Đà tăng chững lại sáng nay do nhóm cổ phiếu blue-chips phân hóa khá mạnh và một số mã lớn tụt giảm. Tuy vậy giao dịch vẫn khá sôi động, nhóm cổ phiếu chứng khoán tăng nổi bật và thu hút dòng tiền tốt.
Duy nhất SSI đủ lớn để lọt vào Top 10 mã nâng đỡ chỉ số VN-Index sáng nay, nhưng điều đó không phản ánh hết giao dịch ở nhóm chứng khoán. Duy nhất ART rơi vào ảnh hưởng của “họ” cổ phiếu FLC là giảm giá, còn lại tăng rất tốt.
Trong nhóm thanh khoản hàng đầu thị trường, SSI, VCI, VND thuộc Top 10 của HoSE và SHS trong Top 3 của HNX. Thậm chí SSI còn giao dịch lớn nhất các sàn với gần 21,5 triệu cổ tương đương 635,7 tỷ đồng. SSI tăng giá 3,99%, lên 29.950 đồng, cao nhất 15 phiên. Khối ngoại cũng bất ngờ “quay xe” mua ròng trở lại 48,7 tỷ đồng tại SSI. Tuy vậy lực mua này chỉ chiếm hơn 8% tổng thanh khoản của SSI.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán nhỏ tăng tốt hơn nhiều so với các mã blue-chips: VDS, ORS còn kịch trần, VIG tăng 8,1%, PSI tăng 6,5%, AAS tăng 6,4%, TCI tăng 5,8%. Nhóm blue-chips ngoài SSI, có HCM tăng 2,5%, VCI tăng 0,77%, VND tăng 2,06%... Tính chung toàn nhóm cổ phiếu chứng khoán, có 17 mã tăng trên 3% giá trị trong sáng nay.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán được quan tâm trở lại chủ yếu vì giá đã chiết khấu cực sâu. Chẳng hạn SSI vẫn đang loanh quanh vùng đáy 7 tháng, HCM, VCI đáy 12 tháng... Đa số cổ phiếu chứng khoán cũng đã sụt giảm 30-60% so với đỉnh. Mức điều chỉnh này có khả năng khơi gợi lòng tham. Mặt khác nếu thị trường chung chạm đáy và phục hồi kết hợp với thanh khoản cải thiện, cơ hội cho các công ty chứng khoán kinh doanh tốt hơn là điều có thể đoán được.
Độ rộng sàn HoSE kết phiên sáng nay ghi nhận 265 mã tăng/175 mã giảm. Độ rộng này thể hiện sức đề kháng khá tốt ở các cổ phiếu riêng lẻ. Ví dụ, VN-Index có hai thời điểm điều chỉnh mạnh nhất xuống dưới tham chiếu. Ở nhịp tạo đáy đầu tiên lúc 9h35, độ rộng chỉ là 197 mã tăng/175 mã giảm. Ở đáy thứ hai lúc 10h49, độ rộng tốt hơn với 250 mã tăng/180 mã giảm. Diễn biến này cho thấy VN-Index đang bị tác động bởi các trụ nhiều hơn.
VCB là cổ phiếu đáng chú ý nhất trong nhóm blue-chips giảm giá 1,17% so với tham chiếu, nhưng thanh khoản rất nhỏ với 23,5 tỷ đồng. NVL giảm 1,52%, VIC giảm 0,77%, MSN giảm 1,45%, VNM giảm 0,97%. VN30 có 13 mã tăng/16 mã giảm nhưng chỉ 4 mã giảm trên 1%. Chỉ số đại diện rổ cuối phiên vẫn tăng 0,18%, thể hiện các mã tầm trung có sức mạnh lớn hơn. SSI, PLX, HPG là những cổ phiếu đáng kể nhất.
HPG có một phiên phục hồi giải tỏa tâm lý cho cổ đông khi tăng 2,18% sau 3 phiên lao dốc 8,5%. Cổ phiếu này phục hồi với thanh khoản khá nhỏ, đạt 318,1 tỷ đồng với hơn 9 triệu cổ khớp lệnh. Lực bán yếu có thể là do nhà đầu tư đã tháo chạy khá “vãn”, vì 3 phiên vừa qua lượng sang tay tới gần 92 triệu cổ. Các cổ phiếu thép còn lại cũng mạnh: HSG tăng 2,36%, NKG tăng 1,85%, TLH tăng 2,5%, VGS tăng 3,2%...
Nhìn chung tình trạng phân hóa rất rõ sáng nay khiến không có nhóm cổ phiếu nào tăng giảm toàn bộ. Ví dụ dầu khí vẫn có nhiều mã giảm như PVD, PVB, PVS, PVC nhưng PLX, GAS, PGC... vẫn tăng. Ngân hàng thì VCB, STB, HDB, MBB, VIB, TPB, VPB giảm, nhưng BID, TCB, LPB, SHB, ACB, CTG... còn xanh. Diễn biến phân hóa phụ thuộc nhiều vào lực cung cầu tại chỗ của từng mã.
VN-Index kết phiên sáng tăng 0,22% và duy trì được độ rộng mạnh hơn về phía tăng, cho thấy khả năng chống đỡ áp lực chốt lời ngắn hạn vẫn tốt. Nếu không bị vài mã trụ kéo xuống, đà tăng sẽ tốt hơn nhiều. Thanh khoản khớp lệnh hai sàn tụt nhẹ 5% so với sáng hôm qua, đạt 8.741 tỷ đồng cho thấy áp lực cũng không lớn.
Khối ngoại mua ròng nhẹ 93 tỷ đồng và cũng không có nhóm cổ phiếu nào được mua bán cụ thể. SSI +48,7 tỷ, DGC +27,9 tỷ và chứng chỉ quỹ FUEVFVND +209,6 tỷ là đáng kể nhất. Phía bán có HPG -31,6 tỷ, VIC -30 tỷ, MSN -26,8 tỷ, STB -20,1 tỷ. Như vậy thực tế khối ngoại bán ròng cổ phiếu, riêng nhóm VN30 bị bán ròng khoảng 80,4 tỷ đồng.