Sau khi làm mưa làm gió thị trường năm 2023, cổ phiếu nhóm đầu tư công gần như "ngủ quên" trên thị trường suốt từ đầu năm 2024 đến nay. Không có những dấu ấn tăng trưởng mạnh mẽ, giao dịch ngày càng mờ nhạt, đơn cử như VCG thị giá một năm qua giảm 19,58%; HHV giảm 22,37%; PC1 giảm gần 6%; C4G giảm 32%...
Nguyên nhân một phần do giải ngân đầu tư công để tăng trưởng kinh tế không đạt được kỳ vọng. Theo thông tin từ Bộ Tài chính, đến ngày 30/9/2024, ước giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 320.566 tỷ đồng, bằng 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023.
Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng không đạt kỳ vọng khiến áp lực giải ngân những tháng cuối năm rất lớn với các bộ, ngành, địa phương. Trước yêu cầu cấp thiết này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành Công điện số 104/CĐ-TTg ngày 8.10.2024 đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành cần quyết liệt chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch được giao.
Tuy nhiên, trong báo cáo triển vọng ngành đầu tư công mới đây, Chứng khoán KBSV cho rằng sau giai đoạn 2024 trầm lắng, lĩnh vực đầu tư công sẽ là nhóm ngành đáng theo dõi trong 2025 khi nhiều dự án trọng điểm sẽ tới thời hạn hoàn thành và nghiệm thu.
Trong đó, loạt dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc – Nam phía Đông (giai đoạn 2) có tỷ lệ giải ngân đạt 56%, nổi bật nhất là hai dự án cao tốc Bãi Vọt – Hàm Nghi, cao tốc Vũng Áng – Bùng đạt 89%/87%.
Đối với sân bay Long Thành, UBND tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành bàn giao, giải phóng 99% kế hoạch, tiến độ thi công gói thầu thi công nhà ga khách sân bay Long Thành ước tính đạt hơn 30%. Hiện tại, hầu hết các gói thầu đều đang được đẩy mạnh triển khai với tiến độ khả quan, theo sát mục tiêu đi vào vận hành giai đoạn 1 từ 2026 (trong kịch bản tích cực, Thủ tướng đề xuất hoàn thành các hạng mục lớn của dự án trong 2025).
"Sau giai đoạn 2024 trầm lắng, lĩnh vực đầu tư công sẽ là nhóm ngành đáng theo dõi trong 2025 khi nhiều dự án trọng điểm sẽ tới thời hạn hoàn thành và nghiệm thu đặc biệt trong bối cảnh tiến độ giải ngân các dự án trong 2024 còn chậm so với kế hoạch, các doanh nghiệp với backlog lớn, đảm bảo tiến độ triển khai, chất lượng theo yêu cầu có thể ghi nhận doanh thu lớn trong năm", KBSV kỳ vọng.
Ngoài ra, nhu cầu đường dây truyền tải điện, trạm biến áp dự báo gia tăng trong 2025/2026.
Vừa qua, đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối đã hoàn thành đóng điện vào hệ thống, giúp tăng 2x khả năng truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc trong thời gian tới. Tuy nhiên, dựa trên số liệu cập nhật của EVN, tình trạng quá tải trên hệ thống, thiết bị truyền tải điện quốc gia vẫn ở mức cao (tỷ lệ này ở miền Bắc, miền Trung, miền Nam đạt trung bình 21%/9%/19% trong 8M2024) sẽ đòi hỏi sự cải thiện, gia tăng về đường dây truyền tải, trạm biến áp trong thời gian tới trong bối cảnh tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ điện trong giai đoạn 2026-2030 được dự báo đạt 7%/năm.
KBSV kỳ vọng các dự án truyền tải điện sẽ được đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới nhờ nhu cầu sử dụng cấp thiết nhằm đáp ứng nguồn điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong tương lai, phù hợp kế hoạch đề ra trong Quy hoạch Điện VIII, cơ chế mua bán điện trực tiếp đã được ban hành và áp dụng trong thời gian tới sẽ kích thích nhu cầu xây dựng đường dây truyền tải từ phía tư nhân.
Trên cơ sở đó, KBSV đánh giá tích cực với triển vọng nhóm cổ phiếu đầu tư công. Với những doanh nghiệp xây dựng hạ tầng trong danh sách theo dõi của KBSV, so sánh với lịch sử, định giá PBR trung bình đang ở vùng tương đối hấp dẫn (-0.5 STD so với trung bình 5 năm) với triển vọng doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng tốt trong giai đoạn 2025-2026 nhờ nhờ hạch toán backlog từ các dự án đầu tư công. Nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân từng phần trong thời gian tới, một số mã cổ phiếu ưa thích bao gồm VCG, LCG, HHV, PC1.