Ngày 22/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu phiên họp thứ 49 với việc thảo luận, cho ý kiến về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2005.
Phiên họp cũng thảo luận việc thành lập thêm một số đơn vị kiểm toán Nhà nước khu vực và giao chỉ tiêu biên chế năm 2007 cho Kiểm toán Nhà nước và thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Với một chương trình kiểm toán trải ra nhiều lĩnh vực, đơn vị và nhiệm vụ cũng nặng hơn, bước sang năm 2007, Tổng kiểm toán Nhà nước Vương Đình Huệ đã đánh giá rằng Kiểm toán Nhà nước gặp thách thức lớn. Trong bối cảnh các văn bản hướng dẫn vẫn đang trong giai đoạn hoàn chỉnh, lực lượng cán bộ, kiểm toán viên thiếu so với yêu cầu, Kiểm toán Nhà nước đã có Tờ trình đề nghị tăng cường thêm bộ máy và lực lượng để đảm bảo kế hoạch kiểm toán 114 đầu mối kiểm toán, tăng 10% so với năm trước.
Trong đó, đặc biệt là việc bổ sung để tiến hành kiểm toán đối với 29 tỉnh có quy mô ngân sách Nhà nước lớn, 17 bộ, ngành, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng có sử dụng vốn ODA, WB và một số dự án trọng điểm chuyên ngành.
Ngoài ra là các lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tài chính - ngân hàng với việc "vào" các tổng công ty Nhà nước mà sản phẩm Nhà nước còn quy định về giá, như Tổng công ty Xi măng Việt Nam, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam cũng như kế hoạch kiểm toán tài chính hàng năm của Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Chính sách xã hội, báo cáo tài chính của một số ngân hàng thương mại.
Hiện cơ cấu Kiểm toán Nhà nước mới bao gồm 6 đơn vị tham mưu thuộc bộ máy điều hành, 7 Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành và 5 Kiểm toán Nhà nước khu vực. Với lực lượng như vậy, mỗi đơn vị khu vực đang phải đảm nhiệm từ 6-8 tỉnh, thành phố, đặc biệt Kiểm toán Nhà nước khu vực phía Bắc chịu trách nhiệm kiểm toán tới 26 tỉnh, thành.
Tình trạng này dẫn đến trung bình hàng năm Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán được 40-50% báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước địa phương. Trong mỗi báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương cũng chỉ kiểm toán được khoảng 30-40% số huyện, mỗi huyện chỉ 2-3 xã.
Ngoài ra, còn nhiều đối tượng kiểm toán là các dự án đầu tư, các tổ chức kinh tế của Nhà nước, tổ chức kinh tế - xã hội có sử dụng ngân sách chưa được kiểm toán.
Theo tờ trình, để đảm bảo kế hoạch hoạt động, cơ quan có thẩm quyền cần cho phép thành lập thêm 4 Kiểm toán Nhà nước khu vực. Dự kiến 1 Kiểm toán Nhà nước khu vực đặt tại Hạ Long (Quảng Ninh) đảm nhiệm các tỉnh phía Đông Bắc, 1 ở Yên Bái đảm nhiệm các tỉnh Tây Bắc, 1 ở Nha Trang đảm nhiệm các tỉnh ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên, 1 tại Mỹ Tho (Tiền Giang) đảm nhiệm một số tỉnh Tây Nam bộ. Ngoài ra, cần tăng cường thêm khoảng hơn 100 biên chế cho lực lượng kiểm toán chuyên ngành.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate