Tính từ thời điểm tháng 4/2022 Vn-Index đã rơi 22,5%, thủng mốc hỗ trợ mạnh 1.200 điểm. Còn nếu tính từ thời điểm đầu tháng 6/2022 đến nay chỉ số giảm 9,4% thanh khoản cũng sụt giảm với những cú rơi khốc liệt của toàn bộ các ngành từ chứng khoán, bất động sản, ngân hàng, vật liệu xây dựng, đầu tư công.
Nhóm dầu khí gần như là trụ đỡ của cả thị trường trong thời gian qua cũng rơi vào downtrend khi mà áp lực lạm phát toàn cầu trở nên quá lớn gây sức ép với dòng tiền, mà một thị trường mở như Việt Nam điều này không tránh khỏi dù rằng nội tại vĩ mô vẫn tốt, các chính sách tiền tệ có đủ năng lực để chống chọi với tình hình xấu đi đến từ ngoại biên.
Cổ phiếu chứng khoán, vật liệu xây dựng như thép là hai nhóm bị nhà đầu tư réo nhiều nhất trong những ngày qua với mức độ rơi tự do song để mà tính sự thảm khốc nhất lại phải nhắc đến nhóm xây dựng, đầu tư công dù đây là nhóm vẫn được đánh giá triển vọng rất tốt với một kịch bản về lợi nhuận hoàn toàn khả quan trong năm 2022.
Thống kê cho thấy, toàn thị trường có ít nhất 40 mã rơi về vùng đáy tháng 3/2020 Vn-Index thời điểm đó chỉ còn 652 điểm, trong đó đóng góp chủ yếu bởi cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản và xây dựng như HHV, CII, VCG, QCG, HVH, TDH, PHC, NBB...
CỔ PHIẾU RƠI VỀ VÙNG GIÁ 7 NĂM CÁCH ĐÂY
Không những rớt về vùng đáy tháng 3/2020, nhiều cổ phiếu xây dựng hiện đang giao dịch ở vùng giá cách đây 2-3 năm thậm chí là 4 - 7 năm.
Đơn cử như VCG của Vinaconex, thị giá VCG rớt một mạch từ vùng 51.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm 2022 xuống còn 18.900 đồng/cổ phiếu giảm gần 3 lần trong vòng 6 tháng giao dịch. Với mức giá này, VCG mất ngưỡng hỗ trợ mạnh 23.000 đồng của cả năm 2019 và rơi về vùng giá của thời điểm cuối năm 2018.
Trong khi đó, VCG là một doanh nghiệp có triển vọng rất sáng sủa. Về tình hình kinh doanh, lợi nhuận ròng quý 1/2022 của VCG đạt hơn 759 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước, chủ yếu do Công ty được hoàn nhập hơn 192 tỷ đồng dự phòng phải thu khó đòi, trong khi cùng kỳ ghi nhận chi phí gần 42 tỷ đồng. Năm 2022, VCG đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt hơn 15.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 1.400 tỷ đồng, cùng gấp 2,7 lần năm 2021. So với kế hoạch này, Công ty đã thực hiện được 56% mục tiêu lợi nhuận sau quý 1. Nếu so với thời điểm 2018 lợi nhuận của VCG gấp 2,2 lần.
Một cổ phiếu khác cần nhắc đến là CII của Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM. Kể từ khi niêm yết vào năm 2013, thị giá của VCG là 16.000 đồng/cổ phiếu, sau khi đạt đỉnh vào năm 2017 giá cổ phiếu rớt và loanh quanh ở vùng 20.000 đồng suốt 5-6 năm qua. Đến cuối năm 2021, CII đạt đỉnh gần 60.000 đồng/cổ phiếu và hiện rơi về 15.500 đồng vùng giá cách đây 2 năm nếu thủng mốc này chính thức rơi về vùng giá cách đây gần 7-8 năm.
Đáng lưu ý, năm 2022, CII đặt mục tiêu tổng doanh thu hơn 8.010 tỷ đồng, gấp 2.7 lần thực hiện 2021. Lãi ròng mục tiêu gần 757 tỷ đồng, trong khi năm trước lỗ ròng 341 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất từ năm 2018 tới đây.
CII mới đây cho biết lãi ròng 6 tháng đầu năm ước hơn 700 tỷ đồng, tương đương 93% kế hoạch lợi nhuận 757 tỷ đồng đề ra cho cả năm 2022. Theo đó, EPS 6 tháng đầu năm của Công ty đạt khoảng 2.800 đồng/cổ phiếu. Hoạt động thu phí giao thông của CII trong nửa đầu năm 2022 tăng 28% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 710 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc giảm tỷ lệ tại các công ty con cũng như thu hồi vốn đầu tư được thực hiện đúng kế hoạch đề ra tại Đại hội cổ đông thường niên 2022. Trong báo cáo chiến lược tháng 5, BSC cũng đánh giá tiềm năng CII với giá mục tiêu 30.300 đồng/cổ phiếu.
Tương tự, thị giá của các ông lớn ngành xây dựng HBC, CTD, FCN cũng đã rơi về vùng giá cách đây 2 năm trước khi Covid-19 bùng nổ.
Một cổ phiếu được đánh giá hưởng lợi lớn nhờ đầu tư công năm 2022 là HHV cũng đang ở vùng giá cách đây 3-4 năm. Phiên giao dịch hôm nay, HHV ở mức 11.350 đồng/cổ phiếu, giảm gần 3 lần kể từ khi lên HOSE. Trước đó, HHV giao dịch trên HNX nhiều năm ở vùng giá 11.000 đồng/cổ phiếu.
TRIỂN VỌNG NHÓM XÂY DỰNG, ĐẦU TƯ CÔNG RA SAO?
Lý do khiến cổ phiếu nhóm xây dựng, đầu tư công giảm thời gian qua có rất nhiều, bên cạnh tình hình xấu chung của thị trường nhà đầu tư còn lo ngại lạm phát tăng cao khiến giá cả nguyên vật liệu xây dựng tăng thị trường bất động sản, xây dựng vì thế sẽ chững lại. Việc siết chặt dòng vốn tín dụng vào bất động sản gồm cả trái phiếu cũng khiến các dự án tạm thời bị dừng ảnh hưởng đến doanh thu lợi nhuận nhóm xây dựng.
Trong khi đó, giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2022 vẫn ở mức thấp. Tính đến ngày 31/5/2022, ước thanh toán vốn đầu tư công mới đạt 22,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, chỉ cao hơn năm 2021 (22,12%) nhưng là mức thấp nhất trong giai đoạn 2017-2021.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ trường Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Thực tiễn hoạt động đầu tư công cho thấy, việc giải ngân thấp ở các tháng đầu năm chưa khẳng định được tỷ lệ giải ngân cả năm là sẽ thấp. Điển hình là giai đoạn 2017-2021, tỷ lệ giải ngân 5 tháng đầu năm của cả giai đoạn chỉ đạt khoảng 22-26% kế hoạch. Trong đó, thấp nhất là năm 2021 đạt 22,12% (tương ứng 102,03 nghìn tỷ đồng), cao nhất là năm 2019 đạt 26,4% (tương ứng 96,89 nghìn tỷ đồng). Tuy nhiên tỷ lệ giải ngân cả năm 2019 lại thấp thứ hai của giai đoạn, đạt 78,83% (tương ứng 325,1 nghìn tỷ đồng), còn năm 2021 lại có tỷ lệ giải ngân cao thứ hai, đạt 95,7% (tương ứng 417,7 nghìn tỷ đồng).
Như vậy có thể thấy, đặc thù của giải ngân vốn đầu tư công là thấp vào những tháng đầu năm và tăng mạnh trong những tháng cuối năm và thực tế này có xu hướng trở thành quy luật bởi các nhà thầu cũng cần thời gian để thi công, tích lũy khối lượng đủ để nghiệm thu, thanh toán. Vì thế, nhận định giải ngân nhanh hay chậm cần xem xét cả đến các yếu tố nói trên.
"Theo tiến độ, năm 2022 là năm thứ hai triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, nhưng thực tế lại là năm đầu tiên. Vì Kế hoạch đầu tư công trung hạn mới được Quốc hội thông qua từ tháng 7/2021 và đầu năm 2022 chủ yếu là tiếp tục triển khai các dự án chuyển tiếp. Các dự án mới vẫn đang trong quá trình chuẩn bị, làm thủ tục, quá trình này thông thường mất khoảng 6-8 tháng, nên phải tới cuối năm mới có thể giải ngân được", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Đối với lo ngại dòng vốn vào thị trường bất động sản bị ảnh hưởng, về vấn đề này, tại phiên giải trình Quốc hội khóa 15 mới đây, Phó thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, Chính phủ chỉ điều chỉnh chứ không phải siết chặt tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, trái phiếu và chứng khoán. Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành tín dụng đáp ứng đầy đủ và kịp thời vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đối với các dự án, phương án vay vốn trong lĩnh vực bất động sản có tính khả thi, thanh khoản tốt, khách hàng có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn thì tiếp tục cung cấp tín dụng theo đúng quy định. "Đây là chủ trương xuyên suốt của Chính phủ trong thời gian qua", ông Khái nhấn mạnh.
Với lo ngại về lạm phát, hầu hết các tổ chức đều dự báo dù lạm phát bên ngoài tăng cao nhưng Việt Nam nhiều khả năng vẫn kiềm chế được xung quanh mức 4-5%. Trong khi đó, theo thống kê của Agriseco Research trong 22 năm kể từ năm 2000, trong môi trường lạm phát dưới 5%, chỉ số VN-Index ghi nhận mức sinh lời 1,8%/tháng. Lạm phát từ 5 - 10% sẽ mang lại tỷ suất sinh lời cao nhất.
Đặc biệt, trong giai đoạn lạm phát cao, ngoài nhóm tài chính là bảo hiểm thì nhóm xây dựng là nhóm có hoạt động kinh doanh khởi sắc. Thực tế như đề cập ở trên, hầu hết các doanh nghiệp xây dựng cũng đưa ra một kế hoạch kinh doanh khả quan trong năm 2022 trong khi đó, giá cổ phiếu rơi về vùng giá cách đây nhiều năm.
Trả lời câu hỏi nhà đầu tư mới đây nên đầu tư cổ phiếu nhóm nào trong bối cảnh lạm phát tăng cao, theo bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt đánh giá đầu tiên là nhóm đầu tư công, định hướng năm nay Chính phủ vẫn sẽ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.