March 08, 2023 | 15:36 GMT+7

Cổ phiếu đảo chiều tăng hàng loạt, vốn ngoại mua ròng tích cực

Kim Phong -

Những nỗ lực phục hồi chậm nhưng liên tục trong buổi sáng đã đem lại kết quả tốt. Ngay vài phút đầu phiên chiều VN-Index đã vượt tham chiếu, kích hoạt làn sóng đảo chiều ở cổ phiếu trên diện rộng...

VN-Index sau khi vượt tham chiếu thành công đã tăng rất có quán tính.
VN-Index sau khi vượt tham chiếu thành công đã tăng rất có quán tính.

Những nỗ lực phục hồi chậm nhưng liên tục trong buổi sáng đã đem lại kết quả tốt. Ngay vài phút đầu phiên chiều VN-Index đã vượt tham chiếu, kích hoạt làn sóng đảo chiều ở cổ phiếu trên diện rộng. Cả trăm mã phục hồi vượt tham chiếu nhờ dòng tiền mua đuổi giá lên khá mạnh, trong đó có cả khối ngoại giải ngân ròng.

Tín hiệu tốt nhất chiều nay là độ rộng thay đổi: Chốt phiên sáng VN-Index mới có 101 mã tăng/237 mã giảm thì kết phiên chiều đã là 256 mã tăng/123 mã giảm. Mặt bằng giá cổ phiếu chiều nay cao hơn rất nhiều so với phiên sáng, với 130 mã đóng cửa tăng trên 1% (phiên sáng là 44 mã). Rổ VN30 trừ VIC, còn lại đều tăng vượt bậc so với giá buổi sáng.

Điểm thứ hai là thanh khoản, hai sàn niêm yết phiên chiều khớp tăng 60% so với phiên sáng, đạt 5.371 tỷ đồng. HoSE cũng tăng giao dịch hơn 60%, đạt 4.813 tỷ đồng.

Tiền vào, giá phục hồi cho thấy nhà đầu tư đã đặt lệnh mua nâng giá dần lên. VN-Index kết phiên tăng 1,09%, tương đương 11,34 điểm so với tham chiếu và chốt ở mức cao nhất ngày.

VN30-Index đóng cửa tăng 1,31% với 27 mã tăng/3 mã giảm. Tuy mức tăng này còn kém Midcap (+1,53%) nhưng động lực của VN-Index hoàn toàn phụ thuộc các blue-chips. 10 cổ phiếu kéo điểm số khỏe nhất đều thuộc VN30, dẫn đầu là BID tăng 2,35%, VPB tăng 4,31%, MSN tăng 2,68%, GAS tăng 1,34%, CTG tăng 1,38%. 3 mã giảm là MWG, PLX và SAB đều không đáng kể. Tiếc là VHM, VCB, VIC tăng quá nhẹ. Nếu bộ ba này cũng tăng khỏe thì thị trường hẳn đã có một phiên chiều bùng nổ hơn nữa.

Với độ rộng đảo chiều rất tích cực, nhiều cổ phiếu thu hút dòng tiền mạnh và giá tăng khỏe. Nhóm đầu tư công vốn đã mạnh từ sáng, chiều nay càng tốt hơn. LCG lên mức kịch trần, thanh khoản tới 252,9 tỷ đồng; VCG tăng 4,48% thanh khoản 184 tỷ; HHV tăng 4,51% thanh khoản 172,4 tỷ, FCN tăng 3,6% thanh khoản 32,9 tỷ... Nhóm bất động sản cũng nhiều mã xuất sắc như DXG kịch trần với 268,5 tỷ đồng giao dịch; KBC tăng 4,82% với 101,7 tỷ; SCR tăng 3,67% với 50 tỷ...

Nhóm chứng khoán, ngân hàng cũng giao dịch hàng trăm tỷ đồng và giá cực mạnh như VCI tăng 4,46% giao dịch 159 tỷ; VND tăng 3,52% giao dịch 292,6 tỷ; HCM tăng 3,11% giao dịch 149,1 tỷ... Ngân hàng xuất hiện EIB tăng 4,62% giao dịch 98 tỷ; VPB tăng 4,31% giao dịch 485,5 tỷ; BID tăng 2,35% giao dịch 58 tỷ...

Nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng, đầu tư công hầu hết tăng giá mạnh phiên này.
Nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng, đầu tư công hầu hết tăng giá mạnh phiên này.

Thanh khoản phiên chiều cải thiện đáng kể so với buổi sáng và giá cổ phiếu đi lên cho thấy bên mua đã hào hứng hơn đáng kể. Đây là thay đổi lớn khi đặt cạnh sự thận trọng cao buổi sáng, nhất là khi chứng khoán thế giới giảm mạnh với lo ngại FED tăng lãi suất mạnh tay. Sàn HoSE hôm nay ghi nhận 22 cổ phiếu thanh khoản vượt 100 tỷ đồng, thì tất cả đều tăng giá, với 15 mã tăng trên 2% giá trị.

Khối ngoại chiều nay cũng ủng hộ thị trường mạnh mẽ khi giải ngân khá lớn 899,1 tỷ đồng, gấp 3,8 lần phiên sáng. Mức bán ra khoảng 691,7 tỷ đồng, tương ứng mua ròng 207,4 tỷ đồng riêng chiều nay. Đây là mức mua lớn so với còn số ròng +33,6 tỷ buổi sáng. HPG được mua tốt nhất với 44,2 tỷ đồng ròng, VND +37,3 tỷ, SSI +32,3 tỷ, FRT +26,5 tỷ, HSG +25,8 tỷ, CTG +21,2 tỷ, VIC +20,9 tỷ. Bán ra có NT2 -23,7 tỷ, FUESSVFL -18,4 tỷ, DXG -17,2 tỷ, DGW -15,5 tỷ, VCB -12,4 tỷ, KDC -11,7 tỷ.

Hôm nay là ngày mua ròng khá tốt thứ hai liên tục. Việc các quỹ ETF chuẩn bị tái cơ cấu cũng như dòng vốn mới sắp vào là một yếu tố hỗ trợ tích cực. Rủi ro FED tăng thêm lãi suất 0,5% vào cuối tháng này là cao, nhưng thị trường dường như không có rằng đó là điều đáng lo ngại.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate