Hiện Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng Nghị định quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy phép cho đơn vị kinh doanh vận tải và phương tiện hoạt động vận chuyển đường bộ qua biên giới.
14 ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ ĐƯỢC KÝ KẾT
Thời gian qua, 14 điều ước quốc tế được ký kết và thực hiện đã tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi, để các doanh nghiệp vận tải của Việt Nam và các nước ký kết thực hiện hoạt động vận tải qua biên giới.
Theo đó, không cần sang chuyển hành khách, hàng hóa sang phương tiện của nước sở tại, giảm bớt các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian đi lại và vận chuyển, tăng cường năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp vận tải.
Từ năm 1994 đến nay, Việt Nam đã ký kết và thực hiện 14 điều ước quốc tế song phương, đa phương về vận tải đường bộ qua biên giới với các các nước láng giềng, khu vực như Lào, Campuchia, Trung Quốc, các nước tiểu vùng sông Mekong mở rộng và ASEAN.
Từ đó, góp phần đẩy mạnh các hoạt động giao lưu hợp tác và tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để triển khai thực hiện các hiệp định và nghị định thư về vận tải đường bộ song phương với Lào, Campuchia, Trung Quốc cũng như hiệp định, thỏa thuận hợp tác đa phương giữa ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Việt Nam với các nước tiểu vùng sông Mekong mở rộng, trong thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành và bổ sung, sửa đổi các Thông tư hướng dẫn thực hiện các điều ước quốc tế này.
Tuy nhiên, "đến nay, việc quy định các thủ tục hành chính trong Thông tư do Bộ trưởng ban hành đã không còn phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015", ban soạn thảo cho hay.
Việc ban hành Nghị định nhằm triển khai có hiệu quả các Hiệp định, Nghị định thư, Bản ghi nhớ về vận tải đường bộ qua biên giới mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
BÃI BỎ NHIỀU QUY ĐỊNH, GIẤY PHÉP
Bộ Giao thông vận tải cho biết, so với các quy định hiện hành, dự thảo Nghị định chỉ đề xuất bổ sung thêm quy định về trình tự thủ tục cấp phép theo quy định của các Hiệp định khung ASEAN về vận tải qua biên giới tại chương 2, do hiện nay chưa có quy định hướng dẫn cụ thể.
Nội dung bổ sung về cơ bản bám sát quy định tại các Hiệp định khung ASEAN với thành phần hồ sơ, trình tự, thủ tục được đơn giản hóa tương tự như các thủ tục xin cấp phép tại các Thông tư về vận tải đường bộ qua biên giới đang có hiệu lực.
Theo dự thảo, đơn vị kinh doanh vận tải nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế ASEAN đến cơ quan cấp phép, là Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đảm bảo công tác điều phối, tránh xáo trộn và tính đối đẳng về cơ quan cấp phép với các nước đối tác.
Nghị định bãi bỏ một số giấy tờ như Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba.
Nghị định cũng ban hành các mẫu đơn, giấy phép cụ thể đối với từng bước trình tự, thủ tục theo từng điều ước quốc tế về vận tải qua biên giới tại phụ lục đính kèm. Bãi bỏ quy định về thời hạn hiệu lực 05 năm đối với Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế cấp cho đơn vị kinh doanh vận tải như quy định hiện hành.
Ngoài ra, Nghị định cũng hướng đến nâng cao ý thức trách nhiệm tuân thủ các quy định pháp luật của đơn vị kinh doanh vận tải trong việc khai thác các tuyến vận tải, tránh tình trạng đăng ký khai thác tuyến để “giữ chỗ” nhưng không hoặc chậm trễ thực hiện hoạt động khai thác.
Theo đó, Nghị định bổ sung quy định về thời gian đơn vị được cấp phép lại đối với đơn vị kinh doanh vận tải là 01 năm, đối với phương tiện sau khi bị thu hồi giấy phép do vi phạm là 06 tháng.