Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày 5/7 đã có văn bản đề nghị các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn tăng cường thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến triển khai Nghị định số 38/2022/NĐ-CP về lương tối thiểu.
Theo đó, để kịp thời nắm bắt tình hình thực hiện chính sách tiền lương theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn chỉ đạo công đoàn sơ sở chủ động tham gia với người sử dụng lao động trong quá trình xây dựng thang, bảng lương của doanh nghiệp theo quy định mới về tăng lương tối thiểu.
Các cấp công đoàn tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được nêu tại Công văn số 2086 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc chỉ đạo triển khai Nghị định số 38/2022/NĐ-CP về lương tối thiểu; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội… của các doanh nghiệp, nhất là việc thực hiện Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Đồng thời, công đoàn cũng theo dõi, bám sát tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất.
Khi có tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc tập thể, đình công tự phát, cần chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân và các cơ quan chức năng trên địa bàn kịp thời giải quyết, đảm bảo quyền lợi của tập thể người lao động, không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự.
Ngoài ra, cần thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình từ cơ sở và báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị định số 38/2022/NĐ-CP, tình hình tiền lương năm 2022 của các doanh nghiệp thuộc ngành, địa phương. Tập hợp, nắm bắt thông tin, tâm tư, nguyện vọng của người lao động, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm Nghị định số 38/2022/NĐ-CP cũng như pháp luật lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó, công đoàn cũng cần đẩy mạnh các giải pháp thực hiện chăm lo, bảo đảm đời sống cho người lao động, góp phần đảm bảo việc làm bền vững, an sinh của người lao động và sự ổn định, phát triển lâu dài của thị trường lao động.
Theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ, mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7 tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành.
Cụ thể, về mức lương tối thiểu tháng, vùng I tăng từ 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng; vùng II tăng từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng; vùng III tăng từ 3.430.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng và vùng IV tăng từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng.
Về lương tối thiểu giờ, vùng I: 22.500 đồng/giờ; vùng II: 20.000 đồng/giờ; vùng III: 17.500 đồng/giờ; vùng IV: 15.600 đồng/giờ.
Trước đó, để triển khai Nghị định 38, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành công văn hướng dẫn thực hiện, trong đó, hai cơ quan thống nhất đề nghị các đơn vị rà soát các tiêu chuẩn, điều kiện lao động để chủ động đề xuất và đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động nhằm xác lập các thoả thuận về tiền lương và các điều kiện lao động khác có lợi hơn cho người lao động so với quy định.
Đặc biệt, không được xoá bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác.
Thực tế, hiện nay đa phần các doanh nghiệp đã trả lương cao hơn lương tối thiểu vùng, nên mặc dù theo quy định lương tối thiểu tăng từ ngày 1/7/2022 song nhiều doanh nghiệp dự kiến không tăng lương do đã điều chỉnh ngay từ đầu năm.