Nguyên tắc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán là thông tin phải được công bố đầy đủ và chính xác; kịp thời và liên tục; đồng thời đảm bảo công bằng đối với các đối tượng nhận; quy trách nhiệm đối với bên công bố thông tin. Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động, nhiều doanh nghiệp vẫn vi phạm nguyên tắc này.
DOANH NGHIỆP VẪN “DÍNH” VI PHẠM
Mới đây, ngày 21/11/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 398/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Tập đoàn GCL (mã chứng khoán KDM). Theo đó, Tập đoàn GCL đã bị xử phạt 85 triệu đồng vì không công bố thông tin trên hệ thống của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đối với Báo cáo tài chính được kiểm toán năm 2021; không công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của HNX đối với Báo cáo thường niên năm 2021.
Bên cạnh đó, công ty cũng không công bố thông tin đúng thời hạn trên trang thông tin điện tử của HNX đối với Báo cáo tài chính quý 1/2022; công bố thông tin không đúng thời hạn trên hệ thống của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với Báo cáo tài chính quý 2/2020, Báo cáo tình hình quản trị công ty bán niên năm 2020, Báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2020.
Cách đây vài tháng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng ban hành một loạt quyết định xử phạt hành chính với các doanh nghiệp do công bố thông tin không đúng thời hạn hay sai lệch… Chẳng hạn như Công ty cổ phần đầu tư thương mại Hồng Hoàng bị phạt hành chính số tiền 70 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật.
Công ty cổ phần cơ khí và khoáng sản Hà Giang công bố thông tin sai lệch đối với số liệu các chỉ tiêu dự phòng đầu tư tài chính dài hạn, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, chi phí tài chính, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế tại Báo cáo tài chính năm 2020, năm 2021.
Hay Công ty cổ phần Tập đoàn khoáng sản Á Cường bị phạt tiền 100 triệu đồng vì không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.
Dù thị trường vẫn ghi nhận nhiều trường hợp vi phạm công bố thông tin theo quy định nhưng theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, doanh nghiệp đã nắm bắt tốt, làm tốt hơn trong việc công bố thông tin, góp phần cải thiện tính minh bạch trên thị trường. Theo đó, số lượng công ty tuân thủ, cung cấp, bổ sung thông tin kịp thời gia tăng; ngược lại tỷ lệ doanh nghiệp vi phạm công bố thông tin giảm so với năm 2020.
Trong năm 2021, cơ quan quản lý đã ban hành 568 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng tiền phạt là 2,95 tỷ đồng, trong đó các vi phạm chủ yếu là về công bố thông tin.
“Tại Việt Nam, chất lượng công bố thông tin đã có thay đổi đáng kể trước hết về số lượng doanh nghiệp niêm yết thực hiện nghĩa vụ và chất lượng của thông tin công bố ở cả ba khía cạnh đầy đủ - chính xác - kịp thời. Trong thời gian tới, cơ quan quản lý tiếp tục nâng cao tầm quan trọng của việc công bố thông tin và coi đây là trọng tâm để nâng cao chất lượng quản lý thị trường”, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhấn mạnh.
Báo cáo kết quả Chương trình đánh giá chất lượng công bố thông tin và minh bạch (CBTT&MB) cho các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn trên thị trường UPCoM năm 2022 vừa được Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố cho thấy chất lượng CBTT&MB của các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn trên HNX đạt 59,21%, giảm 4,51% so với điểm trung bình năm 2021.
VẪN CÒN NHỮNG ĐIỂM CẦN CẢI THIỆN
Điểm CBTT&MB năm 2022 giảm so với năm 2021, theo báo cáo, chủ yếu là do bổ sung mới 7 tiêu chí đánh giá nhằm tăng cường tầm quan trọng của các thông lệ tốt của quốc tế và khuyến khích các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn tự nguyện tiếp cận các chuẩn mực quốc tế, cải thiện chất lượng điểm về CBTT&MB theo hướng thực chất hơn.
Nhưng rõ ràng, điều này hàm ý rằng chất lượng công bố thông tin của doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn đang thấp hơn so với thông lệ quốc tế. Do vậy, việc nâng cao chất lượng công bố thông tin trong thời gian tới cần tiếp tục là một trọng tâm của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Báo cáo cho thấy việc thực thi các tiêu chí mang tính thông lệ có xu hướng giảm, dưới mức trung bình và thấp hơn mức đạt được của năm trước, đạt 28,09% (năm 2021 là 41,71%).
Đặc biệt, báo cáo ghi nhận các doanh nghiệp có xu hướng thực hiện tốt việc công bố đầy đủ và kịp thời các thông tin cơ bản về tài chính doanh nghiệp với lần lượt 90% và 74% số lượng doanh nghiệp công bố các chỉ tiêu về khả năng sinh lời và thông tin về rủi ro có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cải thiện đáng kể so với kỳ đánh giá năm 2021. Nhưng kết quả đánh giá này cũng không có sự thay đổi nhiều so với kết quả năm 2021 khi vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm chú trọng tới việc thực hiện các yêu cầu này (năm 2021 là 87% và 69%).
Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra các tiêu chí thực hiện chưa tốt trong công bố thông tin của doanh nghiệp, trong đó nhấn mạnh tới vai trò và tầm quan trọng của hội đồng quản trị trong việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Theo bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch VIOD, Chủ tịch Deloitte Việt Nam, trong giai đoạn phát triển mới từ năm 2022 với nhiều thách thức khó lường, hơn lúc nào hết, các nhà lãnh đạo, các thành viên hội đồng quản trị doanh nghiệp cần được trang bị và cập nhật những kiến thức chuyên nghiệp, nguyên tắc quản trị công ty tốt.
ồng thời, các thành viên hội đồng quản trị cũng cần chia sẻ, học hỏi những kinh nghiệm thực tiễn, chuyên nghiệp về quản trị công ty để phát triển và nâng cao năng lực thực hành quản trị của từng cá nhân, của cả hội đồng, qua đó góp phần năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững cho doanh nghiệp của mình.
HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ CÓ VAI TRÒ TO LỚN ĐỂ NÂNG CHẤT LƯỢNG QUẢN TRỊ
Theo nguyên tắc quản trị công ty của OECD thì hội đồng quản trị có trách nhiệm: “Đảm bảo tính trung thực của hệ thống báo cáo kế toán và tài chính của công ty, kể cả báo cáo kiểm toán độc lập, và bảo đảm rằng các hệ thống kiểm soát phù hợp luôn hoạt động, đặc biệt là các hệ thống quản lý rủi ro, kiểm soát tài chính và hoạt động, tuân thủ theo pháp luật và các tiêu chuẩn liên quan”.
Do vậy, dựa trên kết quả đánh giá, báo cáo đã đưa một số khuyến nghị được đưa ra nhằm nâng cao chất lượng CBTT&MB cũng như hướng tới nâng cao chất lượng quản trị công ty phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thứ nhất, việc tách bạch chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc sẽ đảm bảo phân định chức năng quản trị và chức năng quản lý điều hành. Điều này sẽ giúp hạn chế được xung đột lợi ích có thể xảy ra trong các doanh nghiệp và HĐQT sẽ thực hiện tốt hơn vai trò của người đại diện. Ngoài ra, việc doanh nghiệp nên có thêm các thành viên HĐQT độc lập và các thành viên HĐQT không điều hành sẽ là một giải pháp tốt để tránh xung đột lợi ích, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong công tác quản trị.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐQT và Ban kiểm soát/Uỷ ban kiểm toán. Một số các thông lệ tốt bao gồm việc thành lập các tiểu ban hỗ trợ HĐQT, thực hiện và công bố việc đánh giá từng thành viên HĐQT, thực hiện việc đánh giá tính hiệu quả của Ban Tổng giám đốc/Ban giám đốc và tính hiệu quả trong công tác phối hợp giữa các đơn vị này cần được các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn chú trọng quan tâm hơn nữa.
Đối với hoạt động của Uỷ ban kiểm toán, các văn bản pháp lý đã quy định rõ ràng và chi tiết về quyền hạn, nghĩa vụ, cơ chế hoạt động và ban hành mẫu quy chế hoạt động của Uỷ ban kiểm toán. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình 1 lớp xây dựng Uỷ ban kiểm toán đủ năng lực chuyên môn, tính độc lập và quyền hạn, từ đó phát huy đúng vai trò của Uỷ ban kiểm toán.
“Vấn đề thành viên độc lập thực hiện đánh giá sự phối hợp giữa Uỷ ban kiểm toán với HĐQT, Tổng giám đốc (Giám đốc) cũng cần được chú trọng, quan tâm hơn nữa đối với các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn hoạt động theo mô hình 1 lớp”, báo cáo nhấn mạnh.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 48 phát hành ngày 28-11-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam