Ảnh hưởng bởi chứng khoán toàn cầu trong bối cảnh lạm phát tăng cao, FED nâng lãi suất đã khiến thị trường Việt Nam chính thức bước vào chu kỳ "gấu" suốt gần một tháng trở lại đây. Nếu tính từ tháng 4 đến nay, Vn-Index đã mất gần 25% trong khi đó nhiều cổ phiếu đã rơi đến 60-70% giá trị, giảm sàn 5 phiên liên tiếp không hiếm gặp trên thị trường.
Để "đỡ giá" nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã đăng ký mua vào cổ phiếu trong những ngày gần đây.
Đơn cử, tại DIG, tính từ cuối tháng 5 đến nay, thị giá của DIG giảm gần một nửa từ 60.000 đồng/cổ phiếu còn 33.000 đồng/cổ phiếu; Còn tính từ tháng 3 đến nay, thị giá DIG giảm 3 lần từ 100.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 33.000 đồng/cổ phiếu. Thị giá DIG đã có 5 phiên giảm sàn liên tiếp kể từ ngày 15/6 đến 21/6 tương ứng giảm từ 41.950 đồng xuống còn 31.500 đồng/cổ phiếu.
Trước biến động giá cổ phiếu, ông Nguyễn Hùng Cường, Phó chủ tịch HĐQT DIG đã đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu, nhằm nâng tỷ lệ sở hữu theo phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận, từ ngày 30/6 đến ngày 29/7. Nếu giao dịch thành công, ông Cường sẽ nâng tỷ lệ nắm giữ từ hơn 51,4 triệu cổ phiếu, chiếm 10,28% lên hơn 61,4 triệu cổ phiếu, chiếm 12,28% vốn tại DIG.
Ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng lý giải, về cơ cấu cổ đông của DIC Group trong thời gian qua không có diễn biến gì bất thường, do đó, việc cổ phiếu DIG giảm liên tiếp trong thời gian qua là do ảnh hưởng thông tin tiêu cực chung của nền kinh tế và nhu cầu cung cầu trên thị trường.
Từ đầu năm tới nay, giá cổ phiếu GEX của Tập đoàn Gelex liên tục đi xuống. Sau khi đạt đỉnh 49.350 đồng/cổ phiếu ngày 11/1, mã này giảm gần 63% về 18.400 đồng/cổ phiếu vào ngày 22/6. Đặc biệt trong giai đoạn tháng 4, cổ phiếu này lao dốc mạnh khi trên thị trường xuất hiện những tin đồn thất thiệt về Gelex. Trong bối cảnh này, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng giám đốc kiêm thành viên HĐQT Tập đoàn Gelex tháng 5 đã mua vào 10 triệu cổ phiếu GEX từ 4/5 đến 24/5, nâng lượng nắm giữ lên 202,3 triệu đơn vị (tỷ lệ 23,8%). Dù vậy sau khi hoàn tất mua vào thị giá GEX vẫn lao đầu giảm mạnh.
Mới đây, Chứng khoán VIX đơn vị liên quan đến lãnh đạo Tập đoàn Gelex vừa đăng ký mua 15 triệu cổ phiếu GEX từ 24/6 đến 22/7. Nếu giao dịch thành công, doanh nghiệp sẽ trở thành cổ đông Gelex với 1,76% vốn. Con gái Chủ tịch Gelex Nguyễn Hoa Cương là bà Nguyễn Bích Hà cũng đăng ký mua 850.000 cổ phiếu GEX từ 23/6 đến 22/7 để tăng lượng sở hữu lên 1,1 triệu đơn vị (tỷ lệ 0,12%).
Tại Đông Hải Bến Tre (HoSE:DHC), ông Lê Bá Phương – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc vừa thông báo hoàn tất mua vào 475.000 cổ phiếu DHC từ 2/6 đến 21/6, nâng lượng nắm giữ lên 15,3% vốn với 10,7 triệu cổ phần.
Ông Phương đăng ký mua vào lượng cổ phiếu trên sau khi thị giá mã này giảm kể từ giữa tháng 4, về vùng thấp nhất trong một năm với mức 71.500 đồng/cổ phiếu ngày 27/5. Tuy nhiên, sau khi Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) công bố thông tin, giá cổ phiếu này vẫn tiếp tục đi xuống và chạm đáy 62.100 đồng/cổ phiếu ngày 14/6. Tới ngày 23/6, cổ phiếu DHC hồi gần 8% lên 67.500 đồng/cổ phiếu.
Tại Cao su Phước Hòa, thị giá PHR cũng giảm từ 75.000 đồng đầu tháng 6 xuống còn 62.000 đồng chỉ trong vòng 2 tuần giao dịch. Trong bối cảnh này, ông Nguyễn Văn Tược, Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc PHR vừa đăng ký mua vào 50.000 cổ phiếu thông qua phương thức khớp lệnh thời gian từ ngày 27/6 đến 23/7. Nếu hoàn tất mua vào, ông Tược sẽ nâng tỷ lệ sở hữu từ 225.106 cổ phiếu tương ứng 0,17% lên 275.106 cổ phiếu tương ứng tỷ lệ 0,2%.
Tại Clever Group, thị giá ADG đã rớt một mạch từ đầu tháng 4 đến nay, từ vùng 52.500 đồng/cổ phiếu xuống còn 37.900 đồng/cổ phiếu. Trong bối cảnh này, ông Nguyễn Khánh Trình, Chủ tịch HĐQT ADG vừa đăng ký mua vào 100.000 cổ phiếu với lý do "giá rẻ nên mua thêm" thời gian thực hiện 28/6 đến 27/7 thông qua phương thức khớp lệnh. Nếu giao dịch thành công, ông Trình sẽ nâng tỷ lệ sở hữu từ 5,3 triệu cổ phiếu tỷ lệ 26,73% lên 5,4 triệu cổ phiếu tương ứng 27,23%.
Ông Bolat Duisenov - Chủ tịch Xây dựng Coteccons (HoSE:CTD) đăng ký gom 730.000 cổ phiếu CTD từ 3/6 đến 2/7 theo hình thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh. Nếu hoàn tất, vị lãnh đạo này sẽ nâng sở hữu lên 1,3 triệu cổ phần tương ứng 1,6% vốn điều lệ. Vị Chủ tịch này đăng ký mua vào sau khi giá mã này chạm đáy 42.950 đồng/cổ phiếu. Kết phiên 22/6, thị giá mã này tăng 17,8% lên mức 50.600 đồng/cổ phiếu, song vẫn thấp hơn gần 55,5% so với mức đỉnh 113.600 đồng/cp ngày 7/1.
Động thái lãnh đạo mua cổ phiếu trong bối cảnh giá lao dốc có thể là tín hiệu tích cực thể hiện niềm tin của lãnh đạo với sự phát triển của doanh nghiệp và tiềm năng tăng giá cổ phiếu song nhà đầu tư cần lưu ý không lúc nào lãnh đạo mua vào cũng mang lại cơ hội lợi nhuận cho nhà đầu tư, đặc biệt với nhà đầu tư ngắn hạn.
Bối cảnh vĩ mô tháng 6 còn nhiều rủi ro, trong vòng 2-3 tháng tới việc Fed thắt chặt tiền tệ cần phải lưu ý thêm, hạn chế mở vị thế mua mới, ưu tiên hạ tỷ trọng khi thị trường hồi phục và cơ cấu sang các cổ phiếu đã rơi về vùng an toàn, có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận tốt ngay cả khi lạm phát tăng cao.