Sáng 12/10, tại Văn phòng Tỉnh ủy Bình Định, Đại tướng Tô Lâm Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ CA, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực - Trưởng Đoàn kiểm tra số 2, đã chủ trì Hội nghị Công bố kế hoạch kiểm tra, quyết định thành lập Đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định.
Đại tướng Tô Lâm cho biết, việc kiểm tra được thực hiện theo Kế hoạch số 35-KH/BCĐTW ngày 7.8.2023 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về kiểm tra công tác thể chế hóa chủ trương của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước.
Trên cơ sở đó, Đại tướng Tô Lâm đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định và các cơ quan, đơn vị liên quan quán triệt nghiêm túc các nội dung sau:
Qua kiểm tra, cần đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân trong công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật và việc hướng dẫn, đôn đốc thực hiện; kết quả khắc phục những sơ hở, bất cập, khoảng trống về cơ chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Từ đó, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng tiêu cực; làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan, kiến nghị xử lý các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và vi phạm trong công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Việc kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả; đúng nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của Ban Chỉ đạo.
Về nội dung, Đoàn sẽ kiểm tr hai nội dung chính.
Một là, công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật và việc hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, khắc phục sơ hở, bất cập, khoảng trống về cơ chế, chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực: Quản lý, sử dụng đất đai; đấu thầu; đấu giá tài sản; giám định tư pháp, định giá tài sản trong tố tụng hình sự; thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Hai là, việc rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập, khoảng trống về cơ chế, chính sách, pháp luật để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo kiến nghị của các Đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo, của Thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách địa bàn tỉnh Bình Định.
Lưu ý, quá trình kiểm tra cần làm rõ các vấn đề liên quan đến bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn, khó thực hiện, không phù hợp với thực tiễn ở địa phương trong các văn bản pháp luật thuộc phạm vi kiểm tra; vấn đề tiêu cực, tham nhũng, trục lợi, lợi ích nhóm trong quá trình ban hành và tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền của địa phương.
Trong quá trình làm việc, nếu phát sinh những vấn đề mới, Đoàn kiểm tra sẽ thống nhất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cơ quan, đơn vị được kiểm tra mở rộng phạm vi kiểm tra để bảo đảm kết quả kiểm tra được toàn diện, chặt chẽ, đầy đủ.
Về phương pháp kiểm tra, Đoàn kiểm tra sẽ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định và các cơ quan, đơn vị liên quan để công bố Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra và Kế hoạch kiểm tra tại Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cơ quan, đơn vị liên quan; nghe Ban Thường vụ Tỉnh ủy báo cáo kết quả tự kiểm tra; ý kiến trao đổi của các thành viên Đoàn kiểm tra và ý kiến bổ sung, giải trình của đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của tỉnh Bình Định.
Đoàn kiểm tra cũng sẽ trực tiếp làm việc với Đảng đoàn HĐND tỉnh; Ban cán sự Đảng UBND tỉnh; Sở Tài nguyên và môi trường; Sở Tài chính; Sở Kế hoạch và đầu tư; Thanh tra tỉnh; Sở Tư pháp; Cục Thi hành án dân sự; Công an tỉnh và nếu xét thấy cần thiết, Đoàn kiểm tra sẽ làm việc với một số cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.
Quá trình làm việc, Đoàn kiểm tra sẽ nghe cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị được kiểm tra báo cáo, nghiên cứu hồ sơ, tài liệu liên quan; thông qua Báo cáo kết quả tự kiểm tra ở các cơ quan, đơn vị này.