Thống kê trên 13 doanh nghiệp thủy sản có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán cho thấy khá nhiều bất ngờ trong nhóm cổ phiếu này trong nửa đầu năm 2019.
Mức tăng mạnh không đến từ các "ông lớn"
Trong nửa đầu năm 2019, tăng vẫn là xu hướng chủ yếu của các cổ phiếu thủy sản trên sàn. Trong 13 mã chứng khoán ngành này được thống kê, có tới 10 cổ phiếu có mức tăng trưởng dương trong giai đoạn nửa đầu năm.
Bất ngờ trong nhóm này là cổ phiếu CMX của Công ty Cổ phần Camimex Group khi chốt phiên ngày 5/7 ở mức 22.900 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng tới 54,7% so với đầu năm nay. Đây cũng là mức tăng cao nhất trong 13 doanh nghiệp thủy sản có vốn hóa lớn nhất trên sàn.
Nhìn lại lịch sử, cổ phiếu này cũng từng gây bất ngờ trong năm 2018 khi trước đó, cổ phiếu này luôn loanh quanh ở mốc 5.000 đồng/cổ phiếu thì từ tháng 9/2018, cổ phiếu này bắt đầu đà đi lên. Một cách nhanh chóng, CMX liên tục có nhiều phiên tăng trần, đẩy giá cổ phiếu lên một cách chóng mặt khi chỉ tới giữa tháng 11/2018, thị giá CMX đã vượt lên trên ngưỡng 15.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng gấp 3 lần thị giá 2 tháng trước đó.
Mã chứng khoán này vẫn tiếp tục tăng vào nửa đầu năm 2019 vừa qua, mức đỉnh đạt được ghi nhận vào giữa tháng 4 lên tới hơn 27.000 đồng/cổ phiếu. Dù hiện tại giá cổ phiếu này đã giảm 15% so với mức đỉnh này song vùng giá hiện tại vẫn đang ở cao nhất trong lịch sử của CMX.
Trong nhóm này, ngoài CMX có mức tăng cao, các cổ phiếu như SJ1, SEA, AAM và ACL cũng là những mã chứng khoán tăng tốt trong nửa đầu năm nay với mức tăng trên 20%.
Đối với VHC, cổ phiếu này vẫn đang có thị giá lớn nhất trong nhóm ngành thủy sản (88.000 đồng/cổ phiếu phiên ngày 5/7/2019), tuy nhiên mức giá này chỉ tăng nhẹ 1,7% so với hồi đầu năm 2019.
Được biết, VHC ghi nhận giá trị xuất khẩu đạt 118 triệu USD trong 5 tháng 2019 (-7% so với cùng kỳ năm trước), chủ yếu đến từ mức giảm mạnh giá trị xuất khẩu tháng 4 và tháng 5/2019. Sự chững lại trong tháng 4-5 đến từ tâm lý "chờ đợi" của khách hàng tại Mỹ khi chờ kết quả công bố chính thức của kỳ đánh giá thuế chống bán phá giá cá tra (đã được công bố vào cuối tháng 4/2019) và các khách hàng gia tăng tích lũy cá rô phi từ Trung Quốc (loại cá thay thế cho cá tra) vào cuối năm 2018 và trong giai đoạn tháng 5/2019 trước khi Mỹ tăng thuế 25% cho hàng hóa thủy hải sản nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ở chiều ngược lại, mức sụt giảm lớn nhất đến từ cổ phiếu HVG của Công ty Cổ phần Hùng Vương - doanh nghiệp từng được mệnh danh là "vua cá tra".
Tính đến cuối phiên ngày 5/7/2019, thị giá HVG chỉ còn 3.560 đồng/cổ phiếu, giảm tới 44,3% trong quý 2. Mặc dù riêng trong quý 1, cổ phiếu này có mức tăng khá tốt (36%), tuy nhiên, tính đến phiên cuối tuần vừa qua, HVG vẫn giảm hơn 23,8% so với hồi đầu năm.
Cổ phiếu HVG vẫn tiếp tục bị Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM duy trì trong diện kiểm soát do kết quả kinh doanh lỗ (sau soát xét bán niên niên độ 01/10/2018-30/09/2019, HVG bị điều chỉnh lãi thành lỗ gần 112 tỷ đồng) và vi phạm về công bố thông tin.
Ngoài ra, HVG cũng liên tục bị đặt dấu hỏi về tài chính khi nợ phải trả hơn 6.619 tỷ, tỷ số Nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu của HVG đã ở mức 3,2 lần, trong đó nợ ngắn hạn chiếm 6.419 tỷ đồng (tài sản ngắn hạn của HVG đạt 6.823 tỷ).
Phía kiểm toán cho biết, với khoản lỗ lũy kế hiện tại và tập đoàn có các khoản vay đến hạn trả chưa được thanh toán tại các ngân hàng thương mại cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn.
Ngoài HVG, "vua tôm" Minh Phú cũng nhận về mức giảm giá trị cổ phiếu MPC trong 6 tháng đầu năm (-4,8%), trong đó riêng trong quý 2 cổ phiếu này giảm tới 24,4%. Giai đoạn rơi mạnh nhất của MPC bắt đầu từ 23/5. Giai đoạn này, Minh Phú dính vào cáo buộc nhập khẩu tôm Ấn Độ và chế biến mức tối thiểu để xuất khẩu, né thuế bán phá giá tại Mỹ. Phản ứng có phần chậm chạp của MPC trong việc thông tin tới nhà đầu tư khiến giá cổ phiếu này sụt giảm thê thảm trong tháng 6.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên mới đây, MPC cũng đã tiến hành điều chỉnh giảm kế hoạch sản xuất kinh doanh so với chỉ tiêu đưa ra hồi đầu năm, kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm đề ra ở mức 1.430 tỷ đồng, tăng trưởng 60% (trước đó chỉ tiêu đưa ra là 2.300 tỷ).
EVFTA, CPTPP và sóng kết quả kinh doanh
Tháng 7 này là thời điểm các doanh nghiệp rục rịch công bố kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm, theo đánh giá của Công ty chứng khoán Rồng Việt, ngành thủy sản sẽ đón nhận nhiều doanh nghiệp có kết quả tích cực.
Theo đó, kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm 2019 dự báo sẽ có sự phân hóa giữa ngành cá tra và tôm. Trong khi các doanh nghiệp ngành cá tra được hưởng lợi nhờ giá bán cao chốt từ cuối năm 2018 và giá nguyên liệu giảm mạnh thì các doanh nghiệp ngành tôm nhiều khả năng sẽ giảm lợi nhuận trong nửa đầu năm do giá bán giảm theo giá thế giới khi các nước sản xuất chính đẩy mạnh sản lượng nuôi trồng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm xáo trộn các dòng thương mại tôm toàn cầu. Đồng thời, giá tôm nguyên liệu trong nước tăng do nông dân hạn chế thả nuôi nhằm tránh thời tiết xấu.
Tuy nhiên trong ngắn hạn, triển vọng xuất khẩu tôm đông lạnh sẽ tốt hơn do thời gian giảm thuế về 0% ngắn hơn và quy trình chế biến đơn giản. Trong khi đó, việc giảm thuế khó có thể làm tăng khả năng cạnh trạnh của cá tra, VDSC đánh giá.
Theo Tổng cục Thống kê, ngành thủy sản là điểm sáng của khu vực nông nghiệp khi tăng trưởng khá ở mức 6,45% do nhu cầu thị trường tiêu thụ tăng cao và là mức tăng trưởng cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 9 năm trở lại đây.
Sản xuất thủy sản 6 tháng đầu năm 2019 phát triển khá do nhu cầu thị trường tiêu thụ tăng cao. Tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt 3.780 nghìn tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá và tôm tăng gần 6%, đạt tương ứng là 2.835 nghìn tấn và 547,7 nghìn tấn.
Trước hiệu ứng của các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA, ngành thủy sản được đánh giá là ngành hàng có lợi thế và cơ hội lớn để nâng cao xuất khẩu.
Cụ thể, theo cam kết trong EVFTA, thủy sản Việt Nam xuất sang EU sẽ được xóa bỏ thuế quan hoàn toàn (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên áp dụng hạn ngạch thuế quan là 11.500 tấn) với lộ trình dài nhất là 7 năm. Riêng mặt hàng tôm sẽ khả quan hơn bởi thuế nhập khẩu vào thị trường này sẽ giảm mạnh từ năm đầu tiên, sau đó giảm dần về 0% trong những năm tiếp theo.
Đối với CPTPP, gần như toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có thủy sản vào các nước CPTPP khác sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu hoàn toàn ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc theo lộ trình.
Những lực đẩy này được kỳ vọng sẽ tạo đà cho doanh nghiệp thủy sản trong việc tăng cường sản xuất kinh doanh cũng như đà tăng cho nhiều mã cổ phiếu thủy sản trên sàn chứng khoán trong thời gian tới.