August 19, 2024 | 17:00 GMT+7

"Cơn sốt" giá cà phê thế giới có thể kéo dài

Hoài Thu -

Những tháng gần đây, giá cà phê thế giới tăng mạnh. Hợp đồng tương lai hạt cà phê robusta trên sàn hàng hóa London chạm mức cao lịch sử vào tháng trước và hiện tiếp tục duy trì trên mức 4.000 USD/tấn...

Giá hạt cà phê robusta đang ở mức không ai nghĩ tới khoảng 1-2 năm trước - Ảnh: Nikkei Asia
Giá hạt cà phê robusta đang ở mức không ai nghĩ tới khoảng 1-2 năm trước - Ảnh: Nikkei Asia

Theo nhận định của các chuyên gia, giá cà phê thế giới sẽ còn biến động mạnh từ nay tới hết năm 2024 do thời tiết xấu, gián đoạn vận chuyển cũng như môi trường pháp lý thắt chặt tại nhiều quốc gia.

Một số chuyên gia dự báo căng thẳng sẽ giảm bớt trong năm 2025 nhưng giá trong dài hạn vẫn có xu hướng tăng do biến đổi khí hậu cùng nhiều yếu tố khác.

Những tháng gần đây, giá cà phê thế giới mạnh. Hợp đồng tương lai hạt cà phê robusta trên sàn hàng hóa London chạm mức cao lịch sử vào tháng trước và hiện tiếp tục duy trì trên 4.000 USD/tấn. Trong khi đó, hợp đồng tương lai hạt cà phê arabica trên sàn hàng hóa New York giao dịch ở mức trên 2 USD/pound (tương đương 4.444 USD/tấn) từ đầu tháng này.

“Trước đó chúng tôi cho rằng mức giá 2.000 USD/tấn hạt cà phê robusta đã là cao lắm rồi”, ông Kosuke Nakamura, quản lý nhập khẩu tại công ty UCC Ueshima Coffee của Nhật, nói với tờ báo Nikkei Asia. “Giá hạt cà phê loại này đang ở mức không ai nghĩ tới khoảng 1-2 năm trước”.

Theo các chuyên gia, xu hướng tăng giá cà phê phản ảnh nhiều yếu tố, bao gồm sản lượng sụt giảm tại Việt Nam vào năm ngoái – nước sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới – do hiện tượng El Nino.

"Cơn sốt" giá cà phê thế giới có thể kéo dài - Ảnh 1

“Sản lượng cà phê của Việt Nam dù không quá gây thất vọng, chỉ thấp hơn khoảng 5% so với dự báo, nhưng điều này xảy ra sau khi sản lượng cà phê tại Brazil sụt giảm trong vài năm trước, dẫn tới tồn kho giảm xuống mức thấp”, ông Carlos Mera, giám đốc phụ trách nghiên cứu thị trường hàng hóa nông nghiệp tại ngân hàng Rabobank, phân tích.

Bên cạnh đó, tình trạng vận chuyển chậm trễ cũng ảnh hưởng tới giá cả. Các vấn đề liên quan tới vận chuyển trở nên phổ biến hơn do các hãng vận tải phải thay đổi hải trình trước quan ngại về khủng hoảng trên biển Đỏ.

Trong khi đó, các nhà nhập khẩu cà phê ở châu Âu đối mặt với những khó khăn trong việc tuân thủ Quy định Chống phá rừng Liên minh châu Âu (EUDR). Quy định mới này nhằm đảm bảo các sản phẩm được tiêu thụ ở EU không góp phần vào tình trạng phá rừng hoặc gây suy thoái rừng. Các doanh nghiệp cà phê châu Âu đang ráo riết tăng nhập hàng trước khi EUDR có hiệu lực vào cuối năm nay. 

Tất cả những yếu tố trên khiến giá cà phê tăng vọt.

“Chúng tôi dự báo giá cà phê sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024, trước khi giảm vào năm sau nếu sản lượng cà phê ở Brazil đạt mức ổn”, ông Mera cho biết.

Trong khi đó, ông Charles Hart, nhà phân tích hàng hóa cấp cao tại BMI, cho rằng giá cà phê đang ngày càng nhạy cảm hơn với các tin tức so với trước đây do sự thắt chặt của thị trường.

“Sau thời gian khô hạn do El Nino, hiện tượng thời tiết La Nina có thể dẫn tới mưa nhiều hơn trong thời gian của vụ mùa cà phê cuối trong năm ở Việt Nam. Đây là một tính hiệu tích cực cho thị trường”, ông Hart nhận định.

Còn theo ông Taisuke Horie, nhà giao dịch cà phê tại công ty Marubeni của Nhật, một số yếu tố gây ảnh hưởng tới thị trường có thể sẽ tự điều chỉnh trong thời gian tới.

“Nhu cầu đang tập trung ở các loại cà phê giá rẻ, chứ không phải loại đắt”, ông Horie chỉ ra. “Từ năm 2021 đến nay, một số nhà nhập khẩu lớn đã chuyển sang mua cà phê robusta – thường rẻ hơn cà phê arabica – khi nguồn cung của Brazil bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng sương mù và giá tăng vọt trong đại dịch. Dù vụ mùa năm nay ở Brazil tốt hơn, các công ty nhập khẩu chưa hoàn toàn trở lại với cà phê arabica, đặc biệt là loại chế biến ướt chất lượng cao”.

Giới chuyên gia cho rằng, dù giá cà phê có thể sẽ giảm, nhưng sự thay đổi trong mang tính cấu trúc sẽ khiến giá cả mặt hàng trong thập kỷ tới tiếp tục duy trì ở mức cao hơn so với trước đây. Một trong số đó là biến đổi khí hậu.

“Các sự kiện thời tiết cực đoan xảy ra ngày càng phổ biến có thể khiến sản lượng cà phê thế giới biến động mạnh và từ đó giá cả cũng biến động theo”, ông Hart của BMI nhận xét.

Một yếu tố khác là những khó khăn trong việc tuân thủ quy định EUDR.

“Nếu quy định này được thực thi một cách nghiêm ngặt, tôi cho rằng nhiều quốc gia sản xuất cà phê có thể sẽ không tuân thủ được ngay”, ông Horie của Marubeni nhận định. “Việc chứng minh rằng một trang trại không góp phần vào phá rừng sẽ rất khó nếu không có số liệu, kể cả khi trang trại đó không làm gì gây hại tới rừng”.

Theo ông Horie, những rào cản pháp lý này sẽ khiến nhiều công ty nhập khẩu ở EU gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung.

“Khi quy định trên được thực thi, các nước sản xuất sẽ phải chịu chi phí tuân thủ. Vì vậy, đây không chỉ là vấn đề của EU”, ông Nakamura của UCC nói.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate