Lực cầu mua đột ngột suy yếu đáng kể trong phiên sáng nay, khiến áp lực bán dù không mạnh nhưng cũng ép giá cổ phiếu giảm cả loạt. Tới gần 57% số cổ phiếu trong VN-Index giảm quá 1% dù chỉ số chỉ mất 0,45% (-5,6 điểm).
Thanh khoản sàn HoSE cũng không lớn, chỉ khớp khoảng 6.987 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với sáng hôm qua. Độ rộng cực xấu với 85 mã tăng/331 mã giảm, trong đó 192 mã giảm từ 1% trở lên. Nhóm này cũng chiếm hơn 61% tổng giá trị khớp lệnh của sàn.
Như vậy, hiệu ứng giảm giá sáng nay đến từ việc giảm sức mua là chính, trong khi bên bán hạ giá nhiều hơn mới tạo nên biên độ điều chỉnh rộng như vậy mà thanh khoản không tăng cao.
Không có bất kỳ thông tin xấu đột ngột nào, thậm chí đêm qua chứng khoán Mỹ còn tăng tốt và FED phát tín hiệu rõ hơn về khả năng giảm lãi suất từ tháng 9 tới. Thực tế nhóm blue-chips cũng chỉ điều chỉnh thông thường, chỉ số VN30-Index giảm 0,48% với 11 mã tăng/16 mã giảm. Có 11 mã trong rổ này đang giảm hơn 1% nhưng chỉ có FPT giảm 1,63% và VPB giảm 1,05% là thuộc Top 10 vốn hóa thị trường.
Thế nhưng nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ thì giảm rất mạnh. Chỉ số Midcap đang bốc hơi 1,44% giá trị, Smallcap lao dốc 2,05%. Tới 110 cổ phiếu giảm quá 2% đều thuộc các nhóm này, với riêng rổ Smallcap là 60 mã.
QCG, SMC, TLH là 3 cổ phiếu đang giảm hết biên độ. Những mã rơi cực mạnh khác là NHA giảm 6,27%, BFC giảm 5,8%, CTS giảm 5,45%, NTL giảm 4,88%, DPG giảm 4,83%, VOS giảm 4,86%, LHG giảm 4,57%, VDS giảm 4,55%, TCM giảm 4,51%, VTO giảm 4,39%, AGR giảm 4,05%... Nhiều mã trong số này hôm qua còn tăng mạnh và 2 tuần gần đây lên khá cao. Do đó hiệu ứng quay đầu sáng nay có thể đến từ nhu cầu chốt lời ngắn hạn.
Diễn biến thị trường không xấu ngay từ đầu. VN-Index đạt đỉnh lúc 9h48 còn tăng hơn 6,3 điểm. Độ rộng tại đỉnh cũng không kém với 157 mã tăng/173 mã giảm, nhưng là tín hiệu cho thấy nhóm blue-chips đang mạnh hơn mặt bằng chung và áp lực giảm ở nhóm cổ phiếu vừa tới nhỏ xuất hiện sớm hơn. Diễn biến chỉ số VNMidcap và VNSMallcap đều đỏ ngay từ rất sớm so với VN-Index hay VN-Index.
Hiện tại nhóm VN30 vẫn đang là lực đỡ chính, ngay cả khi số cổ phiếu đỏ nhiều hơn tăng. VCB tăng 2,24%, BID tăng 1,37%, SAB tăng 1,99%, PLX tăng 1,31% là những cổ phiếu nổi bật. Thanh khoản của rổ này đột ngột giảm 22% so với sáng hôm qua, chỉ đạt 3.166,3 tỷ đồng cho thấy dòng tiền cũng chững lại. Điểm tốt là cả rổ chỉ có 4 mã đang dừng ở giá thấp nhất phiên sáng là MBB giảm 1,02%, ACB giảm 1,22%, FPT giảm 1,63% và TPB giảm 1,38%. Số còn lại đều đã có cầu bắt đáy vào nâng đỡ dù biên độ phục hồi chưa nhiều.
Kết quả kinh doanh quý 2/2024 đã xuất hiện gần hết và nhà đầu tư có thể lo ngại hiệu ứng trống vắng thông tin sau đợt này, cũng như “tháng cô hồn” sắp tới. Đặc biệt các cổ phiếu nóng vừa rồi không phải mã nào cũng có lợi nhuận hỗ trợ, mà chủ yếu là do đầu cơ đẩy lên. Do đó khi bị chốt lời thì biên độ dao động thường rất mạnh. Riêng với các blue-chips, dòng tiền đầu cơ ít hoạt động, kết quả kinh doanh có chất lượng nên dao động nhỏ hơn. Nhìn chung dù là để tạo sóng tăng ở chỉ số hay giữ ổn định tích lũy, vai trò của các blue-chips vẫn là quyết định.
Nhà đầu tư nước ngoài đảo chiều mua ròng gần 99 tỷ đồng trên HoSE. Bên mua có VNM +105,5 tỷ, VCB +96,7 tỷ, MSN +46,1 tỷ, MWG +41,6 tỷ, BID +39,9 tỷ, HPG +35,1 tỷ. Bên bán có FPT -105,5 tỷ, VIX -58,8 tỷ, CTG -26,4 tỷ.
Khối ngoại chấm dứt chuỗi phiên bán ròng liên tục là một tín hiệu tốt khi tỷ giá bắt đầu chịu ảnh hưởng của thông điệp giảm lãi suất mà FED đưa ra. Dù vậy vẫn còn quá sớm để khẳng định dòng vốn này sẽ đảo chiều trở lại. Tính đến hôm qua, tuần này cổ phiếu HoSE vẫn bị bán ròng hơn 1.186 tỷ đồng và trong tháng 7 lượng vốn rút ròng tới gần 8.400 tỷ đồng.