April 26, 2021 | 09:50 GMT+7

Cổ phiếu nhóm ngành nào sẽ “cất cánh”?

Các chuyên gia nhận định nhóm ngành công nghệ, y tế, giao nhận, giáo dục, năng lượng tái tạo được dự báo nhiều triển vọng nhất trong 2 năm tới...

Nhóm ngành công nghệ, giao vận, y tế... sẽ là những ngành "hot" trong năm 2021-2022.
Nhóm ngành công nghệ, giao vận, y tế... sẽ là những ngành "hot" trong năm 2021-2022.

Thị trưởng chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, dự báo chu kỳ còn kéo dài đến nửa đầu năm sau. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam khởi sắc và sẽ đạt mức 6,8-7% trong năm nay.

NHIỀU THUẬN LỢI CHO CHỨNG KHOÁN TĂNG TRƯỞNG

Theo TS.Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (VSD), nhiều yếu tố đang ủng hộ thị trường, được dẫn chứng qua thanh khoản thị trường trong quý I.

Thanh khoản bình quân trong quý đầu tiên của năm lên tới 18.000-20.000 tỷ đồng/phiên. Những phiên gần đây, khi vấn đề nghẽn lệnh được giải quyết một phần, giá trị giao dịch có ngày lên tới 25.000-28.000 tỷ. Dòng vốn cấp tín dụng cho vay ký quỹ (margin) của các công ty chứng khoán cũng tăng cao.

Cũng theo ông Sơn, tăng trưởng kinh tế Việt Nam khởi sắc và sẽ đạt mức 6,8-7% trong năm nay. Trong đó, chuyển dịch khu vực doanh nghiệp FDI vào Việt Nam tạo động lực cho khối dịch vụ phát triển.

Ngoài ra, việc kiểm soát dịch bệnh tốt cũng tạo điều kiện cho ngành hàng xuất khẩu (dệt may, da giày, thuỷ sản…) lấy lại đà tăng trưởng. Bên cạnh đó, sự hồi phục khối công nghiệp, xây dựng, dịch vụ cũng làm tăng cầu nội địa, trong đó, tăng trưởng bán lẻ sẽ đạt 10% trong năm nay.

 

Một yếu tố quan trọng cho triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam là thanh khoản còn dư địa để tiếp tục tăng. Quy mô giao dịch trung bình mỗi ngày của thị trường Thái Lan là 3 tỷ USD.

Điều thuận lợi nữa là tổng đầu tư toàn xã hội tăng trưởng tốt, trong đó, riêng từ nguồn ngân sách nhà nước dự kiến đạt 477.300 tỷ đồng. Cùng với đó, chính sách tiền tệ vẫn duy trì sự ổn định do dịch bệnh vẫn còn, các nước chưa rút lại gói kích thích. Trong khi đó, tình trạng lạm phát nước ta trong tầm kiểm soát.

Thống kê khác cũng cho thấy, hiện dòng tiền đang chờ đầu tư rất lớn và kỳ vọng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Cùng với đó, thị trường đã có sự gia tăng nhanh về số lượng tài khoản các nhà đầu tư. Cụ thể, hiện đã có đến hơn 3 triệu tài khoản tham gia, trong đó nhà đầu tư nước ngoài là hơn 36.000 tài khoản.

“Một yếu tố thuận lợi khác chính là lãi suất”, ông Phạm Vũ Thăng Long, Giám đốc Phân tích Vĩ mô Công ty Chứng khoán HSC, nhận định. Theo ông Long, môi trường lãi suất thấp kéo dài sẽ là yếu tố lý tưởng giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục khả quan đến nửa đầu năm 2022.

Chuyên gia của HSC dự báo lạm phát của năm 2021 sẽ ở dưới mức 4%. Trong quý II, lạm phát có thể tăng nhưng lý do là mức nền của cùng kỳ năm trước quá thấp khi giá xăng dầu giảm mạnh. Hiện tại, chi phí cho giao thông đang bắt đầu tăng trở lại khi giá xăng tăng.

Một yếu tố quan trọng khác cho triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam là thanh khoản còn dư địa để tiếp tục tăng. Quy mô giao dịch trung bình mỗi ngày của thị trường Thái Lan là 3 tỷ USD.

Dựa trên tương quan GDP Việt Nam bằng khoảng 2/3 so với Thái Lan, ông Long dự báo giá trị giao dịch lý tưởng của chứng khoán Việt Nam phải lên tới 2 tỷ USD mỗi phiên. Định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam tăng lên nhưng vẫn ở mức thấp nhất khu vực.

Theo đánh giá của các quỹ đầu tư, thị trường chứng khoán Việt Nam trong nhóm hồi phục nhanh nhất trên thế giới. Tuy mức P/E của VN Index cao hơn mức P/E bình quân 5 năm gần đây nhưng vẫn thấp hơn các nước trong khu vực. Khả năng dịch chuyển vốn để đón đầu xu thế nâng hạng thị trường chứng khoán (hiện Việt Nam thoả mãn 7/9 điều kiện của FTSE Russell đưa ra).

Bên cạnh đó, Chính phủ mới với sự kế thừa và phát triển năng động tạo tiền đề cho những chính sách mới cho sự phát triển của nền kinh tế. Tất cả những yếu tố này sẽ là động lực để thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021 và các năm tới.

5 NHÓM NGÀNH "HOT" ĐƯỢC LỰA CHỌN

Theo báo cáo khảo sát các CEO toàn cầu năm 2021 do Công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) thực hiện cho thấy, có 36% CEO được khảo sát cho biết rất tự tin về triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp trong 12 tháng tới, cao hơn tỷ lệ 27% vào năm 2020.

Lĩnh vực khách sạn và giải trí, vận tải và hậu cần có mức độ tự tin thấp nhất do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch Covid-19. Lĩnh vực công nghệ có mức độ tự tin cao hơn các ngành khác do được hưởng lợi từ việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong đại dịch.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp gia đình có mục tiêu tăng trưởng thận trọng hơn trong năm 2021 nhưng lại đầy tham vọng trong năm 2022. Đặc biệt, có 63% các CEO Việt Nam kỳ vọng tăng trưởng dương trong năm 2021, và tỷ lệ này tăng lên 75% vào năm 2022. Sản phẩm mới, dịch vụ mới và công nghệ là ưu tiên hàng đầu trong 2 năm tới.

 

Để chọn mã cổ phiếu tốt nhất, các chuyên gia lưu ý nhà đầu tư cần chú ý đến chu kỳ tăng trưởng của cổ phiếu đó, doanh nghiệp chia cổ tức đều đặn hàng năm, doanh nghiệp có tài sản ngầm, thanh khoản tốt...

Một số chuyên gia khác cho rằng nhóm ngành y tế (thực phẩm chức năng, thuốc và các thiết bị chăm sóc sức khỏe) sẽ phát triển do người dân quan tâm hơn nâng cao hệ miễn dịch trước ảnh hưởng của Covid-19. Do đó, một số công ty trong lĩnh vực y tế cũng tận dụng cơ hội này để xây dựng nhà máy, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.

TS.Lê Anh Tú, Cố vấn cấp cao PwC, dự báo 5 lĩnh vực sẽ tập trung phát triển trong năm 2022 là giao nhận, giáo dục, công nghệ, năng lượng tái tạo và y tế. Trong đó, quy mô thị trường giao vận dự kiến đạt 113 tỷ USD vào năm 2022, tương ứng với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 16,6%.

Tăng trưởng được hậu thuẫn bởi các hiệp định thương mại tự do, thương mại điện tử và việc các nhà sản xuất lớn như Apple, LG, Panasonic coi Việt Nam là một mắt xích để đa dạng hoá chuỗi cung ứng.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa lạc quan hơn về triển vọng tương lai về dài hạn do có lợi thế linh hoạt về mặt quy mô. Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết sẽ đổi mới mô hình làm việc linh hoạt hơn như bán hàng, tài chính và công nghệ.

Đặc biệt, tăng trưởng đầu tư ngành giáo dục cũng được thúc đẩy bởi các chính sách khuyến khích đối với dự án 100% sở hữu tư nhân và nước ngoài. Ngành y tế thu hút đầu tư nhờ các yếu tố như tốc độ già hoá dân số với số lượng người trên 65 tuổi sẽ tăng từ 8% trong năm 2019 lên 16% vào năm 2020.

Mặc dù chỉ ra các nhóm ngành có nhiều triển vọng tăng trưởng trong thời gian tới, nhưng để chọn mã cổ phiếu tốt nhất, các chuyên gia lưu ý nhà đầu tư cần chú ý đến chu kỳ tăng trưởng của cổ phiếu đó, doanh nghiệp chia cổ tức đều đặn hàng năm, doanh nghiệp có tài sản ngầm, thanh khoản tốt…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate