Theo quy định tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, trong thời hạn 3 tháng kể từ khi hệ thống đăng ký, lưu ký, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chính thức vận hành, trái phiếu phát hành theo nghị định này và Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và còn dư nợ phải thực hiện đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch.
Tuy nhiên, chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), cho biết tính đến thời điểm hiện nay mới có 35 trái phiếu của 7 doanh nghiệp đăng ký giao dịch, với khối lượng chỉ đạt khoảng 5% tổng giá trị trái phiếu bắt buộc đăng ký trên thị trường.
NHIỀU BẤT ỔN, QUY MÔ THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU CHỈ TƯƠNG ĐƯƠNG 10% GDP
Như vậy, số lượng mã trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ với giá trị rất lớn sẽ "đổ bộ" trong 1 tháng tới đây và dồn vào thời điểm cuối của thời hạn 3 tháng. Điều này sẽ gây áp lực lớn lên Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD) trong việc đăng ký lần đầu các mã trái phiếu riêng lẻ.
Nhằm phổ biến, hỗ trợ và tháo gỡ những vướng mắc cho các tổ chức phát hành và tổ chức trung gian trên thị trường trong việc đưa trái phiếu doanh nghiệp lên thị trường tập trung, chiều ngày 15/9, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) phối hợp với VSD tổ chức Hội nghị phổ biến quy định về đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Tại hội nghị, lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước và các thành viên thị trường cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp để tiếp tục khơi thông kênh dẫn vốn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Phác hoạ lại bức tranh thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, đại diện Bộ Tài chính cho biết trong những năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong giai đoạn từ năm 2017 - 2022.
"Có những thời điểm, quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ ở mức 15% GDP, còn thời điểm hiện nay, quy mô của thị trường chỉ khoảng 10% GDP", ông Dương cho biết.
Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, thời gian vừa qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển phù hợp với định hướng của Chính phủ trong việc phát triển cân bằng giữa thị trường vốn, thị trường trái phiếu với kênh tín dụng ngân hàng, từ đó, từng bước giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào tín dụng ngân hàng; đồng thời, tạo điều kiện cho công cuộc tái cơ cấu của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, quá trình phát triển nhanh của thị trường bộc lộ một số rủi ro.
Thứ nhất, có tình trạng doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật doanh nghiệp và sự thiếu hiểu biết của nhà đầu tư để tăng vốn ảo, sau đó, phát hành trái phiếu doanh nghiệp huy động vốn.
Thứ hai, các doanh nghiệp chưa quản lý tốt việc sử dụng vốn huy động từ trái phiếu. Nhiều doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức độ lớn và có nhiều trường hợp vi phạm pháp luật trong việc phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.
Thứ ba, tính tuân thủ đạo đức, nghề nghiệp cũng như pháp luật của các tổ chức cung cấp dịch vụ chưa cao.
Theo đó, “có hiện tượng lôi kéo những người gửi tiền tiết kiệm ngân hàng chuyển sang mua trái phiếu, trong khi không cung cấp đầy đủ các thông tin để người gửi tiền, nhà đầu tư nắm được thông tin về tình hình tài chính, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Dương nêu rõ những bất ổn xảy ra thời gian qua.
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị sử dụng những chiêu dụ dỗ, sử dụng những thuật ngữ lập lờ như: trái phiếu doanh nghiệp tiết kiệm linh hoạt, gửi tiết kiệm linh hoạt trái phiếu doanh nghiệp... Do đó, Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thời gian qua nhận được nhiều đơn thư phản ánh của nhà đầu tư, người dân.
Điểm thứ tư đáng lo ngại là chất lượng của nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư cá nhân.
Thời gian qua, chính sách được sửa đổi thường xuyên, Bộ Tài chính cũng tích cực trong công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật, kể cả cảnh báo những rủi ro hoặc tổ chức những chương trình phổ biến kiến thức giúp các nhà đầu tư tăng cường tính hiểu biết, phòng ngừa những rủi ro có thể xảy ra.
Tuy nhiên, “có những nhà đầu tư chỉ quan tâm đến lãi suất của sản phẩm đầu tư tài chính trên thị trường tài chính mà quên đi hoặc không tìm hiểu kỹ, đánh giá kỹ những rủi ro có thể xảy ra trên thị trường”, đại diện Bộ Tài chính thẳng thắn chỉ rõ.
Thậm chí, Nghị định 153 thu hẹp phạm vi nhà đầu tư với kênh trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, chỉ cho phép những nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhưng vẫn phát sinh những hiện tượng nhà đầu tư không đủ chất lượng vẫn mua trái phiếu, gây phát sinh khiếu nại, khiếu kiện.
NHIỀU NỖ LỰC NẮN CHỈNH, HỒI SINH THỊ TRƯỜNG
Bên cạnh đó, bồi thêm những bất ổn, rủi ro do dịch bệnh kéo dài, chiến tranh phức tạp, khiến khả năng chống đỡ của doanh nghiệp suy giảm, bức tranh hoạt động sản xuất kinh doanh "xám màu" không hẳn do nội tại yếu kém.
Thêm vào đó, những vụ việc rúng động thị trường xảy ra dẫn đến căng thẳng thanh khoản trên thị trường tín dụng, thị trường tài chính. Trong bối cảnh đó, xuất hiện nhiều doanh nghiệp chậm trả lãi, chậm thực hiện nghĩa vụ với nhà đầu tư; đồng thời, gây ảnh hưởng đến việc huy động vốn của doanh nghiệp cũng như sự tin tưởng của nhà đầu tư.
Vì vậy, Bộ Tài chính và các cấp có thẩm quyền cấp bách triển khai những giải pháp bình ổn thị trường và tăng cường tính công khai, minh bạch của thị trường thông qua việc ban hành Nghị định số 65 với các quy định về tăng cường công bố thông tin của doanh nghiệp, tăng cường chất lượng các tổ chức cung cấp dịch vụ và yêu cầu với nhà đầu tư.
Hiện tại, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 30/2023/TT-BTC hướng dẫn việc giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 là nền tảng pháp lý hướng dẫn các chủ thể trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ dành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp chính thức vận hành ngày 19/7/2023.
Theo quy định của Nghị định số 65, trong vòng 3 tháng kể từ khi hệ thống đăng ký, lưu ký, giao dịch trái phiếu chính thức vận hành, các trái phiếu đã phát hành và phát hành mới phải thực hiện theo quy định của nghị định, nghĩa là phải đưa lên thị trường để đăng ký, lưu ký và giao dịch.
Theo ghi nhận của đại diện Bộ Tài chính, thị trường vận hành khá tốt, có tính thanh khoản. Tuy nhiên, thành viên tham gia thị trường cần lưu ý, mọi giao dịch sẽ lưu dấu vết, phục vụ cơ quan quản lý cơ quan quản lý hậu kiểm sau này, theo dõi việc bán trái phiếu đúng nhà đầu tư hay không.
Cơ quan quản lý sẽ tiếp tục tháo gỡ vướng mắc giai đoạn vừa qua để các thành viên thị trường đưa trái phiếu lên sàn thuận lợi theo quy định.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu đến hạn lớn trong năm 2022 - 2023 và thường xuyên có các văn bản đôn đốc, yêu cầu các doanh nghiệp phải bố trí, cân đối các nguồn lực tài chính để thanh toán bằng được nghĩa vụ trái phiếu với nhà đầu tư.
"Bộ Tài chính cũng phối hợp với Bộ Công an để đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ việc vi phạm để sớm có phương án xử lý thanh toán tiền cho nhà đầu tư”, ông Dương khẳng định.
Bộ Tài chính cũng tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhằm cảnh báo và cung cấp các thông tin chính thống để nhà đầu tư khôi phục lại niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường, đặc biệt với những doanh nghiệp hoạt động tốt, có phương án sản xuất kinh doanh tốt.
Đồng thời, phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Công an để tăng cường kiểm soát xử lý việc đưa các thông tin không chính thống ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của thị trường.
"Cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ nỗ lực hết mình để tiếp tục khắc phục những rủi ro, nghiên cứu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để ứng phó với những vấn đề phát sinh trong thời gian qua, chấn chỉnh đối tượng trên thị trường không tuân thủ quy định của pháp luật, để tăng cường công tác quản lý giám sát, đảm bảo tính minh bạch của thị trường", ông Dương nhấn mạnh.
Những giải pháp quan trọng sẽ tiếp tục được bàn thảo để ổn định môi trường kinh tế quy mô, kiểm soát lạm phát để duy trì động lực phát triển kinh tế, tiếp tục tháo gỡ khó khăn trên các thị trường.