Như VnEconomy đưa tin, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ngày 24/5 đã đưa ra kết luận mức thuế chống trợ cấp đối với lốp ôtô từ Việt Nam như sau: Lốp từ Kumho Tire (Vietnam) Co. Ltd. bị áp thuế 7,89%; lốp từ Sailun (Vietnam) Co. Ltd. bị áp thuế 6,23%; và lốp từ các nhà sản xuất khác tại Việt Nam bị áp thuế 6,46%.
Cùng với thuế chống trợ cấp, lốp xe từ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ còn bị áp thuế chống bán phá giá (anti-dumping) với thuế suất 22,3%.
Trên sàn chứng khoán, phản ứng ngay lập tức với thông tin này, cổ phiếu nhóm ngành săm lốp chìm trong sắc đỏ, giảm 0,38% so với phiên hôm 24/5. Trong đó, giảm mạnh nhất là cổ phiếu CSM của Công ty CP Công nghiệp Cao su miền Nam với mức giảm 0,56%, thị giá của CSM chốt phiên sáng 25/5 là 17.700 đồng.
Chủ tịch Hội đồng quản trị CSM Lê Ngọc Quang nhận định, chính sách thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính phủ của Mỹ đối với nhóm lốp Radial bán thép (xe tải cỡ nhỏ và xe du lịch) sản xuất tại Việt Nam sẽ tác động mạnh mẽ đến sản lượng và hiệu quả nhóm sản phẩm này của Casumina, tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của CSM trong năm 2020 và ít nhất là năm 2021.
Thực tế, tác động tiêu cực khi Chính phủ Mỹ bắt đầu điều tra chống trợ cấp và chống bán phá giá đối với lốp xe du lịch và xe tải nhỏ được sản xuất bởi các doanh nghiệp Châu Á, trong đó có Việt Nam từ tháng 06/2020 đã khiến sản lượng xuất khẩu lốp ô tô bán thép (PCR) của Casumina sụt giảm 25%. Thêm vào đó, xu hướng giá nguyên vật liệu tăng cao sẽ làm giảm đáng kể hiệu quả của nhóm lốp này.
“Nhiều khả năng sẽ thực thi chính thức vào cuối quý 3/2021. Tuy nhiên, thuế suất của hai loại thuế này của Việt Nam ở mức thấp hơn so với các nước khác. Do vậy, doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam có lợi thế so sách với các doanh nghiệp cùng ngành tại các quốc gia khác (bị áp thuế). Casumina vẫn có thể duy trì và tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Mỹ trong các năm tới. Thị trường xuất khẩu của CSM chủ yếu là ở Đông Nam Á, châu Âu và Mỹ”, ông Quan nhấn mạnh.
Năm 2021, CSM đặt mục tiêu doanh thu 4.483 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế giảm 12% so với năm ngoái còn 100 tỷ đồng.
Cổ phiếu DRC của Cao su Đà Nẵng cũng giảm 0,35% trong phiên sáng 25/5 đang giao dịch ở mức giá 28.200 đồng/cổ phiếu.
Mặc dù cho rằng không bị ảnh hưởng bởi quy định áp thuế bán phá giá sản phẩm lốp do DOC kết luận bởi đơn vị đang sản xuất và xuất khẩu sang Mỹ chủ yếu là dòng sản phẩm lốp tải nặng radial toàn thép trong khi quy định mới áp dụng cho lốp bán thép và lốp tải nhẹ, song DRC cũng chịu nhiều áp lực.
Cụ thể, theo ban lãnh đạo công ty, nguyên vật liệu chính cho sản xuất săm lốp của DRC là các loại cao su bao gồm cao su thiên nhiên và cao su tổng hợp, than đen và các loại hóa chất. DRC chịu rủi ro tương đối cao về nguyên vật liệu đầu vào khi mà giá dầu thô luôn biến động khó lường ảnh hưởng đến giá cao su tổng hợp và cao su thiên nhiên.
Ngoài ra, Công ty đang phải cạnh tranh gay gắt với các Doanh nghiệp Trung Quốc khi mặt hàng săm lốp giá rẻ liên tục tràn vào Việt Nam. Thị trường xuất khẩu chính của DRC là Châu Mỹ và Châu Á và tại các thị trường này thì đối thủ lớn nhất đối với DRC cũng chính là mặt hàng săm lốp của Trung Quốc. Hiện nay, sản lượng sản phẩm Radial xuất khẩu đi thị trường Mỹ đạt 15.000 lốp/tháng.
Năm 2021, DRC đặt mục tiêu doanh thu tiêu thụ là 4.055 tỷ đồng, doanh thu thuần 3.852 tỷ đồng, tăng nhẹ 6% so với thực hiện năm 2020 tuy nhiên lợi nhuận sau thuế giật lùi giảm 6% còn 300 tỷ đồng. Nguyên nhân được lý giải là do tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, làm cho nhu cầu tiêu dùng giảm, hoạt động đi lại vận chuyển lưu thông hàng hoá giảm từ đó tác động lên lợi nhuận của doanh nghiệp.
SRC của Cao su Sao Vàng cũng không nằm ngoài tác động chung của thị trường khi giá giao dịch ở mức tham chiếu 19.000/cổ phiếu, thanh khoản chết đứng. Kể từ tháng 5 trở lại đây, thanh khoản mỗi phiên của SCR cũng giảm mạnh xuống chì 10-20 nghìn cổ phiếu được khớp mỗi phiên so với mức thanh khoản trung bình 100-200 những tháng đầu năm.
Nguyên liệu chính phục vụ sản xuất của SRC bao gồm: Cao su thiên nhiên, cao su tổng hợp, vải mành, than đen, thép tanh, hóa chất các loại, chất độn, chiếm khoảng 70 – 75% giá thành sản phẩm. Vì vậy, khi có sự biến động giá nguyên liệu đầu vào sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch lợi nhuận của doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, ban lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, do tác động kép của đại dịch Covid – 19 và giá dầu xuống thấp, giá cao su thấp cũng là một yếu tố có lợi cho ngành cao su chế biến săm lốp. Bên cạnh đó, nguồn cung ứng sản phẩ săm lốp xe các loại của các nước nhập khẩu, đặc biệt là thị trường Mỹ có thể bị giới hạn do tác động từ chính sách thương mại và dịch bệnh đối với sản phẩm từ Trung Quốc, có thể xem là một cơ hội của các doanh nghiệp Việt Nam.
Năm 2021, SRC đặt mục tiêu doanh thu 2.200 tỷ đồng trong đó sản xuất kinh doanh các sản phẩm từ cao su là 1.200 tỷ đồng chiếm 54% cơ cấu doanh thu, lợi nhuận sau thuế 80 tỷ đồng tăng nhẹ so với con số 73,5 tỷ đồng của năm 2020