May 25, 2022 | 17:36 GMT+7

Công bố các chỉ số SIPAS và cải cách hành chính năm 2021

Lý Hà -

Thành phố Hà Nội có kết quả Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 là 87,11%, xếp thứ 30 trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...

Hội nghị Công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 (SIPAS 2021) và Chỉ số Cải cách hành chính  năm 2021 của các bộ, ngành, các tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương
Hội nghị Công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 (SIPAS 2021) và Chỉ số Cải cách hành chính năm 2021 của các bộ, ngành, các tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương

Sáng 25/5, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2021 (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021.

HẢI DƯƠNG CÓ CHỈ SỐ HÀI LÒNG Ở NHÓM ĐẦU

Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ), Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ Phạm Minh Hùng, cho biết kết quả đo lường sự hài lòng năm 2021 của Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước được phản ánh qua 39 chỉ số nhận định, đánh giá; 30 chỉ số hài lòng và 13 chỉ số mong đợi.

Chỉ số hài lòng 2021 được tổng hợp, so sánh giữa 3 nhóm dịch vụ: Nhóm dịch vụ lĩnh vực kinh doanh, nhóm dịch vụ lĩnh vực đất đai, môi trường và nhóm lĩnh vực dịch vụ khác. Việc triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức năm 2021 đã hoàn thành, lắng nghe được ý kiến phản hồi của 28.372 người dân, tổ chức từ khắp mọi vùng, miền trong cả nước.

Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính nói chung cả nước năm 2021 là 87,16%. Các tỉnh, thành phố có chỉ số hài lòng ở nhóm đầu (từ 90% trở lên) gồm: Quảng Ninh (94,07%), Hải Phòng (93,38%), Hưng Yên (92,07%), Hải Dương (92,01%), Hà Tĩnh (91,17%), Sơn La (90,13%), Bắc Ninh (90,09%) và Bắc Giang (90,01%). Xếp thứ hạng cuối cùng trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là tỉnh Cao Bằng (82,79%).

Thành phố Hà Nội có kết quả Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính là 87,11%, xếp thứ 30 trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (năm 2020, thành phố Hà Nội đạt 85,15%, xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

Năm 2021, Chỉ số hài lòng chung về tiếp cận dịch vụ là 88,66%; chỉ số hài lòng chung về thủ tục hành chính là 88,48%; chỉ số hài lòng chung về công chức là 88,25%; chỉ số hài lòng chung về kết quả dịch vụ là 89,52%; chỉ số hài lòng chung về việc cơ quan tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức là 80,90%.

Kết quả đo lường về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2021 cho thấy, có 0,45% người dân, tổ chức phản ánh bị công chức gây phiền hà, sách nhiễu; 0,14% người dân, tổ chức phản ánh phải nộp thêm tiền ngoài phí/lệ phí trong quá trình giao dịch dịch vụ công. 46/63 tỉnh có người dân, tổ chức phản ánh bị công chức gây phiền hà, sách nhiễu và 22/63 tỉnh có người dân, tổ chức phản ánh phải trả thêm tiền ngoài phí/lệ phí.

Người dân, tổ chức chủ yếu tiếp cận thông tin về cơ quan cung ứng dịch vụ công và quy định thủ tục hành chính thông qua công chức, với các chỉ số lần lượt là 50,88% và 62,72%, còn lại là các hình thức khác. Tỷ lệ người dân, tổ chức tiếp cận thông tin về 2 nội dung này thông qua mạng internet chỉ là 12,64% và 14,89%.

Có 3,26% người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần để thực hiện dịch vụ công. Việc người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần xảy ra tại 61/63 tỉnh. 2,85% người dân, tổ chức không nhận được giấy hẹn trả kết quả dịch vụ và tình trạng này xảy ra ở 25/63 tỉnh.

Bên cạnh đó, 2,57% người dân, tổ chức bị trễ hẹn trả kết quả, trong số đó, chỉ có 40,38% nhận được thông báo của cơ quan về việc trễ hẹn trả kết quả và 42,58% nhận được xin lỗi của cơ quan về việc trễ hẹn trả kết quả.  57/63 tỉnh xảy ra tình trạng trễ hẹn trả kết quả dịch vụ, trong đó chỉ có 4/57 tỉnh thực hiện thông báo cho người dân, tổ chức về việc trễ hẹn và cũng 4/57 tỉnh đã thực hiện xin lỗi người dân, tổ chức về việc trễ hẹn.

HẢI PHÒNG DẪN ĐẦU VỀ CẢI CÁCH HÀNH

Theo ông Phạm Minh Hùng, ba nội dung mà người dân, tổ chức mong đợi các cơ quan hành chính nhà nước cải thiện nhiều nhất là: Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, với 54,02% mong đợi; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, với 51,89% người dân, tổ chức mong đợi; tăng cường nhận hồ sơ và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính, với 47,26% người dân, tổ chức mong đợi.

Mặc dù yếu tố thủ tục hành chính nhận được sự hài lòng của người dân, tổ chức cao thứ 2 trong số 5 yếu tố được đánh giá, nhưng 2 nội dung mà người dân, tổ chức mong đợi được cơ quan hành chính nhà nước cải thiện nhiều nhất đều thuộc yếu tố thủ tục hành chính.

“Trong những năm qua, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đã mang lại những kết quả, tác động tích cực đối với cả cơ quan hành chính nhà nước và người dân, tổ chức. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức cho thấy toàn diện thực trạng chất lượng cung ứng dịch vụ công, từ đó cung cấp thông tin kịp thời, khách quan giúp Chính phủ, chính quyền, cơ quan hành chính nhà nước có cơ sở để thực hiện các giải pháp cải cách, nâng cao chất lượng dịch vụ công, chất lượng phục vụ người dân, tổ chức”, ông Phạm Minh Hùng nói.

Theo báo cáo công bố kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2021, đối tượng xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 bao gồm: 19 bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ). Trong đó, 2 cơ quan đặc thù là Ủy ban Dân tộc và Thanh tra Chính phủ có thực hiện đánh giá nhưng không xếp hạng chung với 17 bộ, cơ quan ngang bộ còn lại; 63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Việc triển khai điều tra xã hội học năm 2021 được thực hiện với quy mô trên 79.600 phiếu.

Kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 các bộ, cơ quan ngang bộ được phân loại gồm 3 nhóm điểm: Trên 90%, bao gồm 3 đơn vị: Bộ Tư pháp (91,90%), Bộ Tài chính (91,71%) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (90,37%); từ trên 80% đến dưới 90%, bao gồm 13 đơn vị: Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo; dưới 80% có 1 đơn vị là Bộ Khoa học và Công nghệ (78,72%).

Kết quả Chỉ số cải cách hành chính 2021 của các tỉnh, thành phố được phân theo 3 nhóm. Trong đó, nhóm A, đạt kết quả Chỉ số từ 90% trở lên, gồm 3 tỉnh, thành phố: Hải Phòng (91,80%); Quảng Ninh (91,14%); Đà Nẵng (90,25%). Nhóm B, đạt kết quả Chỉ số từ 80% đến dưới 90%, gồm 59 tỉnh, thành phố. Nhóm C, đạt kết quả Chỉ số từ 70% đến dưới 80% có 1 tỉnh (Kiên Giang).

Theo kết quả xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2021: Thành phố Hải Phòng lần đầu tiên bứt phá lên vị trí dẫn đầu với kết quả đạt 91,80%, cao hơn 0,66% so với đơn vị xếp vị trí thứ 2 là Quảng Ninh (đạt 91,14%)… Đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 là tỉnh Kiên Giang, đạt 79,97% và là địa phương duy nhất có kết quả Chỉ số cải cách hành chính dưới 80%.

Thành phố Hà Nội xếp vị trí thứ 10 với kết quả chỉ số cải cách hành chính 88,54% (năm 2020 thành phố Hà Nội xếp vị trí thứ 8 với kết quả 86,07%).

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate