Khép lại một tuần giao dịch sốc của VIC khi giá giảm trọn 5 ngày tương đương 15,8% giá trị. Đây là tuần giao dịch hiếm có trong lịch sử của mã này, giá đóng cửa còn 81.700 đồng, tương đương mức giá từ tháng 10/2020.
Tính theo đơn vị tuần, mức giảm nói trên là lớn nhất kể từ giữa tháng 9/2011, tức là đã gần một thập kỷ. Trong 5 năm gần đây, tuần giảm mạnh nhất của cổ phiếu này chỉ có 4 tuần mức giảm giá trên 10%. Mức giảm sâu nhất trước tuần này là -13% cuối tháng 5/2018.
Cũng theo tuần, VIC thiết lập kỷ lục lịch sử về thanh khoản khớp lệnh, đạt 43,2 triệu cổ phiếu. Mức thanh khoản và tốc độ giảm giá cực mạnh này cho thấy nhu cầu thoát khỏi VIC gia tăng đột biến.
Hôm nay VIC vẫn không giảm giá sâu hơn mức thấp nhất ngày hôm qua, đóng cửa tại 81.700 đồng, giảm 2,74% so với tham chiếu. Thanh khoản giảm 29% so với phiên trước, đạt gần 7,85 triệu cổ phiếu tương đương 644,4 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài bán 3,61 triệu cổ, chiếm 46% thanh khoản. Mức bán ròng đạt 268,6 tỷ đồng.
VIC đóng cửa ở giá thấp nhất ngày khiến VN-Index mất đi 2,1 điểm. Sức ép giảm giá tại VIC là lớn nhất trong số các blue-chips. Tuy vậy cũng có thêm VCB đột ngột bị ép mạnh trong đợt ATC, giảm 1,42% so với tham chiếu. Trước đó cuối đợt khớp lệnh liên tục VCB chỉ giảm 0,55% mà thôi. VCB cũng khiến VN-Index mất hơn 1,5 nữa.
Như vậy trong tổng mức giảm 5,08 điểm của VN-Index, VCB và VIC ảnh hưởng là chủ đạo. VN30 tích cực hơn vì còn nhiều cổ phiếu khác có tỷ trọng cao tăng bù. Ví dụ TPB tăng 4%, STB tăng STB tăng 1,58% là những mã có ảnh hưởng khá lớn ở chỉ số này, nhưng lại rất nhỏ trong VN-Index. Nhờ vậy VN30-Index chốt phiên giảm 0,2%, với 12 mã tăng/16 mã giảm.
Rổ blue-chips VN30 có 6 cổ phiếu giảm trên 1%. Ngoài VIC và VCB, là VRE giảm 3,89%, PLX giảm 1,82%, POW giảm 1,35%, BID giảm 1,03%.
Điểm khá tích cực là dưới ảnh hưởng của VIC và VCB, tuy đại đa số thời gian của phiên cuối tuần VN-Index nằm dưới tham chiếu, nhưng độ rộng còn tốt nhờ 211 mã tăng/226 mã giảm. HoSE có 95 mã đóng cửa giảm trên 1% và 92 mã chốt tăng trên 1%. Như vậy trạng thái phân hóa giá vẫn đang diễn ra.
Không có nhóm ngành tăng giá rõ ràng hôm nay, các mã bất động sản khu công nghiệp dường như tốt hơn cả với ITA, KBC, LHG... tuy vậy cũng có nhiều cổ phiếu tăng không đáng kể. Nhóm vật liệu xây dựng hay ngân hàng, chứng khoán cũng tương tự. Do vậy diễn biến thị trường tốt hay xấu phụ thuộc nhiều vào danh mục cụ thể.
Phiên chiều nay thanh khoản đã không thể cải thiện, dẫn tới giao dịch cả phiên rất kém. Hai sàn niêm yết khớp thêm khoảng 7.995 tỷ đồng, chỉ bằng 66,5% so với phiên sáng. Đặc biệt nhóm VN30 giao dịch buổi chiều rất đuối với 3.191 tỷ đồng. Tuy vậy ảnh hưởng tới giá cổ phiếu cũng không tệ, độ rộng của nhóm VN30 vẫn khá cân bằng.
Khối ngoại riêng buổi chiều xả thêm 1,23 triệu VIC nữa và mức ròng khoảng 84 tỷ đồng. Lượng bán buổi chiều chỉ chiếm 39% giao dịch. Như vậy khối này có tín hiệu giảm bán chút ít, chưa kể thanh khoản của VIC cả ngày cũng giảm 29%.
Ngoài VIC, khối ngoại bán ròng khá lớn tại KBC, VND, SSI, NVL, GEX, HDB, DPM, đều trên 30 tỷ đồng. Phía mua ròng lớn nhất là CTG với 35 tỷ, GMD với 31 tỷ và VCB với 25,5 tỷ. Tính chung cả phiên HoSE bị bán ròng 531,7 tỷ đồng, riêng VN30 bị bán ròng 354,1 tỷ đồng.