Theo các nhà điều tra trong lĩnh vực hàng không và kinh nghiệm từ những vụ máy bay rơi xuống biển suốt 4 thập niên qua, nếu chuyến bay MH370 đâm xuống biển, thì gần như chắc chắn các nhà tìm kiếm sẽ tìm thấy và xác định được nguyên nhân gây thảm họa.
Theo hãng tin Bloomberg, báo cáo về các vụ tai nạn máy bay từ năm 1970 đến nay cho thấy, những chiếc máy bay mất tích tưởng như không để lại dấu vết và rơi xuống đáy biển sâu nhiều dặm đều đã được tìm thấy bằng các loại tàu ngầm điều khiển từ xa. Trong các vụ tai nạn thảm khốc đó, các nhà điều tra cũng thu thập đủ chứng cứ để xác định nguyên nhân khiến máy bay rơi.
Mang theo 239 người, chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines đã mất liên lạc hoàn toàn với kiểm soát không lưu khi đang trên đường từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh hôm 8/3. Đến sáng 10/3, sau hơn hai ngày xảy ra vụ việc, vẫn chưa thể xác định cụ thể dấu vết nào của chiếc máy bay mất tích.
Theo ông John Fish, Phó chủ tịch của công ty nghiên cứu American Underwater Search and Survey, vịnh Thái Lan hiếm chỗ nào có độ sâu quá 50 mét và đáy của vịnh này có xu hướng bằng phẳng. Bởi thế, trong trường hợp máy bay rơi xuống đây, thì sẽ không khó để xác định vị trí và trục vớt.
Ông Fish đã tham gia những nỗ lực tìm kiếm và trục vớt máy bay trong một số tai nạn, bao gồm vụ chuyến bay 800 của hãng Trans World Airlines rơi xuống New York hồi năm 1996.
Ông nói, hộp đen của máy bay phát ra âm thanh trong vòng ít nhất 30 ngày sau khi
bị chìm dưới nước, và nhờ đó giúp xác định vị trí của hộp đen. Cho dù không phát hiện thấy âm thanh của hộp đen, công nghệ dưới nước hiện nay - với khả năng vẽ bản đồ đáy đại dương bằng hệ thống định vị siêu âm - có thể hoạt động ở những khu vực sâu nhất được biết đến.
Một ví dụ là sau gần hai năm nỗ lực, đội tìm tìm kiếm dẫn đầu bởi Viện Woods Hole Oceanographic có trụ sở ở bang Massachusetts, Mỹ đã xác định được vị trí của chiếc máy bay đi chuyến 447 của hãng AirFrance bị rơi hôm 1/6/2009 xuống Đại Tây Dương ngoài khơi bờ biển Brazil. Chiếc máy bay bị rơi nằm ở độ sâu khoảng 3,2 km tại một khu vực dãy núi dốc đứng dưới đáy biển, nơi các nhà tìm kiếm không thể phát hiện thấy âm thanh phát ra từ chiếc hộp đen.
“Công nghệ đã phát triển rất nhiều trong mấy năm qua”, ông Thomas Haueter, cựu giám đốc điều tra thuộc NTSB, phát biểu. “Những gì mà người Pháp làm được thực sự là điều không thể tin được, xét tới độ sâu của khu vực mà chiếc máy bay gặp nạn nằm”.
Các chuyên gia đều nói rằng, từ thập niên 1970 đến nay, chưa có vụ máy bay rơi xuống biển nào chưa được giải quyết. Trong một vài trường hợp, dữ liệu hộp đen hoặc ghi âm không thể hồi phục do máy bay bị nổ giữa không trung, các điều tra viên vẫn thu thập đầy đủ được thông tin từ các nguồn khác để xác định điều gì đã xảy ra.
Trong vụ máy bay chở hàng Boeing 747 của hãng Asiana Airlines rơi xuống biển Hoa Đông hôm 28/7/2011, các băng ghi âm không được tìm thấy. Tuy nhiên, hai phi công trên chuyến bay này, đã thông báo có lửa trên máy bay, trước khi chiếc máy bay biến mất.
Còn trong vụ máy bay Boeing 747 của hãng Air India rơi xuống biển Ireland năm 1985, các nhà điều tra đã trục vớt các mảnh vỡ và xác định chiếc máy bay bị đánh bom. Trong vụ tai nạn này, có 329 người thiệt mạng, đánh dấu vụ khủng bố tồi tệ nhất liên quan tới ngành hàng không trước vụ 11/9/2001.
Sau vụ máy bay Boeing 747 của hãng bay Đài Loan China Airlines rơi xuống eo biển Đài Loan hôm 25/5/2002, các nhà điều tra tìm thấy mảnh vỡ cho thấy, phần đuôi của máy bay đã bị hỏng và không được sửa chữa phù hợp, dẫn tới bị vỡ. Trong vụ tai nạn này, có 225 người bay từ Đài Bắc sang Hồng Kông thiệt mạng.
Theo các chuyên gia, một khi chiếc máy bay mất tích của Malaysia được tìm thấy, các băng ghi âm từ buồng lái và các thiết bị của máy bay, cùng với các chứng cứ vật lý khác, sẽ giúp vén màn nguyên nhân xảy ra tai nạn, cho dù đó là khủng bố, lỗi phi công, sự cố cơ khí hay vấn đề khác.
“Tôi thực sự tin tưởng họ sẽ tìm thấy chiếc máy bay và tìm ra được bằng chứng để xác định điều gì đã xảy ra”, ông John Cox, một chuyên gia nói đến từ công ty Safety Operating Systems ở Washington, Mỹ, phát biểu.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate