November 09, 2021 | 12:06 GMT+7

Cở sở ăn uống TP.HCM kinh doanh cầm chừng, đợi điều chỉnh của thành phố

Lưu Hà -

Sau 2 tuần TP.HCM cho phép hàng quán mở cửa bán tại chỗ, tình hình kinh doanh tại các cơ sở ăn uống vẫn ảm đạm. Thậm chí, nhiều nơi chưa mở cửa hoặc thông báo sang nhượng cửa hàng…

Hiện TP.HCM cho phép dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ chỉ được tối đa 50% công suất và mở bán đến 21 giờ hàng ngày, không bán bia, rượu (trừ quận 7 và TP. Thủ Đức) cùng nhiều điện kiện khác… Sau một, hai ngày đầu mở cửa lại trong không khí tương đối phấn khởi, đến nay thì nhiều hàng quán lại trở nên đau đầu vì bài toán kinh doanh.

THU KHÔNG ĐỦ BÙ CHI

Dạo quanh đường phố TP.HCM những ngày này có thể thấy, nhiều chi nhánh thuộc các chuỗi F&B đình đám như: Highlands Coffee, Phúc Long Coffee & Tea, Kichi Kichi, Hokkaido, Lotteria... đã trở lại đường đua sau thời gian dài đóng cửa. Cửa hàng Phúc Long Coffee & Tea (đường Phan Xích Long, Q.Bình Thạnh) khá thưa khách, mỗi bàn thường có 1 - 2 người ngồi để đảm bảo giãn cách. Đa phần là khách vào mua đồ uống mang đi, họ thanh toán bằng cách đặt tiền vào khay nhựa được treo trên ròng rọc để chuyển vào cho nhân viên, nhằm giảm thiểu tiếp xúc gần.

Theo ghi nhận, hiện số lượng hàng quán ăn uống mở cửa trở lại ở TP.HCM và TP. Thủ Đức đã đông hơn trước. Tuy nhiên vẫn còn nhiều quán nhậu vừa mở cửa phục vụ khách trở lại vừa tiếp tục bán rau củ, trái cây để cầm cự. “Nhà hàng của tôi phục vụ khách bữa được bữa mất. Nhiều khi 20h khách mới tới, mình không dám nhận vì 21h quán phải đóng cửa. Giờ chỉ mong thu đủ bù chi chứ còn lời lãi chưa dám tính tới", anh Tùng, chủ một nhà hàng trên đường Lê Qúy Đôn (quận 3) cho hay.

Phố ẩm thực Vĩnh Khánh, phường 8 (quận 4) trước dịch hết sức sôi động, nay chỉ lèo tèo vài quán dọn ra với các món khoái khẩu cho dân nhậu. Tại phố ẩm thực đường 10 (phường 13, quận 6) lúc chưa có dịch có đến hơn 200 quán ăn, nhà hàng, khách ngồi không trống bàn nào. Hiện giờ, chỉ vài nhà hàng mở bán tại chỗ, hơn chục nhà hàng khác vẫn duy trì bán online.

Tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cả nhân viên và khách hàng đều nỗ lực  giữ khoảng cách 5K, giảm thiểu tiếp xúc gần...
Tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cả nhân viên và khách hàng đều nỗ lực  giữ khoảng cách 5K, giảm thiểu tiếp xúc gần...

Tại Làng Ốc (Dương Bá Trạc, phường 1, quận 8), từ ngày 28/10 đã có nhiều quán ăn mở ra nhưng rất ít thực khách ngồi tại chỗ do quy định không được uống rượu bia tại bàn. Thậm chí có những nhóm khách khi đến nơi và hay tin các quán ăn ở khu vực này chưa được phép bán bia rượu, đã quyết định chạy xe sang một quán quen khác ở quận 7. “Ăn mấy món này hiếm ai uống nước ngọt, thường thì người nào cũng phải một vài chai bia,” chủ một quán ăn tại đây chia sẻ.

Vì dịch bệnh còn phức tạp cộng với việc nhập nguyên liệu khó khăn, anh Phát, chủ một nhà hàng trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3) đã cắt bớt nhiều món trong menu và giảm số bàn trong quán xuống còn phân nửa thay vì 60 - 70 bàn như trước đây. Ngoài ra, giá cả và số lượng nhân viên cũng được điều chỉnh để phù hợp với tình hình hiện tại. “Giờ chỉ có một vài nhóm khách nam giới tới quán thôi, hiếm khi thấy phụ nữ, trẻ em, người già. Dịch bệnh vẫn còn mà, khách hàng cũng e ngại," anh Phát chia sẻ.

 
Trước đó, từ ngày 28/10, UBND TP.HCM cho phép các cơ sở kinh doanh ăn uống được phục vụ tại chỗ, kết thúc trước 21 giờ hằng ngày, công suất tối đa 50% và không bán, không để khách sử dụng đồ uống có cồn. Riêng Q.7 và TP.Thủ Đức được phép thí điểm kinh doanh đồ uống có cồn ở một số địa bàn, thời gian thí điểm đến hết ngày 15/11. 

Khảo sát tại nhiều tuyến phố khác từng được mệnh danh là "thiên đường ẩm thực" ở TP.HCM, tình hình mua bán kém sôi động, nhiều quán vẫn còn nghỉ bán. Có quán hôm trước bày bàn ghế ra cho khách ăn tại chỗ, hôm sau lại xếp vào, tiếp tục "chỉ bán mang đi". Để thích ứng với tình hình mới, một số nhà hàng, quán cà phê đã chọn giải pháp chuyển địa điểm kinh doanh từ mặt tiền vào trong hẻm, nơi có giá thuê mặt bằng rẻ hơn.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết hoạt động kinh doanh ăn uống đóng góp lớn vào nhóm ngành bán lẻ của thành phố, do đó Sở Công thương đã phối hợp với Sở Y tế, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tham mưu UBND TP.HCM giải pháp phát triển.

“Hoạt động kinh doanh ăn uống tại chỗ chưa sôi động không hẳn là do quy định thời gian kinh doanh chỉ đến 21 giờ bởi vì hoạt động này còn liên quan đến nhu cầu, tâm lý của khách hàng. Nếu khách hàng còn e ngại, chưa muốn ra đường thì hoạt động ăn uống tại chỗ vẫn rất khó khăn,” ông Phương nhận định, đồng thời cho biết Sở Công thương sẽ đánh giá các yếu tố dịch tễ để tham mưu giải pháp phù hợp, hỗ trợ cơ sở kinh doanh ăn uống trong thời gian tới.

TP.HCM ĐANG ĐÁNH GIÁ LẠI VIỆC ĂN UỐNG TẠI CHỖ?

Bên lề kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sáng 8/11, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết ông nhận được nhiều ý kiến cho rằng khi tình hình dịch đang tăng lên mà thành phố lại cho mở ra nhiều dịch vụ.

Theo đánh giá cấp độ dịch mới nhất vừa được Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM công bố, thành phố vẫn ở cấp độ 2 là vùng vàng, nguy cơ trung bình. Tuy nhiên, huyện Cần Giờ và huyện Nhà Bè đã nâng cấp độ dịch từ 2 lên 3 là vùng cam, nguy cơ cao. Đáng chú ý, tuần qua số ca mắc Covid-19 tại TP.HCM cũng có xu hướng tăng. Huyện Hóc Môn trở thành địa bàn nóng khi phát sinh 25 ổ dịch trong vòng 2 tuần liên tiếp và số ca F0 có chiều hướng tăng cao.

Nếu khách hàng còn e ngại, chưa muốn ra đường thì hoạt động ăn uống tại chỗ vẫn rất khó khăn.
Nếu khách hàng còn e ngại, chưa muốn ra đường thì hoạt động ăn uống tại chỗ vẫn rất khó khăn.

"Thật ra, quan điểm sống thích ứng với dịch vẫn chưa thực sự hoàn thiện. Băn khoăn về việc không an toàn là chính đáng. Để đảm bảo kiểm soát được dịch thì phải mở từ từ, chúng ta sẽ không có bình thường như ngày xưa mà sẽ là bình thường mới," ông Mãi nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết hiện có nhiều ý kiến cho rằng thành phố không nên cho ăn uống tại chỗ và thậm chí "phản đối ghê gớm" việc thí điểm bán rượu bia. Hiện TP.HCM đang trong quá trình đánh giá ưu, nhược của từng giải pháp này. Theo đánh giá ban đầu, quận 7 ghi nhận không phát sinh nhiều ca dương tính từ khi thí điểm, nhưng thành phố đang tiếp tục rà soát đến ngày 15/11.

Theo ông Phan Văn Mãi, không có giải pháp hoàn hảo mà chỉ có giải pháp tốt hơn. Việc gì cũng có nhiều góc nhìn và ý kiến khác nhau. Ở góc độ mong muốn tốt cho TP.HCM thì chúng ta tiếp thu xem cái nào tốt hơn. Ông nói thêm TP HCM đang cân nhắc, dự kiến đến ngày 15/11 sẽ chính thức có một vài điều chỉnh trên tinh thần gần hơn với Nghị quyết 128. Cụ thể, tùy theo hoạt động, với cấp độ 1 có thể hoạt động 100%; cấp độ 2 hoạt động 75%; cấp độ 3 là 50%; và cấp độ 4 còn 25% hoặc phải tạm ngưng…

Bên cạnh thực thi Nghị quyết 128, TP.HCM còn đang thực hiện một số quy định của Chỉ thị 18 và các bộ tiêu chí theo lĩnh vực.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate