Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) thông báo bổ sung chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ đối với cổ phiếu SMC của CTCP Ðầu tư Thương mại SMC.
Theo đó, 73,6 triệu cổ phiếu SMC vào diện chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên BTCT hợp nhất kiểm toán năm 2022 là con số âm.
Cụ thể, doanh thu quý 4/2022 đạt 4.202 tỷ đồng, cùng kỳ đạt 6.152 tỷ đồng, luỹ kế doanh thu năm 2022 đạt 23.187 tỷ đồng - tăng 1.870 tỷ so với năm trước đồng thời là mức kỷ lục trong lịch sử hoạt động.
Quý 4/2022, công ty báo lỗ sau thuế 551 tỷ đồng nên lợi nhuận sau thuế cả năm của SMC lỗ ròng gần 645 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tại thời điểm 31/12/2022 giảm từ 1.081 tỷ đồng về còn gần 338 tỷ.
Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lỗ gần 515 tỷ và luỹ kế âm gần 573 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12, giá trị hàng tồn kho của SMC giảm gần 50% so với quý 1 từ 2.544 tỷ về còn 1.573 tỷ (đã bao gồm 108 tỷ đồng trích lập dự phòng giảm giá).
Như vậy, tính đến ngày 20/3/2023, danh sách mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ nâng lên con số 69 mã và hầu hết các cổ phiếu bị cắt margin trong quý đầu tiên của năm 2023 đều thuộc diện bị cảnh báo hoặc kiểm soát như: CIG, DLG, DXV, HNG, HOT, HU1, HU3, ITA, MCG, OGC, PIT, PMG, PTL, QBS, RDP, SCD, SGT, SII, SJD, SMA, TCR, TDH, TNI, TTF, UDC, VFG, VOS,...
Trên thị trường chứng khoán, chót phiên ngày 20/3, giá cổ phiếu này đã bị kéo về dưới mốc 10.000 đồng thị giá và mở cửa phiên sáng 21/3/2023, giá cổ phiếu SMC tăng nhẹ 0,8% lên mức 9.580 đồng với thanh khoản trung bình 10 phiên đạt gần 390.000 đơn vị.
Trong mới báo mới đây của SSI Research, nhu cầu trong nước có thể tiếp tục suy yếu do thị trường bất động sản trì trệ và chính sách tiền tệ thắt chặt. Theo Bộ Xây dựng, số lượng căn hộ mới được cấp phép xây dựng trong 3 quý đầu năm 2022 giảm 41% so với cùng kỳ. Ngoài ra, tiến độ của các dự án đang tồn đọng cũng có thể bị chậm lại, do vấn đề thanh khoản của chủ đầu tư bất động sản.
Kênh hộ gia đình (từng có khả năng phục hồi tốt hơn) cũng có thể bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm của nền kinh tế nói chung, với tỷ lệ thất nghiệp và lãi suất cao hơn. Chúng tôi cho rằng nhu cầu thép thành phẩm trong nước có thể giảm ở mức một con số vào năm 2023. Nhìn vào các dữ liệu trong quá khứ có thể thấy ngành thép Việt Nam đã từng đối mặt với điều này trước đây. Doanh thu thép xây dựng giảm 7% so với cùng kỳ trong năm 2022. Tuy nhiên, việc tăng tốc đầu tư công có thể giúp bù đắp một phần nhu cầu thép giảm từ kênh dân dụng.
Giá thép có thể ít biến động hơn trong năm 2023 do nhu cầu của Trung Quốc ổn định: Sau khi giảm 2~4% trong năm 2022, nhu cầu của Trung Quốc dự kiến sẽ không thay đổi hoặc phục hồi nhẹ trong khoảng 1~2% trong năm 2023, điều này được thúc đẩy bởi việc mở cửa trở lại trong những tháng đầu năm.
Nhu cầu của thị trường Trung Quốc có thể vẫn yếu, do doanh thu bán nhà ở mới giảm kể từ nửa cuối năm 2021, nhưng sẽ được hỗ trợ bởi các biện pháp gần đây của chính phủ nhằm giải quyết vấn đề thanh khoản của các chủ đầu tư bất động sản và đầu tư cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh đó, sản lượng thép của các nhà sản xuất lớn nhất thế giới cũng sụt giảm do các nhà máy phải cắt giảm sản lượng sau một thời gian dài thua lỗ. Sau khi đạt mức cao nhất vào tháng 5/2022 ở mức 96,6 triệu tấn, sản lượng thép của Trung Quốc đã giảm dần xuống 74,5 triệu tấn vào tháng 11, gây ra sự cân bằng giữa cung và cầu.
Những yếu tố này có thể giúp giá thép khu vực ổn định hơn trong năm 2023. Tuy nhiên, ít có khả năng giá thép tăng mạnh, vì việc mở cửa trở lại ở Trung Quốc cũng sẽ dẫn đến nguồn cung tăng. Ngoài ra, mức giá hiện tại đã cao hơn 20~40% so với mức trước covid. Nhu cầu yếu ở Việt Nam cũng có thể gây khó khăn cho các nhà sản xuất trong việc tăng giá lên mức tương đương với giá trong khu vực.
Thị trường xuất khẩu vẫn chưa thuận lợi do suy thoái, nhưng có khả năng phục hồi vào cuối năm: Theo Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu thép dự kiến sẽ phục hồi 1% so với cùng kỳ, lên 1,8 tỷ tấn vào năm 2023, sau khi giảm 2,3% trong năm 2022. Nhu cầu ở cả thị trường Mỹ và Châu Âu dự kiến sẽ giảm trong năm tới do suy thoái kinh tế.
Nhu cầu tại thị trường ASEAN dự kiến sẽ duy trì ổn định trong năm 2023, sau khi tăng trưởng 4~6% trong năm 2022. Tuy nhiên, xuất khẩu sang các đối tác thương mại lâu năm vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng công suất trong những năm gần đây ở các nước láng giềng như Malaysia, Indonesia và Philipine. Theo đó, chúng tôi dự báo xuất khẩu thép thành phẩm có thể giảm hơn 10% so với cùng kỳ trong năm 2023.