VN-Index tiếp diễn tình trạng đi ngang yếu do ảnh hưởng mạnh từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VCB, VHM, nhưng độ rộng một lần nữa xác nhận trạng thái giao dịch tốt hơn. Dòng tiền vẫn đang vào ổn định, tạo cơ hội cho nhóm cổ phiếu nhỏ, cổ phiếu đầu cơ tăng vượt trội.
Chỉ số VNSmallcap đại diện nhóm vốn hóa nhỏ sàn HoSE chốt phiên sáng tăng 0,99% trong khi VN-Index giảm 0,1%, VN30-Index giảm 0,17%. Trong 10 cổ phiếu đánh tụt điểm số nhiều nhất thì tới 8 mã thuộc rổ VN30.
Độ rộng tổng thể của sàn HoSE đang ghi nhận 227 mã tăng/129 mã giảm thì rổ VNSmallcap chiếm 140 mã tăng. Toàn sàn có 11 mã đang kịch trần, thì 9 mã cũng thuộc rổ Smallcap.
Thanh khoản trong nhóm smallcap cũng có tín hiệu tăng, rổ này đạt giá trị khớp lệnh gần 1.248 tỷ đồng sáng nay, tương đương hơn 68% so với tổng giao dịch cả phiên hôm qua. Một số mã nổi bật về thanh khoản và giá tăng tốt là LCG tăng 2,71% giao dịch 117 tỷ đồng; HHV tăng 2,19% giao dịch 104,3 tỷ; HQC tăng 1,81% giao dịch 58,5 tỷ; KSB tăng 2,42% giao dịch 54,3 tỷ; IJC tăng 1,41% giao dịch 49,8 tỷ. Nhóm LDG, VPG, APH đang kịch trần và thanh khoản cũng trong khoảng 30-40 tỷ đồng.
Thị trường hiện đang phân hóa mạnh mẽ nên không có nhóm cổ phiếu nào tăng vượt trội mà chủ yếu là các cổ phiếu cụ thể thu hút được dòng tiền lớn so với thanh khoản bình thường của chính nó. Bất động sản xuất hiện nhiều mã mạnh như VCG, DIG, NVL, DXG, TCH, LCG... tăng giá mạnh với thanh khoản cao, nhưng cũng không ít cổ phiếu lao dốc. Tiêu biểu là VRE giảm 0,34%, VHM giảm 1,15%.
Cổ phiếu ngân hàng có HDB thuộc nhóm dẫn đầu kéo điểm số với mức tăng 1,27% hay TPB tăng 1,54% cùng vài mã nhỏ khác như ABB, PGB, nhưng cũng xuất hiện VCB giảm 0,87%, CTG giảm 1,17%, STB giảm 1,14%... thuộc nhóm dẫn đầu phía giảm. Cổ phiếu chứng khoán cũng tương tự khi loạt mã nhỏ như AAS, BMS, APS, TVB tăng trên 6% nhưng HCM, VCI cũng rơi sâu.
Đây là trạng thái thị trường bị phân hóa về dòng tiền, khi các cổ phiếu thanh khoản cao dễ gặp áp lực chốt lời lớn hơn các mã nhỏ. Thông thường các dòng tiền đầu cơ khó có thể đẩy giá những mã blue-chips vốn giao dịch rất nhiều vì quá tốn kém. Trong khi đó cùng một lượng vốn, khi giao dịch ở các mã nhỏ, ảnh hưởng lên giá sẽ dễ dàng hơn. VN30 hiện chỉ có 8 mã tăng nhưng tới 17 mã giảm, xác nhận áp lực bán đang xuất hiện trong nhóm blue-chips.
Điều này có bất lợi là các chỉ số sẽ biến động hẹp. Thực tế là 3 phiên trở lại đây VN-Index lẫn VN30-Index hầu như chỉ đi ngang mà không có tiến triển rõ rệt. Thanh khoản cao trong tình huống này mang sắc thái chốt lời khá rõ. Ngược lại nhóm vốn hóa trung bình tới nhỏ vẫn tăng tốt.
Sự phân hóa về cơ hội ngắn hạn này vẫn sẽ duy trì chừng nào mức tổn thương về điểm số không quá nhiều. Nói cách khác, nếu các cổ phiếu trụ vẫn còn đủ sức giằng co lẫn nhau và chỉ kiến VN-Index dao động hẹp, dòng tiền đầu cơ vẫn sẽ hoạt động tích cực ở các mã nhỏ.
Thanh khoản thị trường hiện cũng cho thấy dòng tiền “né” nhóm blue-chips. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết sáng nay tăng gần 5% so với sáng hôm qua, đạt 6.854 tỷ đồng, HoSE cũng tăng hơn 5% với 5.932 tỷ đồng, nhưng VN30 lại giảm giao dịch tới 15%. Trong 10 cổ phiếu thanh khoản nhất thị trường, chỉ có 4 mã là thuộc rổ VN30. Nếu mở rộng ra Top 20, thậm chí nhóm VN30 chỉ đóng góp 5 mã.
Khối ngoại cũng giảm mạnh giải ngân, chỉ mới mua vào 165,4 tỷ đồng trên HoSE, giảm 32% so với sáng hôm qua. Thiếu dòng vốn này cũng là một nguyên nhân khiến thanh khoản rổ blue-chips tụt giảm. Tuy nhiên điều đó cũng cho thấy nhà đầu tư trong nước đang nghiêng nhiều hơn vào giao dịch các mã vừa và nhỏ. Khối ngoại bán ròng 164,5 tỷ đồng sáng nay, tập trung vào KBC -29 tỷ, STB -21,2 tỷ, SSI -13,7 tỷ, DXG -13,2 tỷ, KDH -11,8 tỷ, VCI -10,2 tỷ. Phía mua có HDB +25,8 tỷ là đáng kể.