Không có gì thay đổi trong phiên sáng đầu tuần mới, tâm lý yếu ớt và nhu cầu cắt lỗ càng về sâu trong phiên càng mạnh. VN-Index chứng kiến số mã giảm giá nhiều gấp 3,8 lần số tăng, với 40 mã giảm sàn, phần lớn là mất thanh khoản.
Nhóm blue-chips VN30 vẫn có 11 mã tăng/16 mã giảm, nhưng số tăng kéo điểm không lại. Các mã ngân hàng và bất động sản giảm quá nhiều, lại đông, nên VN30-Index cũng giảm 1,18%, còn VN-Index giảm 1,57% so với tham chiếu.
Chỉ số đại diện nhóm cổ phiếu tài chính ngân hàng là VNFIN trên HoSE đang bốc hơi 2,61%. Chỉ số đại diện nhóm bất động sản VNREAL giảm 2,57%.
Dẫn đầu nhóm giảm đang là VHM bốc hơi 3,66%, VIC giảm 2,48%, BID giảm 3,31%, VPB giảm 3,64%, VCB giảm 1,5%, CTG giảm 3,39%, MBB giảm 3,5%, NVL giảm 1,78%.
Có thể thấy dày đặc các mã tài chính, bất động sản trong Top 10 cổ phiếu khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất. Số tăng chỉ có VNM tăng 1,18%, SAB tăng 1,72%, FPT tăng 1,74%, GAS tăng 0,78%, GVR tăng 0,97%.
Sự phân hóa là khá rõ trong nhóm blue-chips khi tổng thể rổ này rất yếu, nhưng những cổ phiếu mạnh vẫn tăng giá. VN30-Index tuy giảm 1,18% nhưng vẫn có 6 mã tăng trên 1%. Ngoài các mã kể trên, có thêm PNJ tăng 3,25%, VJC tăng 1,4%.
Các nhóm cổ phiếu cũng không có mặt bằng giá tốt mà chỉ có cổ phiếu riêng lẻ mạnh yếu khác nhau. VNMidcap đang giảm 2,89%, Smallcap giảm 2,93% nhưng cũng có cổ phiếu ngược dòng. Ví dụ Midcap vẫn có 2 mã kịch trần, Smallcap có 3 mã cùng vài chục cổ phiếu ở hai rổ này vẫn tăng. HoSE đang có 6 mã kịch trần và 30 mã tăng trên 2%, 13 mã tăng trên 1%. Tuy nhiên số này quá ít, cộng với dòng tiền vào không lớn. Cụ thể, tổng hợp các cổ phiếu đang chốt trên tham chiếu ở HoSE chỉ đạt thanh khoản 3.492 tỷ đồng, chiếm chưa tới 25% thanh khoản của sàn.
Số giảm đang áp đảo toàn bộ, khi độ rộng trên HoSE chỉ còn 98 mã tăng/370 mã giảm. Ngoài 40 mã đang giảm sàn, có 172 mã giảm trên 2%, 41 mã giảm trên 1%. Loạt mã giảm sàn cũng dày đặc cổ phiếu bất động sản tiêu biểu như PVL, BII, VPH, FLC, HAR, HQC, DRH, NVT, FLC...
Nhóm cổ phiếu tài chính cũng gần như giảm toàn bộ, kể cả các mã bảo hiểm vừa tăng rất tốt cuối tuần qua. Hiện chỉ có BVH đang tăng nhẹ 0,75%. Cổ phiếu ngân hàng sót lại NVB, TPB và KLB tăng trong khi 24 mã ngân hàng còn lại giảm, trong đó 21 mã giảm trên 1%. Cổ phiếu chứng khoán cũng thảm hại, chỉ có DSC và PHS là tăng. Các mã APG, ORS, APS, ART giảm sàn, blue-chips có SSI giảm 5,5%, HCM giảm 5,25%, VCI giảm 5,7%, VND giảm 5,04%...
Áp lực bán tháo trên thị trường là khá rõ, khi thanh khoản tăng 27% trên hai sàn nhưng đại đa số cổ phiếu mất giá. HoSE tăng giao dịch 28%, VN30 tăng 23% nhưng độ rộng cực hẹp. Trong Top 20 cổ phiếu thanh khoản lớn nhất toàn thị trường thì chỉ có 5 mã còn xanh là DGW, MWG, DPM, FPT và PNJ.
Khối ngoại không gây áp lực gì đáng kể trong cơn lốc bán tháo sáng nay. Tổng giá trị bán ra trên HoSE chỉ là 651 tỷ đồng, chiếm 4,5% tổng thanh khoản sàn. Phía mua đạt 722,8 tỷ đồng, tương đương giá trị ròng +71,7 tỷ. HPG bị xả lớn nhất -58,9 tỷ ròng, BVH -50,6 tỷ. Cổ phiếu thứ ba phía bán là SSI chỉ còn -15,9 tỷ. Phía mua có hai chứng chỉ quỹ FUESSV50 và FUEVFVND được mua ròng khá tốt 48 tỷ và 45 tỷ đồng. DPM, NLG, VND, STB là các mã khác được mua ròng trên 20 tỷ đồng.
VN-Index bốc hơi 22,94 điểm sáng nay đã rơi xuống mức 1.435,62 điểm, tức là thủng mức hỗ trợ ngắn hạn gần nhất chạm tới trong tháng 3. Hai ngưỡng hỗ trợ kế tiếp trong khoảng 1425 điểm hồi tháng 1/2022 và 1400 điểm hồi tháng 12/2021.