October 23, 2019 | 09:22 GMT+7

Công nghiệp ôtô Việt Nam bao nhiêu năm vẫn chỉ loay hoay làm săm, lốp...

KIỀU LINH

Ngành sản xuất phụ tùng ôtô của Việt Nam mới chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, săm lốp

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

"Nghe các đánh giá thị trường xe hơi và cơ hội xe hơi Việt cạnh tranh với các nước chẳng thấy có cơ hội nào cho phát triển ngành xe hơi trong 10 năm tới vì chúng ta toàn doanh nghiệp nhỏ. Trong khi đó, doanh nghiệp phụ tùng của Việt Nam hiện mới chỉ vật lộn với câu chuyện tồn tại, sống tốt, chứ chưa thể nói là làm giàu lên được nhờ ngành ôtô trong nước", Tiến sĩ Trương Thị Chí Bình, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (Vasi) nói như vậy tại Hội thảo về ngành ôtô mới đây.

Công nghiệp hỗ trợ bao nhiêu năm vẫn loay hoay với săm lốp

Đánh giá thực trạng của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Ciem) cho biết, ngành sản xuất linh kiện ôtô của Việt Nam quá nhỏ bé so với Thái Lan, số lượng nhà cung cấp mới chỉ dừng lại ở 276, trong khi nhà cung cấp của Thái Lan lên đến 2.000.

Trong cấu trúc linh kiện xe, Việt Nam nhập khẩu đến 85%, bao gồm động cơ, hộp số, toàn bộ thân vỏ xe, linh kiện điện tử, linh kiện thép, nhựa ép chất lượng cao. Còn nội địa hoá 15% linh kiện cồng kềnh như ghế, bộ dây điện…

Phân tích rõ hơn, báo cáo của Ciem cho thấy, lợi thế của ngành sản xuất linh kiện rất nhiều như nguồn nhân lực chất lượng cao, chi phí rẻ; chi phí vận chuyển tới nhà máy sản xuất xe so sới linh kiện nhập khẩu rẻ. Tuy nhiên, cũng còn tồn tại các bất lợi khác như thị trường còn nhỏ, thiếu ngành công nghiệp nguyên vật liệu như thép, nhựa. Trình độ kỹ thuật sản xuất còn thấp, thiếu kinh nghiệm quản trị. 

"Những điểm bất lợi như đầu tư lớn, độ phức tạp cao, nguyên vật liệu chất lượng cao khiến Việt Nam buộc phải nhập khẩu các linh kiện như động cơ, hộp số, thân vỏ xe…", báo cáo nêu rõ.

Việc tỷ lệ nội địa hoá và sản lượng thấp khiến chi phí sản xuất xe bao gồm cả vận chuyển cao hơn 20% so với xe nhập khẩu. Riêng chi phí vận chuyển đã chiếm đến 5% chi phí xe, và nhập khẩu linh kiện chiếm 20-30% chi phí linh kiện.   

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hải Bình, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính chỉ ra một thực tế rằng ngành sản xuất phụ tùng ôtô của Việt Nam mới chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, săm lốp, sản phẩm nhựa…

Tỷ lệ nội địa hoá của Việt Nam thấp hơn nhiều mức trung bình 65-70% của các nước trong khu vực và mức 80% của Thái Lan.

Trong đó, tỷ lệ nội địa hoá xe tải 7 tấn đạt 55%, xe khách 10 chỗ ngồi trở lên và xe chuyên dụng đạt 45-55%; xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi mới đạt 7-10%. Trong khi đó, mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ nội địa hoá xr đến 9 chỗ đạt 40-45%; xe 10 chỗ trở lên đạt 60%.

Không có cơ hội giàu lên nhờ ngành ôtô

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Tiểu ban chính sách, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho rằng, hiện ngành sản xuất xe hơi của Thái Lan, Indonesia vẫn mạnh hơn chúng ta, đây là đối thủ cạnh tranh chính của ngành sản xuất ôtô Việt Nam ở trong khu vực. Tuy nhiên, với thị trường dân số đông, nhu cầu ngày càng cao, chưa có "ôtô hoá" nên Việt Nam có tiềm năng rất lớn để cho ngành ôtô trong tận dụng phát triển.

Đại điện của Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho hay, tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam có khoảng 400 doanh nghiệp hoạt động liên quan đến sản xuất, cung ứng nguyên, linh kiện cho ôtô.

Tuy nhiên, trong đó chỉ có khoảng 100 doanh nghiệp cung ứng cấp 1 (cung ứng trực tiếp), 150 doanh nghiệp cung ứng cấp 2 và 3, còn lại hầu hết là trung gian. Điều này khác hoàn toàn với Thái Lan, khi hệ thống nhà cung ứng cấp 1 của họ lên đến 700 nhà cung ứng.

"Thị trường và nhu cầu của hơn 90 triệu dân Việt Nam thời gian sắp tới sẽ rất lớn, trong khi đó thực tế tỷ lệ sở hữu ô tô/người của Việt Nam dưới bình quân chung của khu vực, điều này vừa là cơ hội, nhưng vừa là thách thức cho ngành xe hơi Việt Nam", đại diện đến từ Bộ Công Thương cho biết.

Tuy nhiên, bày tỏ không mấy lạc quan, bà Trương Thị Chí Bình, Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho nói: "Nghe các đánh giá thị trường xe hơi và cơ hội xe hơi Việt cạnh tranh với các nước chẳng thấy có cơ hội nào cho phát triển ngành xe hơi trong 10 năm tới vì chúng ta toàn doanh nghiệp nhỏ. Trong khi đó, doanh nghiệp phụ tùng của Việt Nam hiện mới chỉ vật lộn với câu chuyện tồn tại, sống tốt, chứ chưa thể nói là làm giàu lên được nhờ ngành ôtô trong nước", bà Bình nói.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate