Ông Cao Tiến Đoan, một doanh nhân kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản đồng thời cũng là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh mở đầu Hội nghị bằng cách nêu ra thực trạng khó khăn của doanh nghiệp cũng như lắng nghe các đề xuất của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Từ đó có căn cứ cơ sở để tổng hợp đề xuất với cơ quan cấp cao hơn sớm có giải pháp, chính sách sớm tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Ông Đoan khuyến khích các đại biểu dự hội nghị nói thẳng, nói thật, đi sâu vào từng vấn đề, từng ngõ ngách cũng như chỉ ra những nút thắt, điểm nghẽn. Đồng thời ông Chủ tịch hội đề nghị các đại biểu nêu rõ những đề xuất cụ thể, xuất phát từ thực tiễn sản xuất, kinh doanh của từng doanh nghiệp để Hiệp hội tổng hợp kiến nghị lên các cơ quan chức năng.
NHIỀU DOANH NGHIỆP, NGÀNH HÀNG CẦN “HÀ HƠI, THỔI NGẠT”
Sau phát biểu của ông Chủ tịch Hiệp hội, rất nhiều ý kiến của các đại diện doanh nghiệp, ngành hàng đồng thanh “kêu khó, kể khổ”, đề xuất các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp “hà hơi, thổi ngạt” để kịp thời tháo gỡ khó khăn hiện hữu đang rất cấp bách. Tựu chung lại, các doanh nghiệp trong Hiệp hội gặp 3 nhóm khó khăn chính cần được tháo gỡ.
Thứ nhất là nhóm khó khăn liên quan đến việc tiếp cận nguồn vốn và lãi suất cao của các ngân hàng.
Ông Lê Hùng Mạnh, Giám đốc Công ty Liên doanh phân bón Hữu Nghị cho rằng, lãi suất ngân hàng ở mức 9 đến 10% ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Bởi vì, doanh nghiệp nhỏ hầu như đều phải đi vay để đầu tư, vì thế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần sớm có những giải pháp giảm lãi suất.
Ông Cao Thiện Tâm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Sầm Sơn nêu thêm: "Mặc dù các ngân hàng giảm lãi suất, nhưng lãi suất kinh doanh với doanh nghiệp du lịch còn cao (9-10%). Vì thế, chúng tôi đề nghị điều chỉnh giảm lãi suất đối với các doanh nghiệp du lịch. Việc ngân hàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm tiếp cận, đảo nợ vay ngân hàng, giảm lãi suất ưu đãi đối với lĩnh vực du lịch cũng chính là đưa du lịch sớm thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Bà Mai Thị Thắm, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đông Bắc nói về khó khăn của doanh nghiệp bất động sản hiện nay đang gặp khó khăn trong vay vốn kinh doanh bất động sản không thuận lợi như trước.
"Việc nhà nước thắt chặt chặt các khoản vay làm cho các doanh nghiệp không đủ nguồn vốn để xây dựng. Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới nhà nước có cơ chế tháo gỡ khó khăn nêu trên", bà Thắm mong muốn.
"Ngân hàng nên căn cứ hiện trạng để định giá tài sản thế chấp để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay sớm để doanh nghiệp phục hồi sản xuất góp phần đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động", ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa kiến nghị.
Thứ hai, đó là nhóm khó khăn liên quan đến các quy định về phòng cháy chữa cháy, nhất là đối với các doanh nghiệp đang hoạt động tại Khu công nghiệp Tây Bắc Ga – Đình Hương.
Xung quanh quy định mới về phòng cháy chữa cháy, nhiều doanh nghiệp cho rằng, công tác phòng cháy chữa cháy là rất cần thiết để bảo vệ tính mạng của người lao động, cũng như tài sản của doanh nghiệp là trên hết.
Tuy nhiên, trải qua 2 năm đại dịch Covid-19 đến năm 2022 các doanh nghiệp đang dần ổn định sản xuất trở lại, nhưng nhiều công xưởng, nhà máy xây dựng theo tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy cũ đều phải bị phá bỏ hoặc ngưng hoạt động gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Trần Quốc Trường, đại diện nhóm doanh nghiệp đóng tại Khu công nghiệp Tây Bắc Ga – Đình Hương nêu vấn đề, một năm các doanh nghiệp tại đây nộp ngân sách hơn 200 tỷ, doanh thu 7000 tỷ đồng. Tuy nhiên việc có tới 103 cơ sở không bảo đảm tiêu chí phòng cháy chữa cháy, bị phạt, đình chỉ sản xuất để xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy từ cuối năm 2022 để khắc phục theo nghị định 136 khiến cộng đồng doanh nghiệp tại Khu công nghiệp vô cùng lao đao.
"Hiện nay, một số doanh nghiệp đã chấp hành xử phạt hành chính, mặc dù nhiều doanh nghiệp cũng đã xây dựng lộ trình, phương án để khắc phục nhưng đang gặp rất nhiều khó khăn vì chưa thể hoạt động.
Ngành công an cần sớm ban hành bộ tiêu chí hướng dẫn cụ thể các văn bản, quy định pháp luật làm căn cứ ban hành thực hiện. Hướng dẫn quy trình, thủ tục hồ sơ phòng cháy chữa cháy từ thiết kế, thẩm duyệt, đến nghiệm thu tạo điều kiện để các doanh nghiệp có phương án khắc phục để sớm đi vào hoạt động", ông Trường chia sẻ.
Cùng quan điểm, ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa cho rằng: Đối với những doanh nghiệp trước đây đang thực hiện theo quy định phòng cháy chữa cháy cũ thì cơ quan liên quan nên có lộ trình thời gian để các doanh nghiệp khắc phục từng bước đảm bảo thực hiện theo quy định mới".
Thứ ba là nhóm các khó khăn liên quan đến việc giải quyết các thủ tục hành chính cũng như việc còn tồn tại một bộ phận cán bộ, công chức sách nhiễu gây khó khăn phiền hà cho doanh nghiệp.
Hiện nay việc giải quyết các thủ tục hành chính đang bị đình trệ, kéo dài tại một số cơ quan, có thể nguyên nhân một phần là do tình trạng thanh tra, kiểm tra, điều tra liên tục từ Trung ương đến địa phương, dẫn đến tâm lý lo sợ khi giải quyết thủ tục hành chính của một bộ phận công chức Nhà nước.
Điều này dẫn đến đình trệ, kéo dài về thủ tục hành chính, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh, gây tổn thất cho doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh quan tâm, tăng cường chỉ đạo hơn nữa trong công tác cải cách hành chính, thủ tục hành chính, không để tình trạng trì trệ, chậm giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp, nhằm tạo điều kiện để dự án được triển khai đúng tiến độ, tránh gây lãng phí, thất thiệt cho doanh nghiệp.
Bà Mai Thị Thắm, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đông Băc nêu, nhiều thủ tục rườm rà trong khi khâu giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc; việc giải quyết các thủ tục giấy tờ bị đình trệ kéo dài tại một số cơ quan gây ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và gây tổn thất cho doanh nghiệp.
“Bên cạnh đó ý thức thái độ phục vụ và trình độ năng lực của một bộ phận cán bộ công chức chưa cao còn hiện tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây khó khăn phiền hà cho doanh nghiệp trong quá trình xử lý công việc”, bà Thắm cho hay.
Giám đốc Công ty Liên doanh phân bón Hữu Nghị ông Lê Hùng Mạnh chia sẻ, hỗ trợ của nhà nước thời gian qua có nhiều chính sách mà các doanh nghiệp nhìn thấy rất hấp dẫn, nhưng quá trình tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của nhà nước còn nhiều khó khăn.
Trong khi đó, quá trình giải quyết các thủ tục của một bộ phận cán bộ lại rất nhiêu khê và chưa kịp thời, từ đó dẫn đến doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách ưu đãi của nhà nước còn chậm.
Đại diện các doanh nghiệp cũng nêu các thủ tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng hiện nay khó khăn hơn trước do các cơ quan sợ trách nhiệm, cán bộ công chức chưa nhiệt tình với công việc. Nhiều chính sách ưu đãi doanh nghiệp chỉ có thể tiếp cận trên… truyền hình.
Các doanh nghiệp đề nghị Hiệp hội kiến nghị với Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa sớm tháo gỡ khó khăn, nhất là trong việc thực hiện triển khai các dự án cấp phép xây dựng, đầu tư.
NHIỀU DOANH NGHIỆP CHƯA NỖ LỰC TỰ CỨU MÌNH
Trước thực trạng khó khăn chung của các cộng đồng doanh nghiệp, Ông Cao Tiến Đoan đã nhiều lần lên tiếng ở các diễn đàn khác nhau nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo ra những chuyển biến tích cực ở các doanh nghiệp hội viên.
Tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII của ông Đoan cũng đã nêu lên nhóm khó khăn kể trên tại phiên thảo luận. Liên quan đến ý kiến thảo luận của đại diện cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa ông Đỗ Minh Tuấn cam kết sẽ đồng hành, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng các doanh nghiệp phải có ý thức vượt khó, vươn lên, nỗ lực vượt qua chính mình.
Liên quan đến đề xuất của đại diện cộng đồng doanh nghiệp về tháo gỡ khó khăn, mở cửa cho phép hoạt động trở lại đối với các doanh nghiệp vi phạm về phòng cháy chữa cháy tại Khu công nghiệp Tây Bắc Ga - Đình Hương, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa cho rằng, các doanh nghiệp phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy hiện hành.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo ngành công an và Ban quản lý Khu công công nghiệp khẩn trương vào cuộc tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp tại đây sớm ổn định sản xuất kinh doanh.
Có thể thấy, sau hơn nửa năm các doanh nghiệp tại Khu Tây Bắc Ga bị đình chỉ hoạt động vì vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy, theo quan sát của phóng viên VnEconomy, đa số các doanh nghiệp ở đây đều đang hoạt động bình thường.
Điều đáng nói là trong số 103 doanh nghiệp bị xử phạt, đình chỉ vì quy định phòng cháy chữa cháy mới, rất ít doanh nghiệp đầu tư nghiêm túc để hoàn thiện các quy định, tự cứu lấy chính mình. Bên cạnh những lý do khách quan, thì một bộ phận doanh nghiệp tỏ ra lúng túng, thậm chí xuất hiện tâm lý ỷ lại, trông chờ vào các giải pháp mang tính tình thế để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo dự kiến, ngày 31/3/2023 tới đây, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa sẽ chủ trì Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp. Cộng đồng 27.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại địa phương đang rất kỳ vọng vào những quyết sách mang tính đột phá giúp doanh nghiệp gỡ khó, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, bên cạnh những quyết sách của người đứng đầu chính quyền tỉnh Thanh Hóa, trước hết, doanh nghiệp phải nâng cao năng lực quản trị, tài chính, quyết tâm cao nhất để vượt qua khó khăn trước mắt. Bởi vì, không có quyết sách nào có thể gỡ khó cho doanh nghiệp nếu bản thân doanh nghiệp không vận động, sáng tạo, nỗ lực vượt qua những khó khăn trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh trên thương trường.