Đà tăng dưới kỳ vọng sáng nay chủ yếu đến từ dòng tiền đã không tăng lên được bất chấp tin tốt về lạm phát của Mỹ và kỳ vọng bước tăng lãi suất ngày mai của FED sẽ chậm lại. Dù vậy nhiều cổ phiếu vẫn giao dịch tích cực, nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán thanh khoản áp đảo phần còn lại.
Độ rộng của VN-Index tổng thể vẫn tốt với 273 mã tăng/127 mã giảm, trong đó 13 mã kịch trần và 133 mã khác tăng từ 1% trở lên. Chỉ số chốt phiên sáng tăng nhẹ 2,88 điểm tương đương 0,27% do thiếu đi lực đẩy đủ khỏe từ các cổ phiếu trụ.
VN30-Index thậm chí đang giảm 0,04% dù vài phút sau khi mở cửa tăng tới 1,38%. Nhóm blue-chips này chỉ có 14 mã tăng/12 mã giảm, giao dịch chủ đạo là giằng co mà không có cổ phiếu tăng trưởng vượt trội.
NVL đang xuất sắc nhất với mức tăng 2,2% so với tham chiếu, nhưng do đã giảm tới 78% giá trị vốn hóa chỉ từ đầu tháng 10 tới nay, nên ảnh hưởng tới điểm số quá ít. Mã này thậm chí còn không lọt vào Top 10 cổ phiếu đẩy VN-Index sáng nay. STB tăng 2%, GAS tăng 1,7%, TCB tăng 1,56%, HPG tăng 1,05%, MBB tăng 1,11% là những cổ phiếu mạnh nhất còn lại.
Nhóm trụ phân hóa chủ đạo ở các cổ phiếu lớn vừa tăng mạnh nhịp vừa rồi. MSN đang giảm 1,75% so với tham chiếu và đã giảm 9,24% trong 8 phiên gần nhất sau nhịp tăng 44,2% trước đó. VHM giảm 1,13% và cũng mới rời đỉnh khoảng 10,1% sau 8 phiên sau khi đã đi lên hơn 35%. VJC giảm 1,96%, VRE giảm 1,79%, PLX giảm 1,59%, ACB giảm 1,3% là các blue-chips khác khá đuối trong nhóm VN30.
Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết sáng nay tăng nhẹ 10% so với sáng hôm qua, đạt gần 6.321 tỷ đồng, trong đó HoSE tăng 9%, đạt 5.662 tỷ. Bất ngờ là VN30 lại giảm giao dịch tới 17%, chỉ đạt hơn 2.099 tỷ đồng.
Thực ra vẫn có một vài cổ phiếu thuộc rổ VN30 nằm trong Top 10 thanh khoản thị trường phiên sáng, như STB, HPG, SSI, NVL, VPB, TCB, nhưng mức giao dịch đều giảm nhiều so với sáng hôm qua. Điểm tích cực là nhóm cổ phiếu tài chính bao gồm ngân hàng, chứng khoán – những mã tăng bùng nổ cuối phiên hôm qua – vẫn đang thu hút được dòng tiền vượt trội số còn lại. Trong 10 mã thanh khoản nhất thị trường thì tới 6 mã thuộc nhóm này.
Giao dịch lớn nhất đang là VND với 365,2 tỷ đồng, giá tăng 3,88%. VND hôm qua còn đóng cửa ở giá kịch trần. SSI cũng thanh khoản tốt gần 194,3 tỷ đồng dù giá chỉ tăng nhẹ 0,49%. Trong 25 cổ phiếu chứng khoán đang giao dịch ở các sàn, chỉ có TVS là giảm 1,3% và VIG, IVS, HBS, EVS là tham chiếu, còn lại đều tăng. Tới 17 cổ phiếu khác trong nhóm này đang tăng trên 1% giá trị.
Nhóm ngân hàng cũng chỉ có 4/27 mã là giảm giá nhưng số tăng vượt trội trên 1% chỉ có 9 mã, còn lại chủ đạo là giằng co biên độ hẹp. STB đang thanh khoản tốt nhất nhóm này với 224,9 tỷ đồng khớp lệnh. VPB, EIB, TCB cũng đều đạt thanh khoản trên trăm tỷ đồng.
Điểm nhấn sáng nay là khối ngoại giảm mua vào trên HoSE tới 46% so với sáng hôm qua, chỉ còn 509,2 tỷ đồng. Quy mô bán ra giảm 15%, đạt 473,2 tỷ. Dù bán ít hơn nhưng mua lại giảm quá nhiều, dẫn đến vị thế ròng chỉ còn +36 tỷ. Trong rổ Vn30 khối này cũng chỉ mua ròng nhẹ 22 tỷ đồng. VHM đang được mua ròng lớn nhất với 43,1 tỷ, STB +29,6 tỷ, HCM +25,8 tỷ, NVL +20,7 tỷ, VND +15,6 tỷ. Phía bán ròng có VNM -40,8 tỷ là đáng kể.
Tuần này các quỹ ETF ngoại sẽ tiến hành tái cân bằng danh mục, do vậy sự thay đổi trong số liệu khối ngoại cần phải chờ đợi đến phiên chiều hoặc cuối tuần. Tuy vậy thống kê lượng vốn mới vào thông qua các quỹ ETF đều đang trong xu hướng chậm lại. Việc các quỹ đảo danh mục chỉ là “xào lại” danh mục đang có nên không phản ánh chính xác dòng vốn mới.
Điểm tích cực là các cổ phiếu chứng khoán vẫn đang giao dịch mạnh vượt trội hầu hết các nhóm khác với thanh khoản tốt phát tín hiệu lạc quan vì nhóm này thường bám sát kỳ vọng chung trên thị trường. Hai phiên đầu tuần này khối tự doanh bán ròng qua khớp lệnh, có thể là hiện tượng chốt lời danh mục. Dòng vốn tự doanh mua mạnh mẽ 7 tuần liên tiếp có thể đem lại kết quả khả quan hơn cho mức lợi nhuận quý 4.