Sáng 26/10, Hiệp hội Ngân hàng tổ chức hội thảo: "Cơ hội, thách thức ứng dụng Blockchain vào vận hành trong ngành tài chính ngân hàng".
Hiện tại, với đặc tính phi tập trung, công nghệ blockchain (chuỗi khối) giải quyết được nhiều vấn đề nan giải về lòng tin, tính bảo mật… Do đó, nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam đã tìm cách ứng dụng vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, vận tải, logistic, y tế, giáo dục...
Tại Việt Nam, blockchain được ưu tiên nghiên cứu, phát triển để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 theo Quyết định số 2117/QĐ-TTg ngày 16-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025; trong đó, công nghệ blockchain được xếp thứ hai sau trí tuệ nhân tạo (AI) trong loạt công nghệ chủ chốt.
Một vài dự án crypto (tiền mã hóa) và blockchain Việt Nam nổi bật có thể kể đến như Axie Infinity, Coin98, Kyber Network, TomoChain, KardiaChain…
Số lượng các doanh nghiệp fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt Nam hiện nay đã tăng gần 4 lần, từ 40 doanh nghiệp tại thời điểm cuối năm 2016, đến cuối năm 2021 tăng lên hơn 150 doanh nghiệp, ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó, doanh nghiệp bitcoin/blockchain chiếm 7,895%.
(Đại diện Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước)
Ngoài ra, số liệu của Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, số lượng các doanh nghiệp fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt Nam hiện nay đã tăng gần 4 lần, từ 40 doanh nghiệp tại thời điểm cuối năm 2016, đến cuối năm 2021 tăng lên hơn 150 doanh nghiệp, ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó, doanh nghiệp bitcoin/blockchain chiếm 7,895%.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, thời gian qua, đa số các ngân hàng thương mại đều đã thực hiện áp dụng hoặc dự kiến áp dụng công nghệ blockchain.
Điển hình như BIDV ứng dụng blockchain trong tài trợ thương mại, trở thành ngân hàng Việt Nam đầu tiên ứng dụng thành công công nghệ blockchain trong giao dịch phát hành thư tín dụng tới một ngân hàng thông báo ngoài hệ thống. Các ngân hàng khác như MB, VPBank, Vietcombank... cũng công bố ứng dụng blockchain trong giao dịch tài chính.
"Có thể thấy, Việt Nam là một quốc gia nhận được nhiều lợi ích từ công nghệ blockchain. Những tác động mà nó mang lại thể hiện blockchain chính là lĩnh vực công nghệ mà Việt Nam có thể sánh kịp, thậm chí vượt lên so với nhiều quốc gia phát triển trên thế giới", ông Hùng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cũng theo ông Hùng, việc phát triển công nghệ Blockchain ở Việt Nam đang gặp nhiều thách thức. Bởi lẽ, Việt Nam không có nhiều chuyên gia về blockchain, mức độ am hiểu của người dân về công nghệ này rất hạn chế, cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo.
Thêm vào đó, thị trường blockchain Việt Nam cũng đang xảy ra các sự vụ tiêu cực, ảnh hưởng to lớn đến lòng tin của dư luận đối với lĩnh vực công nghệ chuỗi khối này.
"Những người nổi tiếng sẵn sàng vì tư lợi mà quảng cáo cho những đồng tiền điện tử nhiều rủi ro hay những vụ lừa đảo, dụ dỗ những người thiếu hiểu biết về Blockchain tham gia vào sàn tiền ảo… đã khiến lòng tin của người dân sụt giảm", ông Hùng nói.
Đại diện Vietcombank đánh giá, các rào cản của ngân hàng khi muốn áp dụng nền tảng blockchain bao gồm: chi phí nghiên cứu, đầu tư hạ tầng cao; yêu cầu tích hợp, chuyển đổi đồng bộ với các hệ thống, cơ sở hạ tầng khác đòi hỏi yêu cầu thời gian chỉnh sửa hệ thống...
Quan trọng hơn cả, việc triển khai công nghệ blockchain tại các ngân hàng thương mại vẫn mang tính chất thí điểm. Việt Nam chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh cho các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng ứng dụng công nghệ blockchain nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia giao dịch, hạn chế những rủi ro, tranh chấp phát sinh trong quá trình vận hành.
Đại diện TPBank nhìn nhận, để phát triển thành công blockchain, các ngân hàng rất cần cơ chế thử nghiệm sanbox. Thế nhưng cơ chế này vẫn còn nhiều vướng mắc. Cơ quan quản lý nên tham khảo các ngân hàng trong khu vực, các nhà tư vấn quốc tế, lưu ý tới cơ chế chính sách để hành lang pháp lý ổn định trong dài hạn.
Nói thêm về tính pháp lý, Cục Công nghệ Thông tin, Ngân hàng Nhà nước cho hay, tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản định hướng, khuyến khích cho việc ứng dụng công nghệ blockchain. Thế nhưng, tại nhiều diễn dàn vấn đề thiếu cơ sở pháp lý đã được nêu ra như là một trở ngại cho việc ứng dụng công nghệ blockchain.
"Những người nổi tiếng sẵn sàng vì tư lợi mà quảng cáo cho những đồng tiền điện tử nhiều rủi ro hay những vụ lừa đảo, dụ dỗ những người thiếu hiểu biết về Blockchain tham gia vào sàn tiền ảo… đã khiến lòng tin của người dân sụt giảm"
(Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam)
Mặc dù vậy, có rất ít ý kiến nêu được cụ thể trở ngại pháp lý đối với ứng dụng công nghệ blockchain là gì và sửa đổi thế nào để tạo điều kiện cho việc ứng dụng.
Cũng theo Cục Công Nghệ Thông tin, Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, Luật Giao dịch điện tử đang được sửa đổi. Song tại bản dự thảo gần nhất vẫn chưa có các tiêu chuẩn kỹ thuật về các hệ thống chữ ký điện tử dùng riêng. Điều này khiến việc đăng ký để công nhận giá trị pháp lý của các hợp đồng, giao dịch điện tử trong một hệ thống blockchain là rất khó khăn.
Do đó, cơ quan này đề xuất, Bộ Thông tin và Truyền thông nên xây dựng các quy định cụ thể, các tiêu chuẩn kỹ thuật để thuận lợi cho việc công nhận giá trị pháp lý của các giao dịch điện tử, các hợp đồng điện tử trên các hệ thống blockchain. Đồng thời, cần bóc tách riêng để xử lý các vướng mắc khi áp dụng blockchain trong từng lĩnh vực.