May 18, 2021 | 20:17 GMT+7

Công ty niêm yết hút hơn 100.000 tỷ qua phát hành tăng vốn, cẩn trọng nhóm ngân hàng

An Nhiên -

Ba nhóm ngành có số lượng doanh nghiệp tăng vốn sôi động nhất là ngân hàng, bất động sản, chứng khoán với số huy động dự kiến hơn 100.000 tỷ đồng…

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Theo báo cáo của SSI Research, nhiều ngân hàng tư nhân đã có những đợt tăng vốn đáng kể để cải thiện các chỉ tiêu an toàn vốn trong năm 2017-2018, trong khi các ngân hàng quốc doanh được tăng vốn trong năm 2019.

Kể từ sau những đợt tăng vốn đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng niêm yết đã vượt tốc độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu. Đồng thời, toàn hệ thống bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn an toàn vốn nghiêm ngặt hơn theo Basel II từ 2019. Do đó, các ngân hàng cần bộ đệm vốn lớn hơn để duy trì đà tăng trưởng hiện tại, trong khi vẫn đáp ứng biên độ an toàn vốn lớn hơn trong giai đoạn đại dịch.

Năm nay, khoảng 16 ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu lên kế hoạch tăng vốn điều lệ đáng kể trong 2021. Cụ thể, vốn điều lệ tại các ngân hàng này theo kế hoạch tăng 82,7 nghìn tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ, trong đó 61,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 75%) ước tính tăng qua chia tách cổ phiếu; 18,3 nghìn tỷ đồng (chiếm 22%) từ phát hành riêng lẻ và/hoặc phát hành quyền mua cổ phiếu; và 2,6 nghìn tỷ đồng (chiếm 3%) thông qua phát hành ESOP.

Bên cạnh đó, từ 2020, Ngân hàng Nhà nước thắt chặt việc ngân hàng trả cổ tức tiền mặt. Thay vào đó, NHNN khuyến khích trả cổ tức cổ phiếu hoặc dùng nguồn lực để xử lý hết trái phiếu VAMC. Ngoại lệ duy nhất đối với việc trả cổ tức tiền mặt là đối với các ngân hàng quốc doanh (VCB, BID, CTG) do yêu cầu từ Kho bạc Nhà nước.

Mặt khác, cổ tức cổ phiếu của các ngân hàng quốc doanh trong năm 2021 được hỗ trở bởi Nghị định 121/2020, cho phép Chính phủ bơm vốn vào các ngân hàng có tỷ lệ sở hữu Nhà nước trên 50%.

Kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng.
Kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng.

Ngành chứng khoán cũng lên kế hoạch tăng vốn trong năm 2021. Năm công ty chứng khoán niêm yết lớn nhất gồm SSI, VCI, HCM, VND, MBS đang lên kế hoạch tăng vốn trong đó 6,4 nghìn tỷ đồng đến từ phát hành quyền mua cổ phiếu, phát hành riêng lẻ và/hoặc trái phiếu chuyển đổi và 813 tỷ đồng thông qua ESOP.

Điều này giúp các công ty chứng khoán mở rộng hoạt động kinh doanh, đặc biệt là hoạt động cho vay ký quỹ với giới hạn theo luật định là hai lần vốn chủ sở hữu.

Năm công ty chứng khoán lớn nhất phát hành cổ phiếu tăng vốn.
Năm công ty chứng khoán lớn nhất phát hành cổ phiếu tăng vốn.

Đối với nhóm bất động sản, các công ty bất động sản cũng nhận thấy đây là thời điểm thích hợp để chuyển từ huy động vốn bằng trái phiếu sang cổ phiếu nhờ trạng thái tích cực của thị trường.

Theo SSI Research, có bảy công ty lên kế hoạch tăng vốn năm 2021, với số tiền dự kiến ban đầu là 18,7 nghìn tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ, phát hành quyền mua cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi và 434 tỷ đồng thông qua cổ phiếu ESOP. Trong khi đó, phần còn lại là kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua cổ tức cổ phiếu.

So với năm ngoái khi mức tăng vốn chưa đáng kể, đạt 2,4 nghìn tỷ đồng chủ yếu thông qua cổ tức cổ phiếu/ cổ phiếu thưởng, việc tăng vốn trong năm 2021 kể trên sẽ hỗ trợ đáng kể cho khả năng tăng trưởng trong trung hạn của các công ty. Hiện tại, với tâm lý thị trường tích cực, đây có thể là thời điểm thuận lợi để tăng vốn cổ phần.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng chớp thời cơ tăng vốn.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng chớp thời cơ tăng vốn.

“Do tác động pha loãng lợi nhuận là không đáng kể, tăng vốn có thể là yếu tố nâng đỡ cho vận động giá cổ phiếu của ngành bất động sản và ngân hàng từ nay cho đến cuối năm 2021. Chúng tôi duy trì khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu bất động sản dân cư và cẩn trọng hơn đối với nhóm ngân hàng do triển vọng tích cực đã phần nào phản ánh vào giá”, SSI Research đánh giá.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate