February 12, 2024 | 08:46 GMT+7

“Cơn khát” lao động nhập cư của Nhật Bản sẽ không dừng ở con số kỷ lục 2 triệu người

An Huy -

Những thách thức nhân khẩu học của Nhật Bản đang buộc các doanh nghiệp và cộng đồng phải sử dụng lao động nhập cư nhiều chưa từng thấy...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Số lao động nước ngoài làm việc ở Nhật đã đạt kỷ lục 2,04 triệu người, tăng 12,4% trong năm 2022 - theo dữ liệu từ Bộ Lao động nước này - và được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới.

Theo hãng tin Bloomberg, Nhật Bản đang “khát” lao động nhập cư làm những công việc như công nhân dây chuyền lắp ráp, công nhân xây dựng, thu hoạch rau và điều dưỡng viên chăm sóc người cao tuổi.

“Nhật Bản đang bước vào một kỷ nguyên của người nước ngoài nhập cư hàng loạt. Việc điều chỉnh nhỏ giọt sẽ không đủ”, ông Junji Ikeda - Chủ tịch của Saikaiyo, một công ty ở tỉnh Hiroshima chuyên tìm nguồn và giám sát lao động nhập cư, nhận định.

Thị trấn Oizumi thuộc tỉnh Gunma, nơi cách khoảng 2 giờ đi tàu từ Tokyo, là nơi có 42.000 lao động nước ngoài. Vào ngày thường, số lao động này đều đi làm trong các nhà máy và nông trại nên sự hiện diện của họ trong thị trấn là khó thấy. Tuy nhiên, những dấu hiệu về sự tồn tại của một lượng lớn lao động nhập cư ở Oizumi rõ mồn một: các tấm biển chỉ dẫn tại nhà ga được viết bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như tiếng Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh và Nhật.

Số lao động nước ngoài ở Nhật Bản qua các năm. Đơn vị: triệu người.
Số lao động nước ngoài ở Nhật Bản qua các năm. Đơn vị: triệu người.

Oizumi là bằng chứng sống động rằng xã hội đang lão hoá nhanh chóng của Nhật Bản, vốn trước đây dè chừng với người nhập cư, đang mở cửa đón lao động nước ngoài để khắc phục tình trạng khan hiếm lao động. Đây có thể là nguồn hy vọng tốt nhất của Nhật Bản nhằm ngăn đà tụt dốc của dân số - một thách thức nan giải đang đặt sức mạnh kinh tế, tiêu chuẩn sống, và việc duy trì hệ thống phúc lợi của nước này vào tình thế rủi ro.

Cuộc khủng hoảng lao động kinh niên của Nhật Bản đã hình thành kể từ khi dân số trong độ tuổi lao động của nước này đạt đỉnh vào năm 1995. Ngày càng nhiều công ty Nhật thiếu lao động để duy trì hoạt động. Cách đây 1 năm, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida cảnh báo Nhật Bản “đang nhận ra mình đứng trước nguy cơ không thể duy trì các chức năng xã hội” vì tỷ lệ sinh thấp.

Theo một nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), vào năm 2040 nước này sẽ cần 6,74 triệu lao động nhập cư để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Một khảo sát cho thấy hơn 2/3 doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Nhật cho biết họ thiếu lao động, và số vụ phá sản doanh nghiệp do thiếu nhân công ở nước này đã đạt mức cao kỷ lục trong năm ngoái - theo một báo cáo của ngân hàng dữ liệu Teikoko. Dù số lao động nước ngoài ở Nhật Bản không ngừng tăng, số người nhập cư hiện mới chiếm tỷ trọng khoảng 2% trong tổng dân số ở nước này, mức thấp nhất trong số 7 nền kinh tế phát triển (G7). Các nước còn lại trong G7 đều có tỷ lệ dân nhập cư ở mức 2 con số - theo dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).

Tỷ lệ 2% phản ánh tâm lý không muốn khuyến khích lao động nước ngoài xây dựng một cuộc sống lâu dài ở Nhật Bản. Nhiều thứ đã thay đổi, nhưng những cảm giác trái ngược ở Nhật Bản về lao động nhập cư vẫn tồn tại. Một khảo sát vào năm 2018 cho thấy chỉ 23% người Nhật tham gia khảo sát cho rằng nên có thêm lao động nhập cư, số khác lo ngại dòng lao động nhập cư sẽ dẫn tới “sự gia tăng của tỷ lệ tội phạm” và “ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự”.

Lo ngại về việc người Nhật không thoải mái với lao động nhập cư, Chính phủ nước này có những bước đi nhỏ dưới danh nghĩa các sáng kiến khác nhau. Một làn sóng lao động Nam Mỹ gốc Nhật nhập cư vào Nhật Bản vào khoảng năm 1990 mang hình ảnh một cuộc trở về liên thế hệ. Khi Nhật Bản lần đầu đón “thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài” vào năm 1993, lời mời các thực tập sinh tới nước này làm việc nằm trong một chương trình đào tạo kỹ năng mới cho lao động nước ngoài. Thị trấn Oizumi là một nơi đi đầu trong những sáng kiến này, tiếp nhận lao động nước ngoài tới làm việc trong nhà máy của những công ty lớn như Panasonic, Ajinomoto và Subaru cùng các nhà thầu phụ.

Lao động Việt Nam hiện chiếm 25,3% tổng số lao động nước ngoài ở Nhật Bản, tỷ lệ cao nhất nếu xét theo quốc tịch. Ở thời điểm tháng 10/2023, có 518.364 lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước - theo Bộ Lao động Nhật Bản.

Các nhóm lao động nước ngoài theo quốc tịch lớn nhất ở Nhật Bản ở thời điểm tháng 10/2023 và mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.
Các nhóm lao động nước ngoài theo quốc tịch lớn nhất ở Nhật Bản ở thời điểm tháng 10/2023 và mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.

Chương trình lao động nước ngoài hiện nay của Nhật Bản có từ năm 2019, dưới thời cựu Thủ tướng Shinzo Abe, chủ yếu giới hạn thời gian lao động nhập cư được phép làm việc ở nước này ở mức 5 năm. Đến nay mới chỉ có 29 lao động trong chương trình này đủ tiêu chuẩn để ở lại vô thời hạn.

Chính phủ Nhật Bản hiện nay đang điều chỉnh để chương trình trở nên hấp dẫn hơn đối với lao động nước ngoài. Chương trình mới, dự kiến được triển khai sớm nhất vào năm tới, sẽ đưa ra các biện pháp tăng cường giám sát và tạo điều kiện cho lao động nước ngoài được chuyển công ty - một quy định có thể buộc các chủ sử dụng lao động phải đối xử tốt hơn với lao động nhập cư để giữ chân họ.  

Ngoài ra, truyền thông Nhật Bản cho biết Chính phủ nước này cũng có thể đưa ngành giao thông vào chương trình lao động nhập cư. Nước này đang đối mặt nguy cơ thiếu lái xe tải do các quy định mới nghiêm ngặt hơn về số giờ làm việc trong ngành này dự kiến áp dụng từ mùa xuân năm nay.

“Lao động Nhật Bản không đủ để đáp ứng nhu cầu nhân công, nhất là trong các ngành sản xuất và đóng tàu”, ông Tatsuya Hasegawa, Giám đốc Sở Lao động tỉnh Hiroshima, nói với Bloomberg. “Ngày càng có nhiều doanh nghiệp hỏi thông tin về tiếp nhận lao động nước ngoài”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate