Theo nguồn tin, công ty có trụ sở ở Hà Lan cũng sẽ không tham gia vào bất kỳ giao dịch nào mới liên quan đến dầu thô và các sản phẩm dầu từ Nga. Hiện Vitol chưa có tuyên bố chính thức nào về vấn đề này.
Từ khi nổ ra cuộc chiến tranh giữa Nga với Ukraine hồi cuối tháng 2, Mỹ, Anh, Canada và Australia đã lần lượt tuyên bố cấm dầu Nga. Nhiều công ty năng lượng lớn gồm Shell, TotalEnergies và Neste cũng đã dừng mua dầu thô của Nga hoặc tiến tới chấm dứt việc này trước cuối năm nay.
Chưa kể, nhiều ngân hàng, nhà giao dịch, nhà vận tải, và các công ty bảo hiểm cũng tránh các giao dịch liên quan đến dầu Nga, một mặt vì lo ngại vướng vào các biện pháp trừng phạt, mặt khác muốn bảo toàn uy tín doanh nghiệp.
Vì những lý do này, giá dầu Nga đã giảm sâu. Hiện tại, dầu thô Urals của Nga đang được chào bán với giá thấp hơn khoảng 34 USD/thùng so với giá dầu thô Brent giao dịch tại thị trường London – giá tham chiếu của thị trường dầu lửa toàn cầu.
Trong lúc phương Tây tránh dầu Nga, nhiều khách hàng ở khu vực châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc… đã tăng mua dầu giá rẻ từ Nga.
Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng nguồn cung dầu từ Nga sẽ sụt giảm mạnh vì thiếu khách mua. Trong một báo cáo vào tuần này, IEA dự báo nguồn cung dầu Nga sẽ giảm 1,5 triệu thùng/ngày trong tháng 4 và có thể giảm tới 3 triệu thùng/ngày từ tháng 5 trở đi.
Không chỉ giao dịch dầu lửa, Vitol còn giao dịch nhiều hàng hoá cơ bản khác. Năm ngoái, doanh thu của công ty này đạt 279 tỷ USD, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu phục hồi mạnh khi các nền kinh tế mở cửa trở lại sau thời gian phong toả vì Covid. Theo dữ liệu từ webiste của Vitol, trong năm 2021, công ty giao dịch 7,6 triệu thùng dầu thô và các sản phẩm dầu khác mỗi ngày.
Số dầu này nhiều hơn lượng dầu thô xuất khẩu mỗi ngày của Nga. Theo ước tính của IEA, Nga xuất khẩu khoảng 4,7 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong năm ngoái. Trong dó, có khoảng 1,4 triệu thùng/ngày được xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Tuy nhiên, Liên minh châu Âu (EU) cũng đang cân nhắc một kế hoạch nhằm tiến tới cấm dầu Nga. Tờ New York Times ngày 14/4 cho biết EU đang tiến tới phê chuẩn một kế hoạch như vậy, và việc giảm dần nhập dầu Nga sẽ cho phép Đức và các quốc gia khác trong khối có thời gian tìm kiếm các nguồn cung thay thế. Tuần trước, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nói rằng cấm vận dầu Nga là một phần trong gói trừng phạt thứ 6 mà châu Âu đang thảo luận để áp lên Nga.
Ảnh hưởng gộp lại của các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga có thể dẫn tới giá dầu thế giới tăng cao hơn nữa, khi các nước nhập khẩu dầu phải tìm kiếm nguồn cung thay thế cho dầu Nga. Cần phải nói thêm rằng Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ nhì thế giới, chỉ sau Saudi Arabia, và chiếm 14% nguồn cung dầu toàn cầu năm 2021 – theo IEA.
Đầu tháng 3, giá dầu Brent có lúc vượt 139 USD/thùng, cao nhất 14 năm. Gần đây, giá dầu Brent có lúc giảm dưới 100 USD/thùng và hiện đã hồi về ngưỡng 111 USD/thùng.
Mỹ và các nước thành viên khác của IEA đã nhất trí xả 240 triệu thùng dầu từ dự trữ chiến lược trong vòng 6 tháng nhằm bổ sung nguồn cung cho thị trường. Đây là một nguyên nhân quan trọng khiến giá dầu ngừng lập đỉnh mới thời gian gần đây. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng việc xả dự trữ chỉ là một giải pháp tạm thời và sẽ không thể giải quyết được sự thiếu cung dầu trong dài hạn.