi bật, kể cả ngân hàng vì trạng thái phân hóa là rất yếu. Trái lại nhóm giảm giá xuất hiện cả loạt cổ phiếu thanh khoản cao vượt trội như STB, SSI, VND, NVL, DGC, HSG, NKG đều thuộc Top 10 mã giao dịch nhiều nhất sáng nay.

VN-Index cả buổi sáng vẫn nằm trên tham chiếu.
VN-Index cả buổi sáng vẫn nằm trên tham chiếu.

Tuy cả sáng nay VN-Index nằm trên tham chiếu, nhưng giao dịch là rất kém. Mức tăng cao nhất của chỉ số là 0,88% trên tham chiếu lúc 10h30. Đó cũng là thời điểm độ rộng của chỉ số tốt nhất, với 217 mã tăng/129 mã giảm. VCB đạt đỉnh lúc 10h45 và VN-Index có đỉnh thứ hai gần tương đương, nhưng độ rộng bắt đầu hẹp lại rất nhanh. Trong khoảng thời gian còn lại, VCB vẫn nỗ lực neo giá rất cao, nhưng số cổ phiếu giảm giá càng lúc càng tăng và kết phiên thì áp đảo hoàn toàn.

Như vậy VCB là trụ neo giữ chỉ số, nhưng không giữ nhịp được cho thị trường. Áp lực bán đã gia tăng trên diện rộng, ép rất nhiều cổ phiếu hạ độ cao hoặc giảm xuống dưới tham chiếu. Trong khi đó thanh khoản ở HoSE sáng nay lại rất kém, chỉ đạt chưa tới 3.095 tỷ đồng, giảm 12% so với sáng hôm qua. Điều này cho thấy thị trường tiếp tục không có dòng tiền vào mua ở vùng giá xanh và diễn biến giá chủ yếu phụ thuộc vào người bán hành động thế nào. Khi người bán xả thêm hàng và hạ giá xuống thì cổ phiếu ngay lập tức trượt dốc nhanh.

Khối ngoại sáng nay tăng mua trở lại, mức giải ngân trên HoSE đạt 682,7 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với sáng hôm qua. Lượng cầu này dĩ nhiên không đủ sức đỡ thị trường, nhưng lại ủng hộ thanh khoản. Tổng cầu của khối ngoại chiếm 16,1% tổng giao dịch sàn HoSE. Hệ quả rút ra là dòng vốn của nhà đầu tư trong nước sáng nay rất cạn.

Mức mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài nhỏ, mới đạt 112,8 tỷ đồng ròng. STB +75,9 tỷ, HPG +29,5 tỷ là đáng kể nhất. Phía bán ròng có VHM -24,6 tỷ cũng là mã duy nhất chú ý.

Việc chỉ số VN-Index đang được neo trên tham chiếu không phải là tín hiệu tốt, vì tác động của VCB là quá rõ. Nếu mã này suy yếu, điểm số sẽ “đỏ đậm”, làm suy yếu thêm tâm lý chung. Mặt khác, độ rộng thị trường mới là yếu tố cần quan tâm vì cổ phiếu sẽ gây thiệt hại nếu giảm, bất kể VN-Index như thế nào.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate