May 15, 2023 | 16:07 GMT+7

Còn đọng 65.000 tỷ vốn đầu tư công chưa phân bổ, nhiều đơn vị mới giao khoảng 10% vốn ngân sách trung ương

Ánh Tuyết -

Theo Bộ Tài chính, tính đến cuối tháng 4, vẫn còn 25/50 bộ, cơ quan trung ương và 45/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 65.483,9 tỷ đồng, chiếm 9,26% kế hoạch...

Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ vốn ngân sách trung ương khá cao, từ 70-90% như: Bộ Thông tin và truyền thông mới phân bổ 11,52%; Hưng Yên 19,25%...
Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ vốn ngân sách trung ương khá cao, từ 70-90% như: Bộ Thông tin và truyền thông mới phân bổ 11,52%; Hưng Yên 19,25%...

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy đến cuối tháng 4/2023, trong số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã gửi báo cáo phân bổ kế hoạch vốn năm 2023, có 25/50 bộ, cơ quan trung ương và 45/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Cụ thể, theo Bộ Tài chính, tổng số vốn đầu tư công được phân bổ là 689.084,8 tỷ đồng, đạt 97,46% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao (707.044.2 tỷ đồng). Trong đó, các địa phương giao tăng so với số kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 47.524,5 tỷ đồng.

 

Nếu không tính số kế hoạch vốn cân ngân sách địa phương các địa phương giao tăng kể trên thì tổng số vốn đã phân bổ là 641.560,3 tỷ đồng, đạt 90,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao. Như vậy, tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 65.483,9 tỷ đồng, chiếm 9,26% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Đề cập đến nguyên nhân tính hết tháng 4 mà hơn 65.000 tỷ đồng vốn đầu tư công vẫn chưa được phân bổ hết, Bộ Tài chính cho hay thứ nhất, đối với nguồn vốn ngân sách trung ương, không bao gồm vốn chương trình mục tiêu quốc gia, trong số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã gửi báo cáo phân bổ kế hoạch vốn năm 2023, có 25/50 bộ, cơ quan trung ương và 34/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn ngân sách trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Đáng lưu ý, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ vốn chưa phân bổ khá cao như: Bộ Thông tin và truyền thông (88,48%), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (87,94%), Bộ Tài chính (86,58%), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (85,88%), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (86,21%), Hưng Yên (80,75%), Tuyên Quang (71,49%)...

Còn đọng 65.000 tỷ vốn đầu tư công chưa phân bổ, nhiều đơn vị mới giao khoảng 10% vốn ngân sách trung ương - Ảnh 1

Bộ Tài chính cho biết vốn trong nước chủ yếu là các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư nên chưa đủ điều kiện đề giao chi tiết vốn năm 2023; một số dự án thuộc chương trình mới được Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết kế hoạch vốn tại Quyết định số 202/QĐ-TTg ngày 8/3/2023 nên hiện nay đang được các bộ, địa phương hoàn thiện các thủ tục để triển khai giao kế hoạch vốn năm 2023.

Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam cũng đề nghị hoàn trả ngân sách do không có nhu cầu sử dụng nên phần vốn này chưa phân bổ.

Ngoài ra, còn một số dự án của địa phương chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, thủ tục điều chỉnh dự án như: cao tốc Cao Bằng - Lạng Sơn; đường Vành đai 4 vùng Thủ đô (Bắc Ninh, Hưng Yên); Kè đầm Cù Mông (tỉnh Phú Yên); cầu Văn Ly và đường dẫn (tỉnh Quảng Nam)...

Cũng theo Bộ Tài chính, vốn nước ngoài chưa phân bổ hết do chưa hoàn thành thủ tục ký hiệp định vay như tại tỉnh Quảng Trị, Phú Yên; hay có dự án tại tỉnh Đắk Nông chưa được ký thỏa thuận vay với nhà tài trợ, đang lấy ý kiến nhà tài trợ hoàn thiện thủ tục sử dụng vốn dư; hoặc có địa phương đề nghị hoàn trả ngân sách trung ương do tỉnh đánh giá khả năng không giải ngân hết như: Quảng Ninh.

Thứ hai, đối với nguồn vốn cân ngân sách địa phương, theo Bộ Tài chính, có 43/63 địa phương giao kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương tăng so với Thủ tướng Chính phủ giao từ nguồn thu sử dụng đất, nguồn tăng thu, nguồn xổ số kiến thiết của địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn 13/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương.

"Nguyên nhân là một số dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, chưa đủ điều kiện để giao chi tiết phân bổ phụ thuộc nguồn thu của ngân sách địa phương; chưa phân bổ hết vốn đầu tư từ nguồn sử dụng đất, bội chi ngân sách địa phương", Bộ Tài chính thông tin.

Thứ ba, đối với vốn kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia, đến thời điểm báo cáo, Bộ Tài chính nhận được báo cáo phân bổ kế hoạch vốn của 44/48 địa phương, trong đó, có 14/44 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn.

Trong số các địa phương Bộ Tài chính nhận được báo cáo phân bổ, có 20/44 địa phương đã phân bổ vốn chi tiết đến danh mục dự án.

Trong đó, 14 địa phương đã phân bổ hết kế hoạch vốn gồm: Cao Bằng, Điện Biên, Lạng Sơn, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Kon Tum, Bến Tre, Hậu Giang, Vĩnh Long; còn lại 6 địa phương chưa phân bố hết vốn gồm Tuyên Quang, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Sóc Trăng, Kiên Giang.

Còn lại 24/44 địa phương chưa phân bổ vốn chi tiết đến danh mục dự án, bao gồm: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Thái Bình, Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Phú Yên, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, An Giang, Cà Mau.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate