Trứng sau khi thụ tinh và phát triển thành phôi được nuôi trong tủ nuôi cấy cho tới giai đoạn đông phôi hoặc chuyển phôi. Đến nay, sự phát triển về công nghệ của các tủ cấy phôi đã trải qua ba giai đoạn cơ bản, từ tủ nuôi cấy lớn một cửa đến tủ nuôi cấy nhiều ngăn và cải tiến gần nhất là tủ nuôi cấy nhiều ngăn tích hợp hệ thống kính hiển vi soi ngược và camera (công nghệ Time-lapse).Theo nghiên cứu của Pribenszky C và cộng sự năm 2017, nuôi cấy phôi trong tủ Time-lapse cải thiện kết cục lâm sàng (tỷ lệ có thai, sẩy thai sớm, tử sản và tỷ lệ sinh sống) so với nuôi cấy thông thường. Công nghệ nuôi cấy phôi trong tủ Time-lapse có tỷ lệ thai lâm sàng hơn so với nuôi cấy thông thường, giảm đáng kể tỷ lệ sẩy thai sớm.Về quy trình nuôi cấy phôi trong tủ Time-lapse: Mỗi phôi của một cặp vợ chồng được nuôi cấy riêng biệt trong Tủ nuôi cấy phôi công nghệ Time-lapse và có camera ghi nhận hình ảnh phôi ở các giai đoạn phôi phân chia. Dữ liệu này sẽ được truyền vào máy vi tính, bác sĩ có thể đánh giá chất lượng phôi mà không cần lấy phôi ra ngoài. Quá trình nuôi cấy phôi sẽ không bị gián đoạn, môi trường nuôi cấy phôi sẽ ổn định nhất so với việc nuôi cấy phôi thông thường.
Các dữ liệu hình ảnh, video, kết quả đánh giá phôi được truyền trực tiếp từ phòng lab đến máy tính phòng tư vấn. Bác sĩ có thể tư vấn cho các cặp vợ chồng với thông tin rõ ràng, cụ thể. Bố mẹ cũng có trải nghiệm tuyệt vời hơn khi được xem những thước phim đầu đời của bé do camera ghi nhận từ khi hình thành mầm sống đầu tiên đến suốt quá trình phát triển của phôi.Thông tin của mỗi phôi sẽ chi tiết hơn, giúp các chuyên viên phôi học chọn lựa đúng phôi có khả năng làm tổ cao nhất. Phần mềm trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligene, AI) cũng đã ra đời, giúp việc đánh giá phôi được nhanh hơn và khách quan hơn.Theo nghiên cứu của B.Aparicio Ruiz và cộng sự vào năm 2018 trên 4010 ca chuyển phôi tại cùng một trung tâm IVF ở châu Âu, cho kết quả tỉ lệ phôi nang bình thường và phôi nang tốt trong tủ Time-lapse lần lượt là 47.2% và 27,9%, cao hơn có ý nghĩa thống kê so nuôi cấy phôi thông thường trong tủ nhiểu ngăn với tỉ lệ lần lượt là 41.3% và 22.1%.
ThS. BS. Huỳnh Thị Thu Thảo – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc chia sẻ: "Từ sau khi lắp đặt hệ thống tủ nuôi cấy công nghệ Time-lapse, chúng tôi đã áp dụng cho 40 ca thụ tinh trong ống nghiệm và thu được nhiều kết quả tốt, tỉ lệ có thai khi chọn phôi chuyển kết hợp hình thái và động học phôi là 56.25% (9/16 ca chuyển phôi)"Cũng theo BS. Thảo, trước đây khi không có camera theo dõi liên tục, mỗi lần muốn theo dõi, phải mở cửa tủ đưa phôi ra ngoài, đánh giá chất lượng phôi dựa vào kính hiển vi soi ngược ở ngoài tủ. Điều này dễ làm gián đoạn, xáo trộn môi trường nuôi cấy. "Công nghệ mới giúp thông tin mỗi phôi chi tiết hơn, các chuyên viên phôi học dễ chọn lựa phôi có khả năng làm tổ cao nhất. Phần mềm trí tuệ nhân tạo cũng giúp việc đánh giá phôi nhanh hơn, khách quan hơn," bác sĩ Thảo phân tích.
Hệ thống tủ nuôi cấy phôi công nghệ Time-lapse đang được sử dụng nhiều tại châu Âu, Mỹ và các nước phát triển. Các nghiên cứu cho thấy công nghệ này giúp tăng tỷ lệ có thai, giảm đáng kể tỷ lệ sảy thai sớm so với nuôi cấy thông thường. Tại Việt Nam, các trung tâm hỗ trợ sinh sản đang dần trang bị thiết bị này.