September 14, 2021 | 16:01 GMT+7

Cổ phiếu ngân hàng rớt mạnh, VN-Index giảm phiên thứ hai liên tiếp

Kim Phong -

Cả phiên chiều nay VN30-Index nằm trọn dưới tham chiếu. Duy nhất smallcap còn đóng cửa tăng 0,83%, nhưng số mã tăng giá cũng đã bị áp đảo từ phía giảm...

VN30-Index cắm đầu giảm chiều nay do sức nặng của nhóm cổ phiếu ngân hàng.
VN30-Index cắm đầu giảm chiều nay do sức nặng của nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Cả phiên chiều nay VN30-Index nằm trọn dưới tham chiếu. Duy nhất smallcap còn đóng cửa tăng 0,83%, nhưng số mã tăng giá cũng đã bị áp đảo từ phía giảm.

Thanh khoản của rổ VN30 quá yếu là nguyên nhân chính khiến cổ phiếu lần lượt rơi rụng. Cổ phiếu ngân hàng là sức ép chính, khi 4/5 mã khiến VN30-Index mất nhiều điểm nhất đều thuộc nhóm này.

Khoảng 30 phút đầu tiên của phiên chiều blue-chips đã hồi lên khá tốt. Thậm chí VN30-Index chỉ còn cách tham chiếu chưa tới 1 điểm. Tuy nhiên cổ phiếu ngân hàng bất ngờ bị xả dồn dập khiến chỉ số này cắm đầu trượt dốc rất nhanh. Kết phiên chỉ số giảm 0,47% và đóng ngay sát điểm thấp nhất ngày.

CTG giảm 2,04% là cổ phiếu ảnh hưởng mạnh nhất tới VN-Index, khiến chỉ số này mất 0,8 điểm trong khi VPB kéo mạnh nhất VN30-Index, khiến chỉ số này mất 1,7 điểm. VPB giảm 1,39%, tuy không mạnh bằng CTG nhưng lại là mã vốn hóa rất lớn trong chỉ số VN30. BID giảm 1,15%, TCB giảm 0,92% là các mã khác gây áp lực chính cho VN-Index. Đối với VN30-Index, còn có thêm ACB giảm 1,25%, MBB giảm 1,08%.

Chỉ riêng nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm giá đã áp đảo hoàn toàn các mã tăng: SAB tăng 2,79%, MSN tăng 3,75%, VRE tăng 1,43% là các trụ đáng kể nhất. MSN kéo điểm nhiều nhất cho cả VN-Index lẫn VN30-Index, nhưng đều bị vô hiệu hóa dễ dàng chỉ với CTG, VPB.

Các trụ còn lại rất vô dụng: HPG giảm 0,98%, VNM giảm 0,23%, MWG giảm 0,4%, VHM và VIC tham chiếu.

Cổ phiếu giảm giá vẫn áp đảo hôm nay dù nhóm đầu cơ cực mạnh.
Cổ phiếu giảm giá vẫn áp đảo hôm nay dù nhóm đầu cơ cực mạnh.

Nhóm Midcap cũng đột ngột suy yếu hôm nay với chỉ số đại diện giảm 0,8%. Số mã giảm trong rổ này nhiều gấp đôi số tăng. Một số mã đảo chiều giảm rất sốc hai ngày nay khi nhà đầu tư đồng loạt thoát ra. VPI giảm 3,17% sau khi hôm qua vừa giảm 3,1%. SCR hôm qua còn phong phát tăng 3,9%, hôm nay đảo chiều giảm 4,17%. DBD trong hai phiên giảm 7,8%. Trong hơn tháng qua, DBD đã tăng gần 30%.

Duy nhất nhóm cổ phiếu nhỏ có vẻ còn duy trì được đà đi lên mạnh mẽ. VNSmallcap-Index tăng 0,83% so với tham chiếu và có 26 cổ phiếu kịch trần. Thật sự trong phiên một mà cách chỉ số chính đảo chiều lao dốc, nhóm vốn hóa nhỏ đi ngược dòng càng ngoạn mục. Danh sách các mã trần quá dài, đồng thời cũng có một số thanh khoản rất tốt như APG, DGW, GIL, HQC, TDH khớp lệnh từ xấp xỉ 100 tỷ đồng trở lên.

Tuy nhiên tất cả các nhóm cổ phiếu sàn HoSE hôm nay đều giảm thanh khoản. Smallcap giảm nhẹ nhất, giao dịch khoảng 3.699 tỷ đồng, chỉ thấp hơn hôm qua 6%. Mức hụt này có thể bù lại bằng việc mất thanh khoản ở nhiều mã đầu cơ giá trần. Nhóm Midcap giảm 29% thanh khoản, chỉ còn 5.777,8 tỷ đồng. VN30 giảm hơn 10%, đạt 7.352,6 tỷ đồng.

Dòng tiền vào các blue-chips tiếp tục gây thất vọng lớn khi vẫn trong xu hướng giảm dần, dù phiên đầu tuần bất ngờ giao dịch mạnh lên. Chiều nay rổ này khớp lệnh thấp đáng ngạc nhiên với 3.762,7 tỷ đồng, trong đó tới 33% đã là giao dịch của VHM và HPG. Điều này lý giải vì sao giá các cổ phiếu hầu hết trượt giảm dần, do lực mua quá yếu.

Nhà đầu tư nước ngoài phiên chiều tăng bán ra đáng kể. Tổng giá trị bán ròng ở HoSE tới 738,4 tỷ đồng, tức là riêng chiều nay rút ròng đi trên 520 tỷ đồng. HPG bị bán tới gần 196 tỷ ròng, VCB gần 169 tỷ, MSN xấp xỉ 90 tỷ, STB khoảng 84 tỷ, VHM hơn 70 tỷ. Hàng loạt cổ phiếu khác cũng bị bán từ 20 tỷ đến 50 tỷ đồng. Trong khi đó phía mua ròng chỉ có VIC là đạt 51 tỷ đồng. Sàn HNX xuất hiện TDH lại có thỏa thuận ròng lớn 130,2 tỷ đồng, cân bằng lại một chút vị thế chung. Tuy nhiên chuỗi phiên bán ròng cổ phiếu liên tục kéo dài 5 tuần nay vẫn chưa có dấu hiệu ngưng lại.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate