July 16, 2021 | 07:39 GMT+7

Cổ phiếu Big Tech bị bán mạnh, chứng khoán Mỹ tụt điểm

Bình Minh -

Loạt cổ phiếu công nghệ lớn (Big Tech) gồm Apple, Microsoft, Amazon, Alphabet và Facebook đồng loạt đi xuống, với mức giảm dao động từ 0,5-1,7%...

Mặt ngoài Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) - Ảnh: Reuters.
Mặt ngoài Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) - Ảnh: Reuters.

Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq của thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (15/7), khi cổ phiếu công nghệ đuối sức sau đợt tăng gần đây. Nhà đầu tư chuyển sang mua những cổ phiếu có độ phụ thuộc cao vào chu kỳ kinh tế khi thống kê cho thấy sự khởi sắc của thị trường việc làm.

Loạt cổ phiếu công nghệ lớn (Big Tech) gồm Apple, Microsoft, Amazon, Alphabet và Facebook đồng loạt đi xuống, với mức giảm dao động từ 0,5-1,7%.

Gần đây, giới đầu tư ở Phố Wall mua mạnh trở lại cổ phiếu tăng trưởng, đặc biệt là cổ phiếu công nghệ, sau một thời gian “ghẻ lạnh” với những cổ phiếu này. Sự trở lại đó đã đưa S&P 500 và Nasdaq lên những mức cao kỷ lục mới trong tuần này. Tuy nhiên, đến phiên ngày thứ Năm, một số nhà đầu tư có vẻ chốt lời nhanh với cổ phiếu công nghệ.

Chỉ số công nghệ thuộc S&P 500 giảm 0,9%, kết thúc chuỗi 4 phiên tăng trước đó. Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, có 7 nhóm giảm điểm phiên này, dẫn đầu là nhóm tiêu dùng không thiết yếu và dịch vụ truyền thông.

Trái lại, những nhóm cổ phiếu giá trị như tài chính, công nghiệp và nguyên vật liệu thô tăng nhiều nhất. Các cổ phiếu này “đắt hàng” sau khi Bộ Lao động công bố báo cáo hàng tuần cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước giảm 26.000, còn 360.000, mức thấp nhất 16 tháng.

Trong ngày điều trần thứ hai trước Quốc hội Mỹ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell gần như lặp lại những gì ông đã nói trong ngày điều trần trước đó. Ông nói việc giá cả tăng mạnh gần đây chẳng qua do nền kinh tế mở cửa trở lại, và lạm phát sẽ sớm hạ nhiệt, đồng thời cam kết duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng cho tới khi nền kinh tế và thị trường lao động hồi phục hoàn toàn.

Tuần này, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2021 đã chính thức khởi động, với báo cáo tài chính khả quan từ 4 ngân hàng lớn nhất của Mỹ gồm Wells Fargo, Bank of America, Citigroup và JPMorgan Chase. Tổng cộng, 4 nhà băng này báo lãi 33 tỷ USD.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,15%, đạt 34.987,02 điểm. S&P 500 giảm 0,33%, còn 4.360,03 điểm. Nasdaq trượt 0,7%, còn 14.543,13 điểm.

Diễn biến phiên này cho thấy chứng khoán Mỹ đang loay hoay tìm hướng đi, sau khi S&P 500 đã tăng gần 16% kể từ đầu năm. Thị trường đang có nhiều thuận lợi, gồm sự mềm mỏng của Fed, kinh tế Mỹ đang phục hồi khả quan, và lợi nhuận cao của các công ty niêm yết. Tuy nhiên, tất cả các yếu tố này có vẻ đều đã được phản ánh vào giá cổ phiếu.

Một câu hỏi lớn ở Phố Wall lúc này là lạm phát cao sẽ kéo dài bao lâu.

“Đang có những mối lo về lạm phát, rằng lạm phát là tạm thời hay không tạm thời. Mối lo này hãm bớt sự lạc quan về câu chuyện phục hồi kinh tế toàn cầu”, nhà phân tích Michael Hewson thuộc CMC Markets nhận định.

Ngoài ra, nhà dầu tư cũng lo ngại về biến chủng Delta của Covid-19. Trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNN vào hôm thứ Tư tuần này, tiến sỹ Francis Collins thuộc Viện nghiên cứu Quốc gia về Y tế Mỹ (NIH) nói rằng “biến chủng Delta đang lan nhanh, khiến nhiều bệnh nhân tử vong, chúng ta không thể ngồi đợi mọi thứ trở nên bình thường được”.

“Chúng ta đang lãng phí thời gian”, bà Collins cảnh báo, cho dù Mỹ đã đạt tỷ lệ 48,2% dân số được tiêm đủ vaccine ngừa Covid-19 – theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate