May 25, 2022 | 13:26 GMT+7

Cổ phiếu OGC bị chuyển sang diện kiểm soát từ ngày 31/5

Hà Anh -

HOSE cho biết, nguyên nhân là do tổ chức này chậm nộp báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán quá 30 ngày so với thời hạn quy định, thuộc trường hợp chứng khoán bị kiểm soát theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 38 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yét ban hành theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam...

Diễn biến giá cổ phiếu OGC thời gian qua.
Diễn biến giá cổ phiếu OGC thời gian qua.

Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) thông báo về việc chuyển cổ phiếu Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (mã OGC-HOSE) từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát.

Theo đó, cổ phiếu OGC được chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát, kể từ ngày 31/05/2022, nguyên nhân là do tổ chức này chậm nộp báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán quá 30 ngày so với thời hạn quy định, thuộc trường hợp chứng khoán bị kiểm soát theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 38 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yét ban hành theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Bên cạnh đó, cổ phiếu OGC vẫn thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát do báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 và 2020 có ý kiến kiểm toán ngoại trừ theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 38 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Trước đó, ngày 06/9/2021, OGC nhận được Văn bản số 1094/SGDHCM-NY của HOSE về việc “Yêu cầu khắc phục ý kiến ngoại trừ và nhấn mạnh của kiểm toán”.

Tại văn bản này, HOSE cho biết, công ty tiếp tục có các khoản lợi nhuận nhưng các khoản lỗ lũy kế nhiều và vẫn còn vấn đề ngoại trừ và nhấn mạnh đã tồn tại trước đây đối với BCTC của Công ty; thông báo về việc nếu BCTC kiểm toán năm 2021 của OGC tiếp tục có ý kiến ngoại trừ sẽ bị rơi vào trường hợp hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ; thông báo về việc giữ nguyên diện kiểm soát đối với cổ phiếu OGC và việc xem xét hướng xử lý tiếp theo đối với cổ phiếu OGC sẽ căn cứ vào BCTC kiểm toán năm 2021; và yêu cầu OGC giải trình tình hình thực hiện phương án khắc phục ý kiến ngoại trừ, nhấn mạnh của kiểm toán theo công văn số 28/2021/CV-OGC ngày 19/04/2021 và đưa ra phương án khắc phục triệt để ý kiến ngoại trừ và nhấn mạnh của kiểm toán tiếp theo.

Theo đó, liên quan đến các nội dung trên, OGC đã có ý kiến giải trình cùng phương hướng thực hiện.

Cụ thể: Trong thời gian qua, OGC đã nỗ lực từng bước trong việc khắc phục và giảm dần về số lượng và giá trị của các ý kiến kiểm toán ngoại trừ trên BCTC, cụ thể các ý kiến kiểm toán ngoại trừ trên BCTC hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2021 chỉ còn 01 ý kiến (BCTC kiểm toán năm 2020 tồn tại 02 ý kiến ngoại trừ, BCTC kiểm toán năm 2019 tồn tại 04 ý kiến ngoại trừ, BCTC kiểm toán năm 2018 tồn tại 5 ý kiến ngoại trừ).

Đối với các khoản mục có nội dung ngoại trừ trên BCTC 6 tháng đầu năm 2021 tương tự như ý kiến kiểm toán của các kỳ trước nhưng giá trị của các khoản ngoại trừ đã giảm đáng kể. Các nội dung này đã được Công ty giải trình, có ý kiến đánh giá tại văn bản số 70/2021/CV-OGC ngày 27/8/2021 và đã được công bố thông tin kèm theo BCTC soát xét 6 tháng đầu năm 2021 theo quy định.

Theo đó, các ý kiến kiểm toán ngoại trừ của kiểm toán viên liên quan khả năng thu hồi cũng như khả năng tiếp tục thực hiện và thu được lợi ích kinh tế trong tương lai của các khoản nợ phải thu, tài sản thiếu chờ xử lý và các khoản đầu tư khác với giá trị sau dự phòng sau khi bù trừ với các khoản công nợ phải trả là 408 tỷ đồng (số dư nợ gốc 1.039 tỷ đồng, số đã dự phòng 295,6 tỷ đồng).

Các khoản mục ngoại trừ trên là các khoản phải thu có tính lịch sử của Công ty tồn tại từ năm 2014 đến nay, Công ty và các đơn vị thành viên đang thực hiện các thủ tục thu hồi và hoàn thiện hồ sơ pháp lý liên quan đến các khoản công nợ này.

Ngày 18/7/2020, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của Công ty đã có Nghị quyết thông qua Báo cáo của Ban Tổng Giám đốc Công ty về việc xóa một số khoản nợ và chủ trương bán nợ đối với các khoản nợ của Công ty. Theo đó, Công ty đang thực hiện việc tái cơ cấu các khoản mục đầu tư và công nợ, thực hiện các biện pháp thu hồi các khoản công nợ phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời tìm kiếm đối tác bán các khoản nợ theo Nghị quyết của ĐHDCĐ đã phê duyệt nhằm thu hồi tối đa các tài sản nhằm giảm, xóa bỏ các ý kiến ngoại trừ trên báo cáo tài chính kiểm toán cho năm tài chính 2021.

Đối với quy định về việc hủy niêm yết bắt buộc đối với doanh nghiệp niêm yết tồn tại các ý kiến ngoại trừ trên báo cáo tài chính kiểm toán theo quy định tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ, Công ty đã nắm rõ các thông tin này ngay sau khi có quy định của Chính phủ và đang từng bước thực hiện khắc phục các ý kiến ngoại trừ như trình bày trên đây.

OGC cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của các đơn vị thành viên trong Tập đoàn. Tuy nhiên, Công ty đã thực hiện việc tái cơ cấu tài chính một số khoản đầu tư, phương án xử lý một số khoản công nợ phải thu và thực hiện các phương án khác nhau để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh nên vẫn đạt lợi nhuận dương trong thời gian qua để giảm dần số lỗ lũy kế của Công ty.

Trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục tập trung vào các mảng sản xuất kinh doanh chính, thu hồi hoặc bán các khoản công nợ khó đòi, tiếp tục tìm kiếm đối tác thoái vốn một số khoản đầu tư chưa hiệu quả tạo nguồn lực cho các dự án trọng tâm, thanh toán các khoản công nợ nhằm khắc phục các ý kiến ngoại trừ của kiểm toán trong năm 2021 và giảm các khoản lỗ lũy kế trên BCTC Công ty.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate