October 06, 2008 | 09:22 GMT+7

Công nghệ sinh học Việt Nam đi theo hướng nào?

Hoa Minh

Phần lớn việc nghiên cứu liên quan đến công nghệ sinh học ở Việt Nam chỉ mới dừng lại ở phòng thí nghiệm

Hiện có 674 sản phẩm biến đổi gen được 53 chính phủ trên thế giới phê duyệt.
Hiện có 674 sản phẩm biến đổi gen được 53 chính phủ trên thế giới phê duyệt.
Đối với Việt Nam, công nghệ sinh học là ngành khoa học khá mới mẻ. Hiện Nhà nước xem công nghệ sinh học là lĩnh vực khoa học trọng điểm cần đặc biệt ưu tiên phát triển và được xem là một trong những yếu tố góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng và hội nhập kinh tế thế giới.

Trên thế giới, kể từ khi cây trồng chuyển gen được thương mại hóa vào năm 1996, đến nay, diện tích cây trồng chuyển gen đã đạt 114 triệu ha với 23 nước gieo trồng cây chuyển gen. Các loại cây chuyển gen chủ yếu là ngô, đậu nành, bông, cải dầu, trong đó nhiều nhất là đậu tương. Các nước có diện tích cây trồng chuyển gen lớn như Mỹ, Argentina, Brazil, Canada, Ấn Độ, Trung Quốc...

Bùng nổ công nghệ biến đổi gen

Ông Paul Teng, chuyên gia về công nghệ sinh học đang công tác tại Đại học Kỹ thuật NanYang (Singapore), cho biết, hiện có 674 sản phẩm biến đổi gen được 53 chính phủ phê duyệt. Cụ thể, 97 sản phẩm được phê chuẩn tại Nhật Bản, 81 sản phẩm được phê chuẩn ở Mỹ, 60 tại Canada. Trong đó, có trên 40% trong tổng số sản phẩm được phê chuẩn là từ châu Á.

Theo ông Paul Teng, công nghệ sinh học giúp tăng năng suất, giảm thiểu mất mát do sâu bệnh và cỏ dại, giảm sử dụng thuốc trừ sâu, giảm chi phí nhân công lao động làm cỏ và phun thuốc trừ sâu.

Ông Paul đưa ra một số ví dụ về hiệu quả của ứng dụng cây trồng biến đổi gen trên thế giới. Chẳng hạn, đánh giá trên đồng ruộng đối với giống lúa chuyển gen kháng sâu MH63 mang gen Bt kháng sâu đục thân. Kết quả cho thấy, lúa Bt ước tính tăng năng suất từ 2- 6% và nông dân giảm sử dụng thuốc trừ sâu đến 80%.

Ông Paul Teng dự đoán đến năm 2015, số nước áp dụng công nghệ sinh học tăng từ 23 nước ở năm 2007 lên 40 nước. Thời điểm này, số nông dân trồng cây biến đổi gen tăng từ 12 triệu người (năm 2007) lên 100 triệu người. Theo đó, diện tích cây trồng công nghệ sinh học toàn cầu từ 114 triệu ha sẽ tăng lên 200 triệu ha. Ở Việt Nam, công nghệ sinh học là ngành còn mới mẻ.

Theo ông Paul Teng, cho đến nay, phần lớn việc nghiên cứu liên quan đến công nghệ sinh học ở Việt Nam chỉ mới dừng lại ở phòng thí nghiệm ở các viện, trường vì chưa có cơ sở pháp lý. Vì vậy, Việt Nam đi sau một bước so với các nước trong khu vực như Philippines, Indonesia, Malaysia...

“Điều cần thiết đối với Việt Nam là cần hoàn thiện cơ sở pháp lý, một khi Việt Nam có hướng dẫn an toàn sinh học, những nghiên cứu sẽ được ứng dụng triển khai nhanh chóng trên ruộng đồng”, ông nói.

Ông Nguyễn Quốc Bình, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học Tp.HCM cho biết, Chính phủ đã ra Nghị định về an toàn sinh học vào năm 2005, nhưng các bộ chưa có quy định về an toàn sinh học.

Theo ông, trong năm nay hoặc đầu sang năm, có thể các bộ sẽ ban hành quy định này. Khi đó, việc ứng dụng công nghệ sinh học Việt Nam được triển khai. Ông cho rằng Việt Nam nên áp dụng cây trồng biến đổi gen đối với những loại cây đa dụng, cây sử dụng cho chăn nuôi hay lâm nghiệp, cây làm thuốc. Những loại cây xuất khẩu mạnh như lúa, tiêu, điều, chưa nên ứng dụng cây chuyển gen.

Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng

Đối với cây dành cho chăn nuôi, cụ thể là ngô, ông Bình phân tích, nhu cầu sản xuất thức ăn gia súc ở Việt Nam ngày càng tăng. Việc sử dụng cây chuyển gen sẽ đáp ứng nhu cầu trong nước. Dự kiến, Việt Nam cần 8 triệu tấn ngô vào năm 2010 đáp ứng nhu cầu sản xuất thức ăn gia súc. Hiện tại, trong nước sản xuất được 4 triệu tấn, nếu không tăng năng suất khó đáp ứng nhu cầu cho năm 2010.

Theo ông Bình, nếu trồng ngô chuyển gen lợi ích là tăng năng suất do hạn chế sâu đục thân, tăng giá trị sau thu hoạch, tăng lợi nhuận do giảm chi phí dùng thuốc trừ sâu.

Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu lương thực chủ lực trên thế giới. Để duy trì ưu thế cạnh tranh và tăng cường sản lượng, ông Paul Teng nhấn mạnh đến việc ứng dụng công nghệ sinh học. Nhận thấy tầm quan trọng này, năm 2006, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020.

Chương trình chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn từ năm 2006-2010, Việt Nam chọn tạo một số giống cây trồng, vật nuôi bằng kỹ thuật sinh học phân tử và áp dụng vào sản xuất; chọn tạo được một số dòng cây trồng biến đổi gen trong phạm vi phòng thí nghiệm và thử nghiệm trên đồng ruộng.

Trong giai đoạn từ 2011-2015, Việt Nam đưa ra một số giống cây trồng biến đổi gen vào sản xuất, ứng dụng thành công nhân bản vô tính ở động vật. Công nghệ sinh học nông nghiệp đóng góp từ 20-30% tổng số đóng góp của khoa học và công nghệ vào sự gia tăng giá trị của ngành nông nghiệp.

Tầm nhìn đến 2020, diện tích trồng trọt các giống cây trồng mới tạo ra bằng các kỹ thuật của công nghệ sinh học chiếm trên 70%. Trong đó, diện tích trồng trọt các giống cây trồng biến đổi gen chiếm 30-50%. Trên 70% nhu cầu về giống cây sạch bệnh được cung cấp từ công nghiệp vi nhân giống. Trên 80% diện tích trồng rau, cây ăn quả sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, đáp ứng cơ bản nhu cầu vắc xin cho vật nuôi.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate