VNM chính là điểm nhấn trong nhóm blue-chips phiên này và mức tăng 6,17% là mạnh chưa từng có trong suốt 11 tháng qua. Khoảng 9,65 triệu cổ tương đương 762 tỷ đồng cũng là mức thanh khoản kỷ lục trong vòng 6 tháng.
Biến động giá này cũng không hẳn do việc SCIC đăng ký mua 200.000 VNM từ đầu tháng 4 tới. Mới tuần trước, còn có cả loạt phân tích về sức ép tăng giá nguyên liệu và chi phí logistic “ăn mòn” lợi nhuận của VNM. Sự thú vị của thị trường là ở chỗ, chỉ trong 3 phiên vừa qua VNM đã tăng giá 10,2%.
Rất nhiều nhà đầu tư coi VNM là cổ phiếu thất bại, thậm chí còn xuất hiện nhiều câu chuyện “chế” liên quan đến cổ phiếu này. Cũng dễ hiểu là suốt từ đầu 2021 đến nay, giá VNM chỉ có một con đường là giảm. Giá bốc hơi gần 34% trong vòng 15 tháng thì ngay cả những nhà đầu tư trung hạn cũng chán nản. Điểm lợi duy nhất là mức giảm kéo dài và rất mạnh nói trên đã đưa giá VNM về gần hơn ngưỡng “sốc” giai đoạn bùng nổ covid tại Việt Nam vào đầu tháng 4/2020. Có thể lực cầu dài hạn đã quan tâm trở lại với mã này.
Khối ngoại là tín hiệu khá rõ hôm nay, khi quay lại mua gần 2,92 triệu VNM, tương đương 30% tổng giao dịch. Giá trị ròng khoảng 217,3 tỷ đồng, còn vượt cả DGC. Đặc biệt buổi chiều VNM tăng cao hơn phiên sáng khoảng 2,8% cũng có dấu ấn của khối ngoại, khi lượng mua chiếm gần 40% lượng giao dịch buổi chiều.
Do VNM đã giảm quá nhiều nên vốn hóa cũng “teo tóp” và rớt xuống cuối Top 10 của VN-Index. Mức tăng cực mạnh 6,17% hôm nay cũng chỉ đem lại chưa tới 2 điểm cho chỉ số. Tuy vậy mức điểm này đủ bù lại cho GAS giảm 1,63%, MSN giảm 1,25% và HPG giảm 0,88%.
Khá may mắn cho VN-Index là tuy có nhiều trụ đỏ hôm nay, nhưng mức giảm cũng không nhiều. 3 cổ phiếu nói trên là những trụ kém nhất và cả rổ VN30 chỉ có 4 mã rơi hơn 1%, thêm STB giảm 1,71%, PDR giảm 1,32%. Độ rộng chung của rổ này cuối ngày vẫn có ưu thế, khi số tăng là 19 mã tăng/10 mã giảm. Số tăng có 7 mã chốt trên 1%.
Tổng thể nhóm VN30 tuy không thể kéo VN-Index tốt hơn nhưng vẫn đang là những mã duy trì sự ổn định cần thiết cho thị trường. VN30-Index đóng cửa tăng 0,55%, mạnh hơn hẳn mức tăng 0,11% ở chỉ số chính. Mặt khác, trong khi tổng thanh khoản của sàn HoSE giảm tới 28% hôm nay và chính VN30 cũng giảm hơn 19%, nhưng tỷ trọng giao dịch tại rổ này lại tăng lên 30,2%. Nói cách khác, dòng tiền vẫn đang có xu hướng duy trì tốt hơn ở nhóm blue-chips, dù tổng thể là dòng tiền giảm chung trên thị trường.
Đối với nhóm cổ phiếu đầu cơ, xu hướng giảm giá vẫn là chủ đạo, nhất là ở các mã nhỏ. VNSmallcap giảm 1,2% và chỉ có 70 mã tăng/132 mã giảm. 15 cổ phiếu giảm sàn tiếp tục ghi nhận FLC, ROS, HAI, AMD, đồng thời đón thêm JVC, HQC, NVT, MCG, DQC, HAR, CIG... toàn những cổ phiếu có “truyền thống” tăng giá sốc.
Ngoài ra, hàng chục cổ phiếu đầu cơ nhỏ khác bốc hơi 5-6% với thanh khoản khá cao như SMC, QCG, TGG, PTC, QBS, TTB, APG, LDG, HHS, DLG, TSC...
Cả nhóm Midcap lẫn Smallcap hôm nay giảm thanh khoản tới hơn một phần ba so với hôm qua. Vẫn còn sớm để nói rằng dòng tiền bắt đầu xa lánh nhóm này vì tổng thể thị trường cũng giảm mạnh thanh khoản. Tuy vậy diễn biến giá ở các mã nhỏ nhìn chung là xấu, biên độ giảm sâu thì dù thanh khoản cao hay thấp cũng cho thấy sức mua có phần giảm sút.