Nguy cơ vỡ nợ đã khiến giá cổ phiếu tập đoàn bất động sản khổng lồ của Trung Quốc Evergrande giảm chóng mặt trong phiên giao dịch sáng nay (20/9) tại thị trường Hồng Kông.
Một số chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về “hiệu ứng domino” trong ngành bất động sản Trung Quốc nếu Evergrande đổ vỡ.
Theo tin từ CNBC, cổ phiếu Evergrande có thời điểm sụt hơn 10%, góp phần khiến chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hồng Kông giảm gần 2,2%.
Trao đổi với CNBC, nhà phân tích Jenny Zeng của AllianceBernstein cảnh báo rằng những công ty bất động sản đang trong tình trạng thanh khoản căng thẳng của Trung Quốc cũng có thể bị đẩy tới bờ vực sụp đổ vì cuộc khủng hoảng ở Evergrande.
Bà Zeng, trưởng bộ phận trái phiếu thị trường châu Á của AllianceBernstein, nói rằng nguy cơ đổ vỡ ở Evergrande có thể dẫn tới “hiệu ứng domino”.
Một số nhà kinh tế đã cảnh báo rằng sự sụp đổ của Evergrande có thể trở thành “khoảnh khắc Lehman” của Trung Quốc – so sánh với vụ đổ vỡ ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ do khủng hoảng nợ dưới chuẩn, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
“Trên thị trường trái phiếu USD phát hành ở thị trường nước ngoài, có nhiều công ty phát hành trái phiếu là doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc, trong đó có nhiều đơn vị đang chịu áp lực lớn”, bà Zeng nói, cho rằng những doanh nghiệp như vậy “có thể không tồn tại lâu thêm được” nếu các kênh vốn bị đóng lại trong một thời gian kéo dài.
Dù từng công ty như vậy chỉ có quy mô nhỏ so với Evergrande nếu đứng riêng lẻ, nhưng gộp lại, những công ty đó chiếm tới 10-15% toàn thị trường bất động sản Trung Quốc. Bà Zeng nhấn mạnh rằng một sự sụp đổ có thể dẫn tới ảnh hưởng lan rộng mang tính hệ thống sang các bộ phận khác của nền kinh tế.
“Một khi sự đổ vỡ đã xảy ra, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải mất nhiều công sức để giải quyết hơn là ngăn chặn ngay từ đầu”, bà Zeng phát biểu.
Theo bà Zeng, nếu không tính đến rủi ro hệ thống, những rủi ro tài chính liên quan trực tiếp đến Evergrande thực ra có thể kiểm soát được. Bà nói rằng đó là do thị trường bất động sản Trung Quốc còn khá phân tán. “Cho dù Evergrande có quy mô khổng lồ, công ty này chỉ chiếm khoảng 4%, thậm chí hiện còn ít hơn, tổng doanh số hàng năm của thị trường. Nợ của Evergrande, đặc biệt là nợ trong nước, đều có tài sản đảm bảo”.
Một số nhà kinh tế đã cảnh báo rằng sự sụp đổ của Evergrande có thể trở thành “khoảnh khắc Lehman” của Trung Quốc – so sánh với vụ đổ vỡ ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ do khủng hoảng nợ dưới chuẩn, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Tuy nhiên, chuyên gia Simon MacAdam của Capital Economics cho rằng so sánh như vậy là “thiếu chính xác”.
“Một vụ vỡ nợ có kiểm soát hay một sự sụp đổ lộn xộn của Evergrande sẽ không có ảnh hưởng lớn đến thị trường toàn cầu ngoài việc gây ra một số biến động thị trường”, ông MacAdam nhận định trong một báo cáo. “Cho dù Evergrande có là một trong những công ty bất động sản lớn đầu tiên ở Trung Quốc rơi vào đổ vỡ, chúng tôi cho rằng điều này chỉ gây ra sự giảm tốc mạnh mẽ trong nền kinh tế Trung Quốc nếu có một bước đi sai lầm nào đó về chính sách”.
Tính đến hết phiên giao dịch ngày thứ Sáu tuần trước, giá cổ phiếu Evergrande niêm yết tại Hồng Kông đã giảm hơn 80%.