November 11, 2010 | 16:21 GMT+7

Cổ phiếu mía đường có “ngọt”?

Khánh Hà

Thị trường đường cả thế giới và trong nước đang "sốt" không kém giá vàng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất

Giá đường thành phẩm trong nước đang tăng rất cao
Giá đường thành phẩm trong nước đang tăng rất cao
Sức nóng của giá đường liên tiếp những ngày gần đây cũng góp phần tạo sức nóng cho cổ phiếu những doanh nghiệp này. Đường đang vào vụ tiêu thụ cao điểm cuối năm khi nhu cầu nguyên liệu sản xuất đang tăng mạnh.

Giá đường thế giới cao nhất trong gần 3 thập kỷ

Sức nóng của giá đường thế giới những ngày qua chiếm vị trí trang nhất của các kênh thông tin tài chính quốc tế.

Theo Bloomberg, ngày 10/11, giá đường thô đã lập kỷ lục trong vòng 29 năm trở lại đây. Thị trường đường thế giới càng nóng hơn khi Ấn Độ thông báo có thể hạn chế xuất khẩu đường để phục vụ nhu cầu trong nước. Ấn Độ - nước sản xuất đường lớn thứ hai thế giới - sẽ chỉ xuất khẩu 1,5 đến 2 triệu tấn đường trong năm nay, thay vì 3,5 triệu tấn như dự kiến từ đầu năm do sản lượng giảm.

Tại thị trường giao dịch hàng hóa tương lai New York, giá đường thô giao tháng 3/2011 hôm 10/11 đã tăng thêm 1,23 xu, tương đương 3,9%, đạt mức 33,1 xu mỗi pound. Đỉnh cao nhất mà giá đường thô đạt được là mức 33,32 xu vào thời điểm tháng 7/1981. Ngay trong năm 2010, giá đường cũng đã tăng 23%.

Tại London, giá đường tinh chế giao tháng 3/2011 cũng đã tăng liên tục 6 phiên gần đây, tăng 24,4 USD (3,1%), đạt mức 802,7 USD một tấn khối. Đỉnh cao nhất mà giá đường tinh đạt được là mức 819,1 USD/tấn khối kể từ năm 1989.

Giá đường tại thị trường trong nước những ngày qua cũng tăng rất mạnh. Giá đường nguyên liệu tăng do ảnh hưởng của thời tiết, mất mùa. Sản lượng mía tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long dự kiến thiếu hụt khoảng 400.000 tấn  so với nhu cầu sản xuất. Giá đường bán lẻ cũng tăng mạnh lên trên mức 24.000 đồng/kg.

Theo thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam thì hiện mới có khoảng 20/38 nhà máy đường tiến hành ép mía và sản xuất bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Trong tháng 11 sẽ có khoảng 27 nhà máy tiến hành ép mía và dự kiến cung cấp khoảng 70.000 tấn đường ra thị trường.

Lợi nhuận sẽ đột biến?

Hiện tại có 5 doanh nghiệp sản xuất đường đã niêm yết trên thị trường chứng khoán là LSS, NHS, SBT, BHS và SEC. Kết quả kinh doanh từ đầu năm đến nay của nhóm doanh nghiệp này rất khả quan. Đặc biệt với triển vọng thị trường đường tiếp tục sôi động, khả năng đạt lợi nhuận đột biến trong quý còn lại của năm 2010 là có thể.

Một thống kê cho thấy tỉ trọng lãi gộp thời điểm quý 4 thường ở mức cao trong tổng lợi nhuận cả năm. Ba doanh nghiệp nổi trội là LSS, BHS và SBT với lợi nhuận sau thuế quý 4/2009 chiếm tương ứng tới 32,6%, 34,6% và 46,5% tổng lợi nhuận sau thuế cả năm. Riêng SEC kém hơn, chỉ chiếm 8,4% và NHS không có số liệu. 

Kết quả kinh doanh tính đến quý 3/2010 của nhóm doanh nghiệp mía đường đều rất tốt. Lũy kế 9 tháng tất cả đã vượt kế hoạch năm và có triển vọng vượt xa hơn khi kết thúc quý 4. Tuy nhiên một phần vì kế hoạch lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp đặt ra từ đầu năm khá thấp.

Trên góc độ phân tích cơ bản, cả 5 cổ phiếu mía đường đều có chỉ số khá hấp dẫn. Mức P/E bình quân đạt xấp xỉ 4,9 lần. Theo báo cáo tài chính quý 3/2010, mức lãi gộp cao nhất thuộc về SBT với 166,08 tỷ đồng. SBT cũng đạt lợi nhuận sau thuế cao nhất với 145,96 tỷ đồng. Tỉ suất lãi gộp - thể hiện khả năng kiểm soát chi phí sản xuất - ghi nhận trong quý 3 dẫn đầu là LSS với 42,55%, tiếp đến là SBT với 41,71%. Đây là hai doanh nghiệp vượt xa số còn lại khi có tỉ suất cải thiện tốt so với hai quý đầu năm và cùng kỳ năm ngoái. NHS và SEC đều có chi phí đầu vào tăng lên trong quý này so với cùng kỳ, đạt 28,98% và  32,81%. BHS kém nhất với 13,1%.

Trong bối cảnh giá đường đang tăng mạnh cùng với sự thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, lượng hàng tồn kho cũng thể hiện lợi thế trên thị trường. LSS và SBT có giá trị hàng tồn kho lớn hơn hẳn hai doanh nghiệp còn lại, đạt tương ứng 154,25 tỷ đồng và 115,59 tỷ đồng. NHS và SEC chỉ đạt 20,67 tỷ đồng và 14,39 tỷ đồng. 

Trong cơ cấu hàng tồn kho, LSS dẫn đầu về thành phẩm với lượng hàng trị giá 91,65 tỷ đồng. SBT đứng thứ hai với 85,3 tỷ đồng. BHS có lượng thành hàng phẩm trị giá 77,8 tỷ đồng. NHS và SEC có tương ứng 14,51 tỷ đồng và 8,32 tỷ đồng. 

Xét về khả năng tài chính, LSS nổi trội nhất với lượng tiền mặt và tương đương tiền lên tới 300,7 tỷ đồng. Tuy nhiên LSS cũng là doanh nghiệp có công nợ ngắn hạn lớn với 220,08 tỷ đồng. LSS “dính” đến đầu tư cổ phiếu khoảng 107,77 tỷ đồng và quý 3/2010 phải trích lập dự phòng gần 49,5 tỷ đồng. BHS có khoản nợ ngắn hạn cao nhất với 334,73 tỷ đồng.

SBT tiền mặt khá ít với 1,13 tỷ đồng cộng với  gần 2,84 tỷ và xấp xỉ 16,1 ngàn USD  gửi ngân hàng. SBT ghi nhận trên 200 tỷ đồng đầu tư ngắn hạn nhưng trong đó đầu tư cho người trồng mía chiếm đa số. BHS cũng có lượng tiền mặt lớn với hơn 100 tỷ đồng. Trong 4 doanh nghiệp này chỉ có NHS và BHS không có đầu tư tài chính ngắn hạn. Nhìn chung sức khỏe tài chính của nhóm cổ phiếu mía đường khá tốt. Tỉ lệ tiền trên nợ ngắn hạn đều ở mức dương. 

Kể từ khi chạm đáy 423 điểm ngày 25/8 đến nay, VN-Index tăng khoảng 5,38%. Nhóm cổ phiếu mía đường có tỉ suất lợi nhuận tốt hơn với mức tăng 18,6% (theo chỉ số chung của cả 5 cổ phiếu này). Cụ thể, một số mã cá biệt có mức tăng mạnh nhất là NHS (30,3%), SBT (20,6%), LSS (19,7%), SEC (19,7%). Riêng BHS chỉ tăng có 5%.

Trong 3 phiên vừa qua thị trường điêu đứng với thông tin giá vàng, USD và lãi suất, cổ phiếu mía đường cũng điều chỉnh giảm theo. Mức tăng mạnh hơn thị trường trong hơn 2 tháng qua cho thấy nội lực của nhóm cổ phiếu này khá mạnh. Tuy nhiên, vấn đề thời điểm ra vào vẫn có thể được cân nhức hợp lý hơn khi giá đã tăng được một đoạn đường. Mặt khác, xu hướng thị trường có thể đủ mạnh để chấm dứt đà tăng của bất kỳ cổ phiếu nào. Đó cũng là thời điểm tốt để quan sát khả năng chịu đựng trong xu hướng giảm của nhóm cổ phiếu này. 
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate