September 19, 2023 | 15:59 GMT+7

Cổ phiếu trụ không đồng thuận, chỉ số chưa thể đổi màu

Kim Phong -

Diễn biến thị trường chiều nay rung lắc nhiều hơn và kết thúc bằng nhịp kéo lên ít phút cuối. Thanh khoản đã tăng 22% so với phiên sáng trên sàn HoSE cho thấy có cầu bắt đáy nhập cuộc. Điều đáng tiếc là các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất vẫn ngược chiều nhau, khiến VN-Index vẫn còn thiếu 0,31 điểm để chạm tới tham chiếu...

VN-Index được kéo lên khá nhanh trong ít phút cuối phiên.
VN-Index được kéo lên khá nhanh trong ít phút cuối phiên.

Diễn biến thị trường chiều nay rung lắc nhiều hơn và kết thúc bằng nhịp kéo lên ít phút cuối. Thanh khoản đã tăng 22% so với phiên sáng trên sàn HoSE cho thấy có cầu bắt đáy nhập cuộc. Điều đáng tiếc là các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất vẫn ngược chiều nhau, khiến VN-Index vẫn còn thiếu 0,31 điểm để chạm tới tham chiếu.

Mặc dù vẫn chưa thể đổi màu thành công, nhưng nếu nhìn từ đáy trong ngày VN-Index giảm gần 12 điểm, đây vẫn là một kết quả tốt. Nguyên nhân khiến chỉ số chưa tăng là dòng tiền vào nhóm blue-chips, nhất là các trụ, vẫn rất hạn chế. Giá phân hóa trong nhóm này nên tổn thất về điểm số là điều không tránh khỏi.

Nếu tính riêng nhịp hồi trong 20 phút cuối đợt khớp lệnh liên tục, VN-Index tăng khoảng 11 điểm. VIC và VHM thậm chí là trụ cột của nhịp tăng này. VIC từ 51.500 đồng vọt lên 52.600 đồng chỉ trong hơn 15 phút, tương đương tăng gần 2,1%. VHM từ 49.000 đồng nhảy lên 50.000 đồng, tăng 2%. Nếu hai trụ này tiếp tục giữ được giá trong đợt ATC thì cầm chắc VN-Index sẽ tăng vượt tham chiếu. Đáng tiếc lực xả lại xuất hiện đẩy giá lùi sâu: VIC đóng cửa giảm 2,45%, VHM chỉ còn tăng 0,82%.

Ngoài ra, trong Top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường còn có VCB giảm 0,79%, BID giảm 1,2%, VPB giảm 1,13%, chưa kể SAB giảm 2,23%, VIB giảm 1,19%. Nhóm tăng giá đáng kể nhất là HPG tăng 1,99%, còn lại GAS chỉ tăng 0,92%, CTG tăng 0,16%, FPT tăng 1,55%.

Điểm tích cực cần ghi nhận là ít nhất thị trường cũng đã xuất hiện cầu bắt đáy trong phiên chiều và tạo được sự phân hóa cân bằng ở cổ phiếu, dù điểm số chưa thực sự thành công. Thanh khoản HoSE chiều nay tăng 22% so với phiên sáng, đạt 11.090 tỷ đồng. Tổng giao dịch khớp lệnh hai sàn buổi chiều cũng tăng 19%.

Nhóm cổ phiếu thanh khoản cao nhất sàn HoSE hôm hay có nhiều mã tăng mạnh.
Nhóm cổ phiếu thanh khoản cao nhất sàn HoSE hôm hay có nhiều mã tăng mạnh.

Thanh khoản cải thiện này tạo được độ rộng tích cực. HoSE đóng cửa với 255 mã tăng/244 mã giảm. Thời điểm VN-Index tạo đáy phiên chiều lúc 2h10, độ rộng chỉ có 154 mã tăng/345 mã giảm. Như vậy chỉ trong ít phút còn lại, cả trăm cổ phiếu đã đảo chiều thành công. Nếu so với phiên sáng, tương quan tăng giảm giá ở cổ phiếu còn tích cực hơn rất nhiều (131 mã tăng/347 mã giảm).

Việc cổ phiếu nâng giá thành công chỉ có thể là nhờ lực mua đã thay đổi: Nhà đầu tư chấp nhận mức giá cao hơn. Cách mua chủ động nâng giá luôn là một tín hiệu mạnh mẽ.

Khá nhiều cổ phiếu đảo chiều và tăng giá rất tốt và thanh khoản càng cao càng thể hiện dòng tiền chủ động mạnh mẽ. PC1 đóng cửa kịch trần, tăng 6,95% nhưng thực chất biên độ trong ngày tới 7,49%, tức là từ giảm chuyển thành tăng trên nền thanh khoản 227,7 tỷ đồng. HSG dao động 7,48%, đóng cửa tăng 5,5% so với tham chiếu, thanh khoản gần 408 tỷ đồng. NKG đảo chiều 8,1%, chốt tăng 5,34% so với tham chiếu, thanh khoản 322,3 tỷ đồng. DCM tăng đảo chiều 4,8%, đóng cửa tăng 3,56%, giao dịch 215,9 tỷ. Loạt cổ phiếu khác đảo chiều từ giảm sang tăng với giao dịch cả trăm tỷ đồng có thể kể tới là DGW, GEX, MSB, DIG, PVT. Các mã này đều đóng cửa trên tham chiếu tối thiểu 2%.

Dĩ nhiên vẫn còn hàng trăm cổ phiếu chưa vượt được tham chiếu trong phiên hôm nay. Lực xả rất lớn vẫn xuất hiện tại NVL giảm 4,68%, VIC giảm 2,45%, CII giảm 3,96%, FCN giảm 6,96%, HHV giảm 1,12%, HDC giảm 2,19%... với thanh khoản trên trăm tỷ đồng.

Dù vậy diễn biến phân hóa vẫn là điều đáng ghi nhận nhất, vì chỉ khi cung cầu cân bằng thì thị trường mới có thể giảm quán tính lao dốc. Sáng nay là bằng chứng rõ nhất khi thanh khoản tăng cao và giá cổ phiếu đồng loạt giảm sâu. Sau nhiều phiên điều chỉnh, cung cầu cân bằng là biểu hiện đầu tiên của khả năng thị trường tạo đáy.

Tổng giá trị khớp lệnh HoSE và HNX phiên này đã phục hồi lại trên ngưỡng 20 ngàn tỷ đồng, tăng 15% so với hôm qua, đạt 21.936 tỷ. So với mức trung bình khoảng 25-26 ngàn tỷ đồng/phiên của các tuần tại đỉnh, mức thanh khoản này vẫn còn kém. Tuy nhiên giá điều chỉnh khá nhẹ đã xuất hiện cầu bắt đáy với giao dịch sôi động như vậy cho thấy dòng tiền đứng ngoài là lớn.

Điểm trừ hôm nay là khối ngoại vẫn tiếp tục rút tiền về. Khoảng 376 tỷ đồng bán ròng trên HoSE là con số lớn, sau khi phiên đầu tuần đã là -456 tỷ đồng chỉ riêng với cổ phiếu. HPG bị bán ròng lớn nhất với 139,2 tỷ đồng, tiếp đến là STB -69,2 tỷ, HCM -66,1 tỷ, VCI -40,2 tỷ, VRE -39,6 tỷ, VIC -28,5 tỷ, VHM -28,2 tỷ, BID -26,2 tỷ, EIB -258 tỷ, SSI -23,9 tỷ, CII -23,1 tỷ. Phía mua chỉ có PDR +63,2 tỷ, DXG +20,8 tỷ, CTG +20,5 tỷ đồng là đáng kể.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate