Bộ Giao thông vận tải vừa có quyết định công bố mở cảng cạn (ICD) Phú Mỹ giai đoạn 1, tại khu công nghiệp (KCN) chuyên sâu Phú Mỹ 3 ở phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
ICD Phú Mỹ do Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ đầu tư. Theo quyết định của Bộ Giao thông vận tải, ICD Phú Mỹ được khai thác, kinh doanh dịch vụ và thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng cạn phù hợp với quy định Nghị định số 38/2017 ngày 04/4/2017 của Chính phủ và giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền cấp.
Quyết định cũng nêu rõ, chủ đầu tư tổ chức khai thác cảng cạn khi đã hoàn thành đầy đủ thủ tục theo quy định và đúng mục đích, phù hợp với các giai đoạn đầu tư, bảo đảm an toàn, an ninh, phòng chống cháy, nổ, phòng ngừa ô nhiễm môi trường.
Quyết định cũng giao Cục Hàng hải Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của cảng cạn theo các quy định của pháp luật liên quan.
ICD Phú Mỹ có quy mô 37,8 ha với cầu cảng cho tàu 3.000 tấn/sà lan. Cảng gồm 6 bến cảng, có khả năng kết nối đường thủy tới các cảng biển, ICD trong khu vực cũng như các vùng cung ứng nguyên liệu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên cả nước về KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3.
Trước đó, Bộ Giao thông đã ban hành Quyết định 506/QĐ-BGTVT ngày 27/4/2023 công bố cảng cạn Việt Nam. Theo đó, danh mục 11 cảng cạn được công bố, bao gồm: 1. ICD Hải Linh (Phú Thọ); 2. ICD Km 3+4 Móng Cái (Quảng Ninh); 3. ICD Tân Cảng Hải Phòng; 4. ICD Đình Vũ – Quảng Bình; 5. ICD Hoàng Thành; 6. ICD Long Biên; 7. ICD Tân Cảng Hà Nam; 8. ICD Phúc Lộc - Ninh Bình; 9. ICD Tân Cảng Nhơn Trạch; 10. ICD Tân Cảng Quế Võ; và 11. ICD Tân Cảng Long Bình giai đoạn 1.
Bộ Giao thông vận tải cũng đồng thời giao Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định về đầu tư xây dựng, quản lý khai thác cảng cạn và các quy định của pháp luật có liên quan. Như vậy, danh mục mới này đã bổ sung ICD Tân Cảng Long Bình giai đoạn 1. Và nay thêm một ICD mới vừa được công bố là ICD Phú Mỹ.
Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 1201/QĐ-BGTVT ngày 11/6/222018 phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Cụ thể, mục tiêu giai đoạn đến năm 2025 hình thành các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất tư 5,7 triệu đến 8,6 triệu TEUs/năm. Trong đó Miền Bắc đạt công suất trên 1,3 triệu đến trên 2,2 triệu TEUs; Miền Trung và Tây Nguyên đạt công suất trên 123 ngàn đến trên 322 ngàn TEUs; Miền Nam đạt công suất 4,2 triệu đến trên 6 triệu TEUs.
Đến nay, sau gần 5 năm thực hiện quy hoạch chi tiết hệ thống cảng cạn Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải cho biết đã có 10 cảng cạn trên cả nước được xây dựng và đi vào hoạt động, góp phần tăng hiệu quả kết nối cảng biển với nguồn hàng rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hàng hóa, tăng hiệu suất xử lý hàng hóa tại cảng biển.
Đồng thời, việc tổ chức vận tải giữa cảng biển đến nguồn hàng xuất nhập khẩu từng bước được cải thiện thông qua sự hình thành các cảng cạn gắn với đường thủy nội địa, giảm lưu lượng vận tải đường bộ.